Bắc Giang: Hội Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh huyện Việt Yên, tham quan Công trình Thủy Điện Hòa Bình

Từ ngày 18-22/6/2019, Hội Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh huyện Việt Yên, Bắc Giang, đã tổ chức cho gàn hai chục hội viên đi tham quan Công trình Thủy Điện Hòa Bình, Bảo tàng Bộ đội Trường Sơn và Giao lưu văn hóa với nhân dân Bản Lác, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Hòa Bình.

Công trình Thủy điện Hòa Bình là một trong những công trình thủy điện lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Qua 30 năm, công trình Thủy điện Hòa Bình đã thực sự phát huy vai trò là nguồn điện chiến lược đa mục tiêu, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nguồn điện chủ lực của hệ thống điện Việt Nam.

Công trình Thủy điện Hòa Bình do Đảng và Nhà nước Liên Xô trước đây giúp đỡ xây dựng. Thủy điện Hòa Bình là bậc thang dưới cùng thuộc hệ thống các bậc thang thủy điện trên Sông Đà. Công trình bao gồm 8 tổ máy, tổng công xuất lắp đặt là 1.920MW.

Công trình được thiết kế đa mục tiêu, trong đó vừa trị thủy sông Đà, chống lũ giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo cho vùng Đồng bằng Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội; vừa sản xuất điện năng cung cấp cho phát triển kinh tế xã hội đất nước và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Với vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng, Thủy điện Hòa Bình từng được mệnh danh là “Công trình thế kỷ” của đất nước.

Theo Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê, từ năm 1940, người Pháp đã tiến hành khoan thăm dò tuyến Hòa Bình và phát hiện bên dưới lòng sông có chứa lớp cát, cuội sỏi, mà trình độ công nghệ lúc đó chưa đủ khả năng xử lý. Sau đó, các chuyên gia Pháp tiếp tục khoan tại các tuyến Chợ Bờ, suối Rút, nhưng đều gặp lớp cát, cuội sỏi đó. Cuối cùng người Pháp kết luận: “Sông Đà bất trị”.

Tháng 9.1971, khi tiến hành mũi khoan số 1, các chuyên gia địa chất Việt Nam, Liên Xô cũng gặp lớp cát, cuội sỏi này. Để lý giải một cách khoa học, các chuyên gia đã phải khoan kiểm tra toàn bộ các tuyến và so sánh khối lượng xây dựng ở các tuyến. Để chọn tuyến lúc bấy giờ, việc khảo sát hết sức căng thẳng.

Có 6 tuyến được đề xuất: Suối Rút là tuyến đầu, xuất phát từ chân cao nguyên Mộc Châu; tuyến thứ 2 là suối Hoa, xuất phát từ Thanh Hóa, đổ về sông Đà; tuyến thứ ba là Chợ Bờ hay còn gọi là Đà Bắc; tuyến thứ tư là Hiền Lương; tuyến thứ năm là Hòa Bình trên và tuyến cuối cùng là Hòa Bình dưới.

Kết quả khoan khảo sát thăm dò cả 6 tuyến đều có lớp cát, cuội sỏi bên dưới. Nhưng chỉ có hai tuyến được lập dự án thiết kế chi tiết là Hòa Bình trên và Hòa Bình dưới. Các chuyên gia đến từ Viện Thiết kế Thủy công Ba Cu - nước Cộng hòa Azerbaijan chọn tuyến Hòa Bình trên.

Các chuyên gia của Viện Thiết kế Thủy công Mátxcơva chọn phương án Hòa Bình dưới. Một cuộc tranh luận nảy lửa, kéo dài nhiều năm đã diễn ra trước khi tuyến Hòa Bình dưới được chính thức lựa chọn.

Ngày 6.11.1979, dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình chính thức được khởi công. Sau hơn 15 năm thi công, với những nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ, kỹ sư, tư vấn thiết kế và chuyên gia Liên Xô, đến ngày 20.12.1994, Nhà máy được khánh thành. Ngày 24.5.2016, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã đạt mốc sản lượng 200 tỉ kWh điện cung cấp cho hệ thống điện quốc gia.

Đây là mốc sản lượng mà đến nay chưa có nhà máy thủy điện nào ở Việt Nam đạt được. Có nhiều năm sản lượng vượt thiết kế như các năm: 2007, 2008, 2012, 2017 luôn đạt 9 - 10 tỉ kWh. Đến hết tháng 4.2018 đạt trên 220 tỉ kWh.

Với dung tích hồ chức gần 10 tỉ mét khối nước, dung tích chống lũ (khi chưa có Thủy điện Sơn La) là 5,6 tỉ mét khối, Thủy điện Hòa bình đã tham gia tích cực và có hiệu quả trong việc chống lũ, đảm bảo an toàn cho Đồng bằng Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội. Từ khi công trình đưa vào khai thác đến nay, vùng Đồng bằng Bắc Bộ không còn xảy ra ngập lụt hoặc bị đe dọa ngập lụt.

Hạ tầng cơ sở, các trung tâm kinh tế chính trị văn hóa giáo dục… được đảm bảo an toàn; sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân vùng ven hạ lưu sông Đà, sông Hồng được cải thiện theo hướng ổn định hơn.

Thủy điện Hòa Bình giữ vai trò chính cùng các hồ thủy điện Tuyên Quang, Thác Bà xả nước tăng cường cấp đủ nước phục vụ đổ ải và gieo cấy vụ đông xuân vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Lượng xả từ hồ Hòa Bình chiếm 75-80% tổng lượng xả từ các hồ. Với sự điều tiết này, dòng chảy về mùa khô được cải thiện, cơ sở phía hạ lưu dễ dàng hơn trong việc lấy nước để sử dụng cho nhu cầu sản xuất. Sau khi công trình thủy điện Hòa Bình đưa vào vận hành, giao thông đường Thủy tuyến sông Đà đã được cải thiện rõ rệt, thuyền bè đi lại dễ dàng hơn.

Ngoài ra, Thủy điện Hòa Bình đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương. Công trình Thủy điện Hòa Bình làm thay đổi cơ bản và toàn diện bộ mặt của tỉnh Hòa Bình nói chung, TP.Hòa Bình nói riêng. Hằng năm, nhà máy đóng góp nguồn kinh phí (các loại thuế) rất lớn vào ngân sách tỉnh Hòa bình, chiếm khoảng 40-50% tổng thu ngân sách của tỉnh Hòa Bình.

Đáng chú ý, nhờ công trình thủy điện cắt được trận lũ lịch sử ngày 18.8.1996 với lưu lượng đỉnh 22.650m3/s mà đê Đà Giang không bị vỡ, tránh thảm họa ngập lụt và những thiệt hại lớn do lũ gây ra.

Vũ Hoàng Thương |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bac-giang-hoi-truong-son-duong-ho-chi-minh-huyen-viet-yen-tham-quan-cong-trinh-thuy-dien-hoa-binh-70156