Bắc Giang: Hơn 90% người tiêu dùng chọn hàng trong nước

Thị trường trong nước ngày càng khẳng định vai trò không thể thay thế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' (CVĐ) tỉnh Bắc Giang đã và đang triển khai mạnh các giải pháp tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt trong giai đoạn hậu Covid-19, nhằm chiếm lĩnh tốt hơn thị trường nội địa.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp; thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh; các cơ quan, ban, ngành tỉnh; các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa CVĐ trong tình hình mới. Đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế nội địa, giúp người dân nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của thị trường trong nước trước bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp (DN) cũng được khuyến khích chú trọng cải tiến kỹ thuật, tích cực ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã, giá cả hợp lý và coi trọng quảng bá sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối để chiếm lĩnh thị trường nội địa giai đoạn hậu dịch Covid-19.

Tại Bắc Ggiang, tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng hàng Việt ngày càng tăng

Tại Bắc Ggiang, tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng hàng Việt ngày càng tăng

Thực tế, thời gian qua, các DN trong tỉnh đã nỗ lực rất lớn trong việc sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, giá thành phù hợp, đồng thời, quan tâm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD). Đặc biệt, DN đã chủ động xây dựng thương hiệu, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm sản xuất ra các mặt hàng, sản phẩm có thế mạnh ở địa phương. Đến nay, các DN đã đồng hành với địa phương xây dựng thành công 52 sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh Bắc Giang như: Vải thiều, cây ăn quả có múi huyện Lục Ngạn; gà đồi, chè Bản Ven huyện Yên Thế; nếp cái hoa vàng Thái Sơn, bưởi Lương Phong, rau cần Hoàng Lương của huyện Hiệp Hòa; na dai, dứa, hạt dẻ của huyện Lục Nam; gạo thơm, gốm Làng Ngòi, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của huyện Yên Dũng…

Ngoài xuất khẩu, các DN cũng quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi ở thị trường các tỉnh, thành phố trên cả nước thông qua chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức "Ngày hội mỗi làng một sản phẩm", "Ngày hội trái cây" của các địa phương trong tỉnh. Nhờ đó, sản phẩm của địa phương ngày càng chinh phục tốt NTD nội địa.

Đơn cử, theo Sở Công Thương Bắc Giang, đến giữa tháng 7/2020, toàn tỉnh đã tiêu thụ được 164.700 tấn vải thiều, tăng khoảng 15.000 tấn so với vụ 2019. Thị trường tiêu thụ có sự dịch chuyển theo hướng tích cực, đó là tăng thị phần trong nước. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ nội địa chiếm 52,5%; thị trường xuất khẩu là 47,5%.

Nhờ hiệu ứng từ CVĐ, sau hơn 10 năm triển khai trên địa bàn tỉnh, CVĐ đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, DN cũng như NTD về hàng Việt, tỷ lệ NTD trong tỉnh quan tâm đến hàng Việt ngày càng tăng.

Nếu như năm 2010, chỉ có 28% NTD Bắc Giang quan tâm, mua sắm hàng Việt thì đến nay, tỷ lệ này đã nâng lên hơn 90%. Trong đó, mặt hàng lương thực, thực phẩm có khoảng 95% NTD lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc nội địa; hàng tiêu dùng trong nước sản xuất được 70% NTD lựa chọn; hàng may mặc thương hiệu Việt có 65% NTD lựa chọn. Riêng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thực phẩm chế biến đã có mặt ở tất cả các kênh phân phối trên thị trường Bắc Giang.

Giai đoạn tới, thị trường trong nước tiếp tục được định hướng là kênh tiêu thụ chính, sản phẩm của Bắc Giang được kỳ vọng sẽ tiếp tục chinh phục tốt hơn thị trường này.

Hàng Việt chiếm tỷ lệ cao trong hệ thống các kênh phân phối của tỉnh Bắc Giang. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước chiếm trên 70%; tại các chợ truyền thống, cửa hàng bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ lệ 60%.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bac-giang-hon-90-nguoi-tieu-dung-chon-hang-trong-nuoc-140832.html