Bắc Giang lý giải lợn chết không kịp đưa đi tiêu hủy

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, ông Dương Văn Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang lý giải về việc một số địa phương của tỉnh khi xảy ra tình trạng lợn chết do dịch tả châu Phi nhưng cơ quan chức năng không kịp đưa đi tiêu hủy.

Ông Dương Văn Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.

Xin ông cho biết, diễn biến dịch tả lợn châu Phi hiện nay tại Bắc Giang?

Tỉnh đã triển khai công tác phòng, chống dịch từ rất sớm. Từ trung tuần tháng 2, khi dịch mới xuất hiện ở một vài tỉnh, Bắc Giang đã xây dựng phương án phòng, chống dịch, trong đó, nêu ra các kịch bản, khi chưa có dịch thì làm gì, khi tỉnh xảy ra dịch phải làm gì? Có thể nói là hết sức cụ thể và chủ động.

Tỉnh cũng thành lập ban chỉ đạo 3 cấp, tỉnh, huyện, xã, tổ công tác. Ở huyện, xã thành lập các chốt, trạm để kiểm tra việc lưu thông, kiểm tra các việc giết mổ.

Đặc biệt, Tỉnh ủy phân công các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy chịu trách nhiệm kiểm tra chỉ đạo ở các huyện mình phụ trách. Quan tâm làm tốt công tác tuyên truyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền bằng pano, áp phích, tờ rơi.

Bắc Giang triển khai viết cam kết ở các hộ, trang trại chăn nuôi, có thể nói tỉnh đã chủ động, triển khai đồng bộ cả hệ thống chính trị vào cuộc đúng theo tinh thần Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ.

Chính vì làm tốt, làm đồng bộ nên Bắc Giang xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi rất muộn, 22/3 mới có dịch. Trong khi từ cuối tháng 2 có 5 tỉnh giáp Bắc Giang đều có dịch.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 4, thời tiết nồm, ẩm, có mưa lớn, chính vì vậy, ban ngày bà con rắc vôi, phun hóa chất, tối bị mưa làm giảm hiệu quả phòng dịch.

Đặc biệt, tại các nơi có dịch, mưa làm vi rút gây bệnh trôi ra đồng, rồi chuột, muỗi là nguồn gây bệnh. Do vậy, cuối tháng 4 đầu tháng 5 Bắc Giang phát dịch rất nhanh.

Từ ngày 5 đến 10/5, dịch bùng phát 10/10 huyện thành phố; 200/230 xã, phường, thị trấn có dịch. Đến ngày 12/5, tỉnh có 74.00 con lợn bị chết, với hơn 4.400 tấn lợn hơi.

Tại sao lại có việc, lợn chết, người dân báo cả ngày nhưng không thấy cơ quan chức năng tới đưa đi tiêu hủy, thưa ông?

Từ ngày 5 - 10/5, lợn chết nhiều, có thời điểm 1 xã có tới 20 - 30 hộ có lợn chết, trong khi mỗi xã có 1 cán bộ thú y. Do vậy, người dân báo buổi sáng thì chiều tối cán bộ thú y mới đến tiến hành đưa lợn đi tiêu hủy theo quy định.

 Các cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy lợn bị bệnh.

Các cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy lợn bị bệnh.

Khi đến không thể đưa lợn đi tiêu hủy ngay được mà phải lập biên bản, ở thôn phải mời trưởng thôn, mời trưởng ban công tác mặt trận ký vào biên bản, rồi cân, vận chuyển… để sau này thiết lập hồ sơ hỗ trợ.

Một số hộ đợi mất nhiều thời gian nên nóng ruột quá đã tự mang lợn đi chôn. Nhưng đó chỉ xảy ra ở một số xã vào một thời điểm nhất định.

Thưa ông, về thông tin lợn vứt ra sông, ra mương là như thế nào?

Lợn vứt xuống mương từ Phú Bình (Thái Nguyên) chảy xuống huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Hiện, Hiệp Hòa làm đăng chắn giữa giáp ranh Hiệp Hòa và Phú Bình một ngày có 20 - 30 lợn chảy xuống mắc ở đó.

Tỉnh Bắc Giang đã giao Sở NN&PTNT mời Sở NN&PTNT Thái Nguyên, 2 xã, hai huyện giáp ranh họp bàn cùng nhau phối hợp giải quyết.

Như vậy, lợn trôi dưới mương được xác định là từ Phú Bình (Thái Nguyên) chảy sang Hiệp Hòa (Bắc Giang)?

Hoàn toàn là thế nhưng Phú Bình không nhận. Bắc Giang giao cho Sở NN&PTNT làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên để thống nhất.

