Bắc Giang khởi động nhiều giải pháp phát triển ngành du lịch

Tỉnh Bắc Giang tập trung xây dựng 4 sản phẩm du lịch chính gồm du lịch văn hóa-tâm linh; du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng; du lịch thể thao golf; du lịch cộng đồng

Du khách thập phương dự hội Xuân Tây Yên Tử. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Du khách thập phương dự hội Xuân Tây Yên Tử. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang có nhiều nỗ lực, giải pháp thúc đẩy phát triển ngành du lịch của địa phương.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phát triển bền vững, đảm bảo an ninh trật tự.

Tỉnh xây dựng thương hiệu du lịch Bắc Giang là điểm đến hấp dẫn của khu vực Đông Bắc bộ, trung du và miền núi phía Bắc; xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Bắc Giang gắn với thế mạnh của vùng trung du, miền núi có địa hình đa dạng, phong phú, có vùng cây ăn quả rộng lớn và nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.

Tỉnh Bắc Giang định hướng đến năm 2025 hình thành, khai thác 5 không gian du lịch chủ yếu: Hà Nội-Thành phố Bắc Giang-Lục Ngạn-Sơn Động-Bãi Cháy và ngược lại; Không gian du lịch Tây Yên Tử, gắn với “Con đường hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử” (tại các huyện Sơn Động, Lục Nam, Yên Dũng); Không gian du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả và chè bản Ven (các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế); Không gian du lịch, vui chơi giải trí, kinh tế ban đêm (thành phố Bắc Giang); Không gian du lịch golf.

Tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử; khảo sát, đầu tư xây dựng, từng bước hình hành con đường bộ hành và một số di tích theo dấu chân Phật Hoàng trên dãy Yên Tử.

Tỉnh đưa vào quy hoạch khu du lịch cấp quốc gia, khu du lịch cấp tỉnh, 20 điểm du lịch cộng đồng, gắn với vùng cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp nông thôn. Qua đó, thu hút được khoảng 3 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 6.000 lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch.

Căn cứ trên cơ sở quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bắc Giang lập quy hoạch các không gian du lịch của tỉnh. Từ đó, tập trung hoàn thiện quy hoạch và triển khai xây dựng các khu, điểm du lịch có tiềm năng lớn như Khu du lịch rừng Sơn Động gắn với biển Hạ Long; khu du lịch Tây Yên Tử, gắn với “Con đường hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử” và các điểm chùa; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí hồ Khuôn Thần; du lịch thể thao, vui chơi, giải trí golf; đưa vào quy hoạch Khu du lịch tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử là khu du lịch cấp quốc gia.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tập trung xây dựng 4 sản phẩm du lịch chính gồm: du lịch văn hóa-tâm linh; du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng; du lịch thể thao golf; du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp nông thôn và phát triển đồng bộ các loại hình dịch vụ chất lượng cao.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Tỉnh mời gọi, lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng để đầu tư các dự án lớn, xây dựng các nhà hàng, khách sạn cao cấp, các công trình văn hóa, thể thao gắn với phát triển du lịch; phát triển tốt lễ hội trái cây, các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; hình thành các khu phố đi bộ, phát triển kinh tế đêm, xây dựng các vườn hoa đặc sắc theo chủ đề và theo mùa quanh năm.

Tỉnh Bắc Giang cũng tăng cường xúc tiến quảng bá-liên kết phát triển du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của địa phương.

Trong giai đoạn 2016-2020, du lịch đã trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Bắc Giang.

Tổng số lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt khoảng 7,7 triệu lượt khách (khách quốc tế đạt khoảng 83.000 lượt; khách du lịch nội địa đạt khoảng 7,6 triệu lượt). Doanh thu du lịch của tỉnh ước đạt trên 4.000 tỷ đồng.

Từ năm 2016 đến nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 6 dự án phát triển du lịch trên địa bàn với tổng mức đầu tư trên 2.545 tỷ đồng gồm dự án Khu du lịch tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử (1.486 tỷ đồng); dự án xây dựng Khách sạn Bắc Hà tại xã Song Khê, thành phố Bắc Giang (gần 40 tỷ đồng); dự án đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ Bắc Hà Yên Tử tại xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động (gần 36 tỷ đồng); dự án Khu nghỉ dưỡng Sun Resort thôn Hàm Long, xã Yên Lư, huyện Yên Dũng (40 tỷ đồng); dự án Khu sinh thái Khe Hang Dầu, xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng (trên 497 tỷ đồng); dự án Khu tổ hợp khách sạn thông minh và Trung tâm thương mại dịch vụ đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Bắc Giang (450 tỷ đồng). Vốn đầu tư thực hiện của các dự án du lịch tại tỉnh Bắc Giang đến nay đạt khoảng 1.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các dự án, loại hình dịch vụ du lịch chất lượng, các khu vui chơi giải trí, các trung tâm mua sắm phục vụ du lịch tại tỉnh Bắc Giang còn hạn chế. Bắc Giang chưa xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch mang tính biểu trưng, độc đáo, hấp dẫn của tỉnh.

Tỉnh chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm năng cho phát triển du lịch. Một số khu, điểm du lịch, công tác vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. Hoạt động kinh doanh du lịch còn mang tính mùa vụ, chủ yếu phát triển loại hình du lịch văn hóa-tâm linh vào mùa lễ hội, số ngày lưu trú ngắn.

Trong 3 sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, việc xây dựng, hình thành và đi vào đón khách loại hình sản phẩm “sinh thái-nghỉ dưỡng” còn chưa hiệu quả, nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư loại hình này./.

Việt Hùng (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/bac-giang-khoi-dong-nhieu-giai-phap-phat-trien-nganh-du-lich/709065.vnp