Bắc Giang: Người lưu truyền câu hát soọng cô

Đã ngoài 70 tuổi nhưng Nghệ nhân Ưu tú Trần Văn Ba, dân tộc Sán Dìu ở thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vẫn luôn đắm say với câu hát soọng cô.

Nghệ nhân Ưu tú Trần Văn Ba (thứ 5 từ phải qua) và các thành viên trong CLB hát giao lưu soọng cô.

Giáp Sơn là xã miền núi của huyện Lục Ngạn còn bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp, trong đó có hát dân ca của đồng bào dân tộc Sán Dìu (còn gọi là soọng cô). Khi được hỏi về dân ca dân tộc Sán Dìu, nghệ nhân Ba cho biết: Còn nhỏ ông đã được nghe cha mẹ hát những làn điệu dân ca của dân tộc mình và yêu thích từ đó.

"Năm 17 tuổi tôi đã thuộc nhiều bài dân ca và thường theo các nghệ nhân cao tuổi trong thôn, xã để học hát theo hình thức truyền khẩu là chủ yếu đồng thời có thể hát được nhiều thể loại như: Hát giao duyên (cô chấy), hát mừng đám cưới (sênh ca chíu cô), hát mừng sinh nhật (shang chíu cô), hát mừng nhà mới (soọng shiu ôc cô), mừng năm mới (shin nén cô)”...

Không chỉ hát giao lưu với nhân dân trong xã, ông Ba còn đi hát giao lưu ở nhiều địa phương khác trong huyện, trong tỉnh và các tỉnh có đồng bào Sán Dìu sinh sống như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… để cùng nhau trao đổi, học tập, kết nối bản sắc văn hóa dân tộc.

Nghệ nhân Trần Văn Ba chia sẻ, vào những năm 1980 trở về trước cứ đến phiên chợ Chũ, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Sán Chí, Sán Dìu… lại cùng nhau xuống chợ, từng nhóm, từng đôi gặp gỡ hát giao duyên trong các buổi chợ phiên rất đông vui. Vốn là người có giọng hát tốt, mang phong cách riêng với lối hát dặt dìu, khoan thai nhưng vẫn đầy nội lực, lời ca làm say đắm lòng người, ông Ba thường được mời đi hát trong các đám cưới, những ngày lễ tết của dân tộc.

Hát soọng cô là loại hình diễn xướng dân gian bắt nguồn từ chính cuộc sống lao động đời thường của đồng bào dân tộc Sán Dìu với nhiều thể loại như: Hát ru, hát đồng dao, hát giao duyên, hát trong đám cưới, hát chúc thọ… Lời ca và giai điệu soọng cô mang những tâm tư tình cảm, ca ngợi cảnh sắc quê hương và mong ước cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Không ai còn nhớ nguồn gốc của những bài dân ca ấy ra đời từ khi nào.

Chỉ biết bao đời nay người Sán Dìu còn âm vang truyền thuyết rằng: Ngày xưa, có một cô gái tên là Lý Tam Mói thông minh, xinh đẹp và rất giỏi hát đối đáp. Người trong vùng chưa ai đối lại được cô. Một hôm khi cô đang gánh nước ở bờ sông, bỗng gặp ba chàng trai đi trên ba chiếc thuyền chở rất nhiều sách tiến tới chỗ cô gái. Cô gái hỏi các chàng đi đâu, các chàng đáp là đi hát, thấy vậy cô gái đưa ra vế đối.

Ba chàng tìm đọc hết sách ở trên thuyền mà không đối đáp lại được với cô gái đành vứt bỏ hết sách đi. Từ đó cô gái bỗng sinh buồn rầu, luyến tiếc. Cô hát cho đến già mà không lấy chồng. Khi chết cô hóa thành tiên bay lên trời. Người đời sau đó tìm được ba quyển sách chép bài hát của ba chàng trai còn sót lại nên đã dùng để lưu truyền đến bây giờ.

Người Sán Dìu có thể hát dân ca vào buổi sáng, buổi chiều sau những giờ lao động mệt nhọc trên nương rẫy, quanh bếp lửa và sau những bữa cơm chiều. Họ lấy lời ca tiếng hát để chào hỏi nhau, để giao lưu kết bạn, thổ lộ tình cảm của mình. Sau những buổi hát, nhiều đôi trai gái còn nên vợ nên chồng.

Năm 2012, xã Giáp Sơn thành lập Câu lạc bộ (CLB) hát dân ca Sán Dìu, ông Ba được bầu làm Chủ nhiệm CLB. Khi mới thành lập, CLB còn gặp nhiều khó khăn, ông Ba cùng Ban chủ nhiệm CLB phải tự tìm tòi, sưu tầm các bài hát cổ, đặt lời mới cho các bài hát dựa trên các làn điệu dân ca, ca ngợi quê hương đất nước, con người, cả những bài hát đối, hát giao duyên để truyền dạy cho các thành viên trong CLB.

Hằng năm CLB tổ chức các cuộc giao lưu hát dân ca vào những ngày đầu xuân ở trong xã, huyện và nhiều địa phương khác ở các tỉnh có đồng bào dân tộc Sán Dìu. Trong đời sống thường ngày, ông Ba luôn là người tích cực thực hiện bảo tồn di sản văn hóa Sán Dìu. Năm 2009, gia đình ông tổ chức nghi thức hát trong đám cưới của con gái là Trần Thị Mười với sự chứng kiến của đông đảo họ hàng, nhân dân.

Nhiều năm qua, ông Ba đã tham gia các cuộc thi hát dân ca tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn đều đạt được thành tích cao. Với đóng góp của mình, năm 2014, ông Trần Văn Ba được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen. Năm 2019, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Đồng Ngọc Dưỡng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bac-giang-nguoi-luu-truyen-cau-hat-soong-co-81133