Vậy hơn, 74.000 con lợn chết đa số của hộ gia đình hay trang trại thưa ông?

Hoàn toàn là hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ.

Khó khăn lớn nhất của Băc Giang trong việc ngăn chặn, phòng, dịch tả lợn châu Phi hiện nay là gì, thưa ông?

Đây là dịch mới, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam và ở Bắc Giang. Dịch lây lan rất nhanh, nguồn lây bệnh rất đa dạng, Bắc Giang rộng, chăn nuôi lại nhỏ lẻ. Do vậy, kinh nghiệm chưa nhiều.

Thứ 2, cán bộ thú y mỏng, đặc biệt thực hiện đề án sắp xếp, chuyển đổi, cán bộ thú y xã sẽ chuyển đổi nên tư tưởng và vai trò tham mưu có phần hạn chế.

Thứ 3, giá lợn trên thị trường khó tiêu thụ, lợn lớn không bán được càng nuôi càng lỗ, một số hộ dân cũng buông, không có trách nhiệm cao trong phòng chống dịch.

Bắc Giang thực hiện nhiều giải pháp để phòng, chống dịch tả

Hiện, Bắc Giang đang triển khai những giải pháp gì để ngăn, phòng, chống dịch thưa ông?

Đến thời điểm này Bắc Giang đang triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người chăn nuôi. Hai, quán triệt, triển khai đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ Trung ương chỉ đạo. Tỉnh yêu cầu các huyện xây dựng kế hoạch cao điểm triển khai, trên địa bàn huyện rắc vôi, phun hóa chất trong cùng một ngày.

Đặc biệt, thực hiện quyết liệt các giải pháp để bảo vệ các trang trại, hộ chăn nuôi lớn. Quyết tâm giữ bằng được các trang trại chăn nuôi lớn. Nhất là các trang trại nuôi lợn giống để sau khi hết dịch có nguồn giống tái đàn.

Ở các vùng có dịch khi người dân có thông báo lợn ốm, lợn chết phải đến xử lý ngay, tiệt đối không quá 12 giờ. Phải xử lý, được trôn, hủy theo quy định tránh để lâu như vừa rồi báo nêu.

Tuyên truyền cho người dân không vứt xác lợn ra môi trường. Ở địa phương nào có xác lợn vứt ra môi trường phải được thu gom, chôn, hủy theo quy định. Địa phương nào để xảy ra đia phương đó phải chịu trách nhiệm, trực tiếp UBND huyện chịu trách nhiệm.

Trước khó khăn nói trên, Bắc Giang có kiến nghị, đề xuất gì với các cơ quan chức năng, thưa ông?

Thứ nhất, tỉnh giao Sở Công thương nghiên cứu, trình Chính phủ nên có chủ trương hỗ trợ cho các doanh nghiệp giết mổ lợn an toàn không nằm trong vùng dịch để cấp đông, cất trữ, bở khi hết dịch nguồn thịt khan hiếm thì rất nguy hiểm.

Hai, hiện nay, chế dộ chính sách cho cán bộ làm công tác phòng, chống dịch thấp chỉ có 100.000 đồng/ngày, trong khi lại làm ở môi trường đọc hại, vất vả. Đề nghị Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ đảm bảo chế độ cho anh em làm việc.

Quy định mức hỗ trợ tiêu hủy lợn thịt bằng 80% giá thị trường là hơi cao. Hỗ trợ cao có tính 2 mặt. Hỗ trợ cho người chăn nuôi là tốt nhưng nếu giá lợn xuống mà không tiêu thụ được có hộ chăn nuôi buông xuôi không phòng chống dịch mà đưa đi tiêu hủy để nhận hỗ trợ.

Cũng có hiện tượng một số hộ, thậm chí có cả trang trại, đến lúc xuất chuồng giá thấp không bán được, trong khi càng nuôi càng lỗ, họ cũng muốn tiêu hủy để được hưởng 80%.

Do vậy hỗ trợ mức cao quá cũng không tốt. Xem mức hỗ trợ cho phù hợp.

Ở Bắc Giang đã có hiện tượng này chưa, thưa ông?

Có một hộ nuôi hơn 100 con, lợn có biểu hiện ốm nhưng chưa chắc phải là dịch tả châu Phi, cán bộ thú y đến lấy mẫu xét nghiệm, con nào ốm tách đàn ra nhưng họ đề nghị cho tiêu hủy hết.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Văn

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/bac-giang-ly-giai-lon-chet-khong-kip-dua-di-tieu-huy-post27775.html