Bắc Giang: Người Dao giữ bản sắc dân tộc

Người Dao tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang tập trung nhiều ở các xã, thị trấn: Tuấn Mậu, Thanh Sơn, Thanh Luận, Dương Hưu, Vân Sơn, Hữu Sản và Thạch Sơn… Giữa nhịp sống hiện đại, đồng bào dân tộc Dao vẫn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa, trao truyền cho các thế hệ sau.

Đến thăm nhà anh Hoàng Tiến Thọ (SN 1989), dân tộc Dao, ở thôn Sản 1, xã Hữu Sản đúng lúc anh vừa đi rừng về. Lau những giọt mồ hôi trên trán, anh Thọ nói: “Diện tích rừng của gia đình vừa thu hoạch được gần 40 triệu đồng và đã trồng lứa cây mới. Tranh thủ những ngày nắng, vợ chồng tôi đi làm thêm ở các xã bên, dành tiền để chăm lo con cái đi học và chuẩn bị cho lễ cấp sắc dịp cuối năm”.

Trang phục truyền thống dân tộc Dao.

Vừa trò chuyện, anh Thọ vừa mở cửa tủ, lấy ra những bộ trang phục màu sắc sặc sỡ của người lớn, trẻ em, nam nữ mang đậm nét hoa văn của dân tộc Dao. Anh cho biết, để có được những bộ quần áo đúng bản sắc, anh chị phải mất nhiều tháng chuẩn bị. Vợ anh chịu trách nhiệm thêu quần áo, tỉ mỉ từng chút một. Do làm thủ công nên mất nhiều thời gian nhưng bù lại từng đường kim mũi chỉ đều cẩn thận, dày dặn, không thô như hàng may sẵn ở chợ.

Với người Dao, lễ cấp sắc đặc biệt quan trọng, theo quan niệm của đồng bào, cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của người đàn ông dân tộc Dao, được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành và có đủ quyền tham gia các công việc của cộng đồng. Lễ cấp sắc của người Dao thường được tổ chức vào tháng 11, 12 hoặc tháng Giêng hằng năm, với rất nhiều nghi lễ đa dạng và độc đáo của các ngành đồng bào Dao. Mỗi ngành Dao đều có không gian hành lễ, mang đặc trưng riêng.

Bộ mặt nông thôn mới vùng DTTS ở Sơn Động khởi sắc.

Trao đổi với ông La Hữu Hiệp, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Sơn Động, được biết, dân tộc Dao trên địa bàn chủ yếu thuộc các nhóm Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán và Dao Lô Gang. Giống như nhiều dân tộc anh em, dân tộc Dao cũng làm đồi rừng, nương rẫy, cấy lúa nước, chăn nuôi… Về trang phục phụ nữ dân tộc Dao, tùy theo từng nhóm mà có sự khác biệt đôi chút về kiểu thức hoa văn. Áo có màu chàm đen hoặc thẫm.

Áo nam người Dao có màu chàm đậm được cắt may đơn giản gồm bốn mảnh vải ghép lại. Quần nam đơn giản, không có họa tiết. Trước đây, nhà ở của người Dao ở Sơn Động được làm bằng tre, nứa, lá nhưng nay do điều kiện kinh tế đã khá giả hơn, bà con xây nhà gạch, nhiều tầng, mua sắm nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại phục vụ cuộc sống.

Tuy vậy, không vì biến đổi trong xã hội mà dân tộc Dao ở Sơn Động bị mai một truyền thống văn hóa. Các thế hệ luôn có ý thức giữ gìn, bảo tồn và truyền lại cho con cháu. Điển hình là ông Bàn Văn Cường (SN 1946), thôn Thanh Chung, xã Tuấn Mậu – tấm gương sáng về lưu giữ, tìm kiếm, truyền dạy các văn tự cổ cho người dân tại địa phương.

Văn tự cổ của người Dao, bắt nguồn từ chữ Hán cổ. Trong quá trình phát triển, người Dao đã vận dụng, biến đổi chữ Hán đó sao cho phù hợp với truyền thống, văn hóa của cộng đồng mình. Sách cổ của người Dao là một kho tàng tri thức. Có sách dạy về cách trồng trọt, chăn nuôi, cách làm thủy lợi, dạy về làm người...

Hiện nay, ông Cường lưu giữ hàng trăm đầu sách, trong đó có những cuốn sách cổ, quý hiếm. Không chỉ giữ cho bản thân, ông Cường còn truyền dạy cho nhiều người, hằng ngày ông vẫn tỉ mẩn ghi chép, sưu tầm để bảo tồn nét văn hóa dân tộc.

Trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Dao ở Sơn Động, bà con hết sức coi trọng tập tục thờ cúng tổ tiên. Nghi lễ thờ cúng của người Dao mang đậm tính nhân văn, hướng con người nhớ đến nguồn cội, xua đuổi cái ác và là sợi dây liên kết cộng đồng sâu sắc. Trong nghi lễ thờ cúng, người Dao sử dụng nhiều tranh cúng và mỗi dịp lễ, Tết, lại có những loại tranh cúng riêng; trong đó phổ biến là bộ tranh Tam Tượng (hay còn gọi là Tam Thanh) và bộ Đại Đường Quân.

Mỗi năm, người Dao có một số lễ hội gồm: Hội mùa xuân (tổ chức vào tháng Giêng âm lịch), hội cầu mùa (cũng tổ chức cũng trong tháng Giêng từ ngày 10 đến 15), lễ cúng bản của người Dao Thanh Y và lễ cầu tài…

Ngày nay, người Dao ở Sơn Động hòa nhập hơn với các dân tộc khác, tích cực tham gia phát triển KT-XH, xây dựng vùng cao ngày càng no ấm nhưng những nét đặc trưng văn hóa về trang phục, tín ngưỡng, phong tục tập quán vẫn luôn được đồng bào gìn giữ, bảo tồn, tạo nên sự đa dạng, phong phú trong muôn màu các dân tộc ở Bắc Giang.

Quốc Phương

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bac-giang-nguoi-dao-giu-ban-sac-dan-toc-72126