Bắc Giang ngăn chặn lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, hiện toàn tỉnh có khoảng 1,8 nghìn lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài theo quy định của Luật Việc làm Hàn Quốc, trong đó có khoảng 460 người đã hết hạn hợp đồng nhưng ở lại cư trú bất hợp pháp.

Bắc Giang có khoảng 1,8 nghìn lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Ảnh minh họa.

Bắc Giang có khoảng 1,8 nghìn lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Ảnh minh họa.

Do có tỷ lệ cư trú bất hợp pháp cao (từ 30% trở lên) nên từ năm 2017 đến trước tháng 6/2020, 3 huyện gồm: Lục Nam, Lạng Giang, Yên Dũng lần lượt bị đưa vào danh sách tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài theo quy định của Luật Việc làm Hàn Quốc (EPS).

Đến nay, mặc dù toàn tỉnh Bắc Giang đã không còn huyện nào nằm trong danh sách tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc theo Chương trình EPS nhưng để duy trì kết quả này, bên cạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người lao động, vẫn cần thêm những giải pháp quyết liệt.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), với mức thu nhập hấp dẫn, bình quân mỗi tháng từ 35-40 triệu đồng nên nhiều người ở lại lao động “chui” tại Hàn Quốc. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng tới hình ảnh lao động Việt Nam tại nước ngoài. Hơn thế, tình trạng này kéo dài sẽ tạo ra nguy cơ mất thị trường xuất khẩu lao động truyền thống.

Khi hết hạn hợp đồng mà không chấp hành về nước, lao động sẽ bị lực lượng an ninh truy quét, không được Chính phủ và pháp luật Hàn Quốc bảo hộ. Mặc dù, người lao động đều hiểu rõ điều này nhưng hầu hết đều chấp nhận rủi ro để ở lại.

Thêm vào đó, một số chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ thường thuê nhân công đến từ Việt Nam vì mức lương thấp hơn nhiều so với người bản địa, lại không phải đóng bảo hiểm và các chế độ khác nên đã tạo điều kiện cho lao động ở lại làm việc chui. Những người này được chủ doanh nghiệp bảo lãnh thuê chỗ trọ, thông báo nghỉ làm nếu có lịch truy quét của cơ quan chức năng…

Đáng chú ý, chế tài xử lý lao động cư trú bất hợp pháp chưa đủ sức răn đe. Lao động vi phạm chỉ bị thu hồi khoản tiền ký quỹ (100 triệu đồng) thay vì được hoàn trả nếu chấp hành về nước đúng hạn. Thậm chí, một số trường hợp còn có thể lợi dụng kẽ hở của luật pháp trong thủ tục chuyển tiền hàng tháng qua tài khoản ngân hàng khiến cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn khi xử lý khoản tiền ký quỹ này.

Do vậy Nhà nước cần nghiên cứu để điều chỉnh tăng mức tiền ký quỹ, thậm chí có thể bổ sung quy định xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm để tăng tính răn đe. Trong thời gian tới, Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Giang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) để cung cấp thông tin, danh sách lao động trong tỉnh hết hạn hợp đồng làm việc tại Hàn Quốc theo tháng, theo năm cho UBND các huyện, thành phố để thông báo, tổ chức vận động từ trước khi hết hạn hợp đồng.

ở cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho người lao động về nước đúng hạn; kết nối thông tin nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong tỉnh để ưu tiên tuyển những trường hợp chấp hành nghiêm hoặc người có thời gian cư trú bất hợp pháp ngắn nhưng đã về nước. Các địa phương chỉ đạo xã, thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ lao động về nước đúng hạn, từng bước nâng cao ý thức của người lao động./.

Bùi Lan

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tin-tuc-tinh-thanh/bac-giang-ngan-chan-lao-dong-cu-tru-bat-hop-phap-tai-han-quoc-557070.html