Bắc Giang: Có trường HS lớp 5 chỉ được học tiếng Anh 2 tiết/tuần

Không đủ máy tính, tốc độ đường truyền kém, trường TH tuyên truyền học sinh mang điện thoại, máy tính đến trường phục vụ đánh giá năng lực tiếng Anh ngày 21/4

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của học sinh đang học lớp 5 năm học 2022-2023 được học đủ 4 tiết tiếng Anh/tuần trong cả 3 năm học lớp 3, lớp 4 và lớp 5 sẽ khảo sát vào ngày 21/4/2023.

Để chuẩn bị cho kỳ đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh, các trường tiểu học thuộc đối tượng quy định ráo riết cho học sinh lớp 5 khảo sát tập dượt. Nhờ đó, một số trường kịp thời phát hiện và xử lý sự cố về đường truyền internet, trang thiết bị máy tính.

Học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Nguyễn Khắc Nhu tham gia làm bài đánh giá năng lực tiếng Anh thử lần 1. (Ảnh: Trường Tiểu học Nguyễn Khắc Nhu).

Học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Nguyễn Khắc Nhu tham gia làm bài đánh giá năng lực tiếng Anh thử lần 1. (Ảnh: Trường Tiểu học Nguyễn Khắc Nhu).

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên (tỉnh Bắc Giang) cho biết, thực hiện theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, trường phổ biến học sinh, phụ huynh chuẩn bị máy tính, điện thoại thông minh mang đến trường để phục vụ đánh giá năng lực.

“Trường có 432 học sinh lớp 5 tham gia đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh trực tuyến nên cần có máy tính, điện thoại để truy cập”, cô Huệ chia sẻ.

Trường chia 2 ca thi. Phòng máy tính chỉ đáp ứng cho 40 học sinh sử dụng. Do đó, để đảm bảo đường truyền internet, trường bố trí cả văn phòng của giáo viên để học sinh ngồi làm.

“Trước đó, nhà trường đã tổ chức cho học sinh làm bài thử 2 lần. Mục đích để kiểm tra đường truyền mạng, thiết bị truy cập của học sinh mang đến trường có sử dụng được không. Học sinh nào không có thiết bị thì giáo viên sẽ hỗ trợ.

"Năm học 2022-2023, trường có 1.776 học sinh. Triển khai dạy và học tiếng Anh, học sinh lớp 3, 4 và 5 học đủ 4 tiết/tuần; học sinh lớp 1 và 2 học 2 tiết/tuần. Toàn trường có 5 giáo viên tiếng Anh trình độ đại học", cô Nguyễn Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên thông tin.

Học sinh do được học Tin học từ lớp 3 đến lớp 5 nên các thao tác sử dụng máy tính cơ bản thành thạo, đáp ứng được yêu cầu làm bài”, cô Huệ nói.

Cũng theo cô Huệ, kết quả đánh giá sử dụng tiếng Anh của học sinh lớp 5 phản ánh khung năng lực nên chỉ nhận xét đạt/không đạt. Cuối năm học, trường kiểm tra định kỳ nên không sử dụng điểm đánh giá năng lực làm điểm trên lớp của học sinh.

Nhà trường đưa môn tiếng Anh vào dạy học từ lớp 1 đến lớp 5. Với học sinh lớp 5, kế hoạch đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của Sở sẽ là cơ hội để học sinh biết năng lực của mình đến đâu, giáo viên hướng tới đạt chuẩn trình độ chuyên môn. Từ đó, giúp cải thiện, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Không nằm trong đối tượng trường có học sinh lớp 5 tham gia đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh, thầy Nguyễn Văn Tiến – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Sơn (tỉnh Bắc Giang) lý giải, do 3 năm gần đây trường không tổ chức dạy học tiếng Anh đủ 4 tiết/tuần đối với học sinh lớp 5 nên các em không thuộc đối tượng khảo sát, đánh giá năng lực.

“Năm học này, toàn trường có hơn 800 học sinh, trong đó có 185 học sinh lớp 5. Các em được học 2 tiết tiếng Anh/tuần. Trường vẫn còn thiếu trang thiết bị dạy học, phòng máy chỉ có 20 máy tính, 20 phòng học, cơ sở vật chất chưa đạt chuẩn và thiếu 4 giáo viên. Trong đó, với môn tiếng Anh, trường có 2 giáo viên, còn thiếu 1 giáo viên”, thầy Tiến chia sẻ.

Cùng bàn về vấn đề này, chia sẻ với phóng viên, cô Đinh Thị Thu Hằng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Khắc Nhu (tỉnh Bắc Giang) cho biết, trường chỉ đạo giáo viên tiếng Anh tổ chức ôn tập và hướng dẫn phụ huynh học sinh cài đặt một ứng dụng rồi đăng nhập tài khoản do Phòng Giáo dục và Đào tạo cung cấp.

