Bắc Giang: Kín Khẳn - hiếu nghĩa của người Nùng

Không phải chợ phiên mà người ra vào bản Thác Lười, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có phần tấp nập khiến nhiều người ngạc nhiên. Ông Vi Văn Chắn nhà ở đầu ngõ nói: Đúng rồi, hôm nay là ngày ông Hứa Văn Tiến được tăng tuổi (người Nùng bản Thác Lười thường gọi vậy).

Con rể rước lễ mừng sinh nhật bố vợ. Ảnh minh họa

Ông Tiến nay đã đông đủ con cháu, kinh tế khá giả đủ điều kiện để anh Hứa Văn Quân con trai ông tổ chức lễ Kín Khẳn mừng sinh nhật ông. Thảo nào mấy hôm nay thấy anh Quân bận rộn mời anh em họ hàng và chuẩn bị những thứ cho ngày bố được thêm tuổi. Đây là sự kiện của gia đình bởi lần đầu con cháu tổ chức Kín Khẳn mừng ông Tiến, để ông không chỉ được thêm tuổi mà tăng “khang, ninh, lộc, thọ”.

Trong tâm thức của người Nùng, khi đã ở ngưỡng tuổi 60 đã là thọ hết một vòng đời, muốn bước tiếp vòng đời thứ hai thì phải làm lễ Kín Khẳn. Người Nùng không làm sinh nhật cho trẻ em, cha mẹ cũng không tổ chức sinh nhật cho con mà chỉ các con mới có bổn phận làm lễ sinh nhật - mừng thọ báo hiếu cho ông bà, cha mẹ.

Con cháu chuẩn bị vật phẩm mừng lễ Kín Khẳn. Ảnh minh họa

Điều này xuất phát từ phong tục người Nùng không làm giỗ cho người đã khuất mà chỉ làm lễ sinh nhật khi ông bà, cha mẹ đang sống để thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa. Bởi khi cha mẹ đã “nhắm mắt xuôi tay” thì dù sơn hào hải vị, mâm cao cỗ đầy con cháu dâng tiến cũng không thể ngồi dậy mà thụ hưởng. Vậy lễ sinh nhật của người Nùng được ví như “giỗ sống”.

Song đó cũng không thể tùy hứng được, mà chủ lễ chí ít phải tuổi 60 trở lên. Theo quan niệm của đồng bào, nếu vì lý do nào đó mà “cố tình” mở lễ trước tuổi 60 thì phải mời thầy tào xem xét thấu đáo, bằng không sẽ “phạm tâm linh” ảnh hưởng tiêu cực tới bản mệnh cũng như gia chủ. Tổ chức “giỗ sống” cũng cần phải được sự đồng ý của chủ nhân và đầu trò đứng ra tổ chức mới tiến hành theo thủ tục.

Lễ phải diễn ra 3 lần liền trong 3 năm đầu. Riêng năm đầu tiên chủ lễ phải mời anh em họ hàng đến chia vui, những lần tiếp theo không mời nữa, khách ai nhớ thì tùy tâm, về sau tùy điều kiện mà chủ lễ mở rộng hay hẹp, nếu không vài năm một lần đúng vào ngày sinh tháng đẻ.

Những anh con trai dù ở riêng vẫn lần lượt đầu trò thể hiện song phải đăng ký trước. Con gái đi lấy chồng cùng chàng rể mang đến một con lợn quay tối thiểu 50 kg móc hàm cùng cặp bánh màu đỏ. Nếu là cháu gái sẽ mang đến một gà trống mào cao luộc sẵn, một cặp bánh cũng màu đỏ dâng trước bàn thờ Bà Mụ.

Nghi lễ sẽ không thể thiếu vai trò thầy cúng, bởi thầy cúng là sợi dây kết nối giữa người trần mắt thịt với thế giới tâm linh huyền bí. Lời thầy cúng khi hòa quyện tiếng hát then, chen tiếng đàn tính đưa lời cầu khẩn của con cháu thấu đến tổ tiên cho người được mừng sinh nhật mạnh khỏe sống lâu, con cháu được thuận hòa, may mắn.

Vào nghi lễ, chủ lễ Hứa Văn Tiến tươm tất ở vị trí trang trọng chờ thầy khởi lễ. Thầy tào thay mặt gia chủ kính cáo thần linh Táo quân, Sơn thần long mạch, Thổ thần Thổ địa, Thái Thượng Lão quân và Bà Mụ về dự lễ, phù hộ chủ nhân đẩy lùi bệnh tật, thịnh vượng an khang, làm chỗ dựa tinh thần cho con cháu. Nghi lễ diễn ra từ tối hôm trước tới chiều hôm sau. Ai cũng tặng quà cùng chén rượu chúc phúc, ai cũng tay bắt mặt mừng nói cười khiến ông Tiến phấn khởi vô cùng.

Lễ Kín Khẳn của người Nùng bản Thác Lười, xã Tân Sơn có từ bao giờ không biết, song đó là bản sắc trường tồn của đồng bào.

Ngô Minh Bắc

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bac-giang-kin-khan--hieu-nghia-cua-nguoi-nung-82550