Bắc Giang phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 130-NQ/TU của Tỉnh ủy, đến nay Bắc Giang đã huy động được hơn 593 tỷ đồng thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 716 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp đạt từ 220 triệu đến 250 triệu đồng/ha/năm. Bắc Giang đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa các khâu trong quá trình sản xuất; tập trung ứng dụng các tiến bộ về giống, công nghệ sạch, hữu cơ và các chế phẩm sinh học. Các ứng dụng này được nhiều doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh áp dụng. Trên cơ sở đó, tỉnh mở rộng áp dụng các mô hình thành công trên diện rộng. Tỉnh rà soát, lựa chọn, định hướng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng của tỉnh; quy hoạch hạ tầng kỹ thuật tương xứng, đồng bộ từ sản xuất đến sơ chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.

Người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HƯƠNG LAN

Người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HƯƠNG LAN

Thời gian tới, Bắc Giang sẽ mở rộng quy mô, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, an toàn sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; tăng cường quản lý nhà nước về sản xuất, cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các chế phẩm, chất phụ gia, chất cấm trong sản xuất và bảo quản nông sản. Các loại hình kinh tế tập thể tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tỉnh ưu tiên, hỗ trợ; nhất là hợp tác xã và tổ hợp tác nông nghiệp. Một số mô hình đã đạt hiệu quả, được tỉnh khuyến khích là: sản xuất rau an toàn, sản xuất hoa cao cấp, sản xuất cây có múi và sản xuất chè.

* Tỉnh Sóc Trăng vừa ban hành bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) nhằm nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền và cơ quan, đơn vị. Đây là cơ sở để đánh giá năng lực cạnh tranh (NLCT) của các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh giai đoạn 2020 - 2021.

Trong năm 2020, tỉnh đánh giá NLCT của hai nhóm đối tượng, gồm: Nhóm các sở, ngành sẽ đánh giá 19 cơ quan; nhóm địa phương, sẽ đánh giá 11 huyện, thị xã, thành phố.

Nội dung đánh giá ở các sở, ngành là về tính hiệu quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch; chất lượng dịch vụ công; minh bạch thông tin và đối xử công bằng; tính năng động và trách nhiệm giải trình của cán bộ lãnh đạo; chi phí không chính thức. Nhóm địa phương được đánh giá về nội dung: Chi phí gia nhập thị trường; khả năng tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh; chất lượng dịch vụ công trong cấp phép và hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra; tính năng động, tiên phong của lãnh đạo địa phương; hiệu quả công tác đối thoại và trách nhiệm giải trình; minh bạch thông tin và đối xử công bằng; hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, chất lượng dịch vụ công và hiệu quả của bộ phận một cửa; hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh; chi phí không chính thức; hiệu quả của công tác an ninh trật tự bảo đảm môi trường kinh doanh an toàn.

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tiến hành chọn mẫu, khảo sát, phân tích, đánh giá từ tháng 6 đến tháng 9 và công bố kết quả vào tháng 10. Việc đánh giá NLCT của các sở, ban, ngành và địa phương được tỉnh kỳ vọng góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, và NLCT của tỉnh.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44046802-bac-giang-phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao.html