Trường tổ chức khảo sát thử tiếng Anh cho học sinh lớp 5. Do đã được hướng dẫn nên các em không bị bỡ ngỡ trong quá trình đăng nhập hay làm bài khảo sát. Tuy nhiên, số lượng học sinh khá đông, chất lượng đường truyền Internet có phần quá tải nên ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng bài làm của học sinh, đặc biệt là phần nghe (Kĩ năng Listening).

Tương tự như Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên, Trường Tiểu học Nguyễn Khắc Nhu cũng vận động học sinh mang máy tính, điện thoại đến trường làm bài.

"Nhà trường chỉ có 1 phòng máy (40 máy tính) nên không đủ máy cho các em sử dụng. Do đó, trường vận động học sinh mang máy tính, điện thoại di động để làm bài. Qua 2 lần khảo sát đều rất thành công. Trường có 111 học sinh lớp 5, chia thành 2, mỗi ca 2 lượt làm bài, mỗi lượt 30 học sinh.

Những học sinh làm bài khảo sát năng lực bằng điện thoại thao tác dễ, nộp bài nhanh. Còn những học sinh làm bài bằng máy tính được trang bị ở trường, do tốc độ đường truyền không cao nên việc nộp bài bị chậm.

Đôi khi việc nộp bài của học sinh bị lỗi. Ví dụ, các bạn thấy mình nộp được rồi và tắt máy đi, nhưng hệ thống chưa nhận được nên vẫn chưa phải nộp được bài. Thực tế, trong khảo sát thử lần 1, có 2 học sinh sử dụng máy tính gặp lỗi như vậy.

Trường nhắc nhở học sinh tự bảo quản, cách sử dụng điện thoại, máy tính khi mang đến trường. Quản lý sử dụng internet, tránh chơi điện tử làm hết pin, hết gói mạng di động trước đó đã đăng ký”, cô Hằng chia sẻ.

Cũng theo cô Hằng, việc làm bài online hỗ trợ thêm cho học sinh năng lực sử dụng công nghệ thông tin. Sắp tới, nhà trường sẽ tổ chức khảo sát Toán, Tiếng Việt trên máy tính để học sinh toàn trường tiếp cận công nghệ thông tin, hỗ trợ chuyển đổi số trường học.

Sau 2 lần khảo sát thử, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Khắc Nhu cho biết:

Một là, về phía học sinh, các em được rèn, tập dượt kỹ năng làm bài, nộp bài, kỹ năng nghe, nói tiếng Anh.

Hai là, về phía nhà trường, trước đó, trường chỉ đăng ký gói mạng internet có khả năng upload lên, chủ yếu dùng để download tài liệu xuống. Nhờ khảo sát thử, trường phát hiện tốc độ đường truyền ở phòng máy tính không tốt nên kịp thời phối hợp với đơn vị kiểm tra, thay mới một số thiết bị hiện đại hơn để tăng tốc độ đường truyền.

“Qua khảo sát, trường nắm được vấn đề phát sinh nên không chỉ điều chỉnh về chuyên môn giảng dạy mà còn phải chỉn chu cơ sở vật chất, thiết bị hạ tầng”, cô Hằng cho biết.

Đánh giá chất lượng học sinh lớp 5 học tiếng Anh, theo cô Hằng, chỉ có 17 học sinh chậm hơn. Nguyên nhân là do kỹ năng sử dụng máy tính chưa tốt. Có em ở với ông bà, sử dụng điện thoại cấu hình thấp, không có điều kiện tiếp cận công nghệ, 1 tuần chỉ học 1 tiết Tin học ở trường nên gặp khó khi thao tác làm bài.

"Để khắc phục, trường lập danh sách học sinh, bố trí giáo viên Tin học dạy tăng cường kỹ năng sử dụng máy tính cho học sinh vào chiều thứ 6 hàng tuần trước khi kỳ đánh giá năng lực chính thức diễn ra vào ngày 21/4.

Hiện trường có tổng 3 giáo viên tiếng Anh. Trong đó, 2 giáo viên biên chế, 1 giáo viên hợp đồng. Giáo viên hợp đồng được nhà trường tuyển dụng để dạy tăng cường cho học sinh lớp 1 và 2. Học sinh của trường từ lớp 1 đến lớp 5 đều được học tiếng Anh", cô Hằng thông tin.

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/bac-giang-co-truong-hs-lop-5-chi-duoc-hoc-tieng-anh-2-tiettuan-post234491.gd