Bắc Giang: Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn 'dùng luật riêng' để tiếp phóng viên

Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Phạm Văn Thắng – Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn, huyện Sơn Động không cho PV cầm điện thoại và dùng bút khi trao đổi. Nếu không làm theo yêu cầu thì sẽ không trả lời.

Trước những dấu hiệu vi phạm của Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn bị tố “rút ruột” ngân sách Nhà nước bằng các hợp đồng mua bán khống. Để có thông tin khách quan, đa chiều, PV đã liên hệ làm việc với ông Phạm Văn Thắng để làm rõ.

Tại buổi làm việc, PV đề nghị ông Thắng mời kế toán trưởng và cán bộ văn phòng cùng tham gia buổi trao đổi để hai bên cùng làm rõ những bất thường trong các hợp đồng, chứng từ rút tiền nhưng ông Thắng không đồng ý với đề xuất như vậy.

Ngay khi bắt đầu buổi làm việc, ông Thắng đã không cho PV ghi âm lại nội dung buổi làm việc và bắt phải cất điện thoại. Không những vậy, sổ bút để ghi chép cũng không cho phóng viên sử dụng. Nếu không thì vị này sẽ không làm việc và không trả lời bất cứ điều gì.

Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn lo sợ điều gì mà không cho PV được ghi âm lại nội dung buổi làm việc, không cho cầm bút trên tay

Sau một hồi giải thích việc ghi âm là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật nhưng vị chủ tịch này vẫn cương quyết không nghe. Để có được thông tin, PV đành phải cất điện thoại, cất bút để được vị này tiếp.

Liên quan tới những trang thiết bị phòng chống lụt bão mua cấp phát cho các trưởng thôn năm 2017 bị làm giả chữ ký để nhận đồ và thực tế họ không được nhận thì ông Thắng cho biết là không phát cho ai và hiện nay đang để ở nhà kho của ủy ban, khi nào cần dùng thì mới phát(.?)

Khi PV đặt các câu hỏi về những sản phẩm, hàng hóa đã mua, lắp đặt như bồn nước Tân Á, bệt vệ sinh Viglacera… tại các hợp đồng đã ký năm 2017 hiện nay đang ở đâu, sử dụng như nào thì ông Thắng nói không nhớ, không biết. Sau khi trao đổi được 30 phút thì vị này kêu bận và không làm việc nữa.

Mục đích khi làm giả các chữ ký của trưởng thôn đã nhận đồ phòng chống lụt bão là để làm gì?

Trước đó, chúng tôi đã phản ánh về việc ông Phạm Văn Thắng – Chủ tịch UBND Thị trấn Thanh Sơn cùng với cấp dưới “vẽ” ra hàng loạt hợp đồng ‘ma’ rút gần 300 triệu đồng ngân sách Nhà nước khiến người dân vô cùng bức xúc bởi sự liều lĩnh của những cán bộ nơi đây.

Để "khép kín" hồ sơ, chứng từ rút tiền và có hóa đơn VAT, UBND Thị trấn Thanh Sơn phải trích lại 5% tổng giá trị hợp đồng cho bên bán thì sẽ được ký xác nhận để có một bộ hồ sơ "trên giấy" hoàn chỉnh rút tiền.

Chủ cửa hàng này cho biết nếu muốn lấy hóa đơn và làm hợp đồng khống thì phải trích lại 5 % tổng giá trị hợp đồng

Về việc này, ông Nghiêm Xuân Hưởng - Bí thư huyện ủy Sơn Động cho biết trên cơ sở báo cáo của UBKT Huyện ủy thì hiện nay đã giao cho Công an huyện vào cuộc điều tra, làm rõ sau khi báo phản ánh. Quan điểm là xử lý nghiêm, sai tới đâu xử lý tới đó, không bao che.

Trao đổi với PV, ông Đinh Quang Hiệp – Trưởng công an huyện Sơn Động cho biết, đội cảnh sát kinh tế đang điều tra làm rõ những vi phạm của ông Phạm Văn Thắng cùng cán bộ liên quan.

Theo Luật sư Lê Ngọc Hoàng, Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm cho rằng, Công an huyện Sơn Động cần phải nhanh chóng khởi tố vụ án để làm rõ kẻ chủ mưu và những cá nhân liên quan về hành vi “Tham ô tài sản” được quy định tại Điều 353, Bộ luật hình sự 2015 bởi các lý do sau:

Ông Nghiêm Xuân Hưởng - Bí thư Huyện ủy Sơn Động cho biết đã giao công an điều tra làm rõ những sai phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật

Thứ nhất: Một loạt các dấu hiệu hành vi là “vô cùng đáng ngờ” của ông Phạm Văn Thắng - Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn trong các hoạt động chi tiêu cho hành chính công, xây dựng cơ bản… diễn ra mới chỉ trong vòng 02 năm mà đã làm thất thoát gần nửa tỷ đồng của Ngân sách Nhà nước khiến cho dư luận hết sức bất bình với hình ảnh một “ông Vua thị trấn của huyện nghèo thuộc tỉnh Bắc Giang”. Tôi thử hỏi “nếu ông ta làm trong cả nhiệm kỳ Chủ tịch thì con số sẽ là bao nhiêu?!”.

Thứ hai: Dấu hiệu của những hành vi gian dối có thể thấy mà ông Thắng đã sử dụng nó một cách hết sức “ngang nhiên, độc tài và coi các cán bộ, nhân viên khác của Ủy ban như những kẻ không biết gì” như: Chỉ định thầu cho con trai Phạm Văn Cương - Cán bộ tư pháp sơn lại trụ sở ủy ban và nhà văn hóa trong khi không hề có hồ sơ dự toán, giám sát, nghiệm thu; Mua hóa chất diệt côn trùng mà không có tên, chủng loại… cũng không biết rõ mục đích mua để làm gì?; Làm giả chữ ký của 6 Trưởng thôn trong việc nhận trang thiết bị phòng chống lụt bão.

Thứ ba: Tôi không hiểu chính sách quy hoạch, phân công cán bộ của UBND huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang như thế nào mà để ông Phạm Văn Thắng với lịch sử công tác năng lực rất yếu kém và đã từng “Bị kỷ luật năm 2016 liên quan đến việc 26.056m2 rừng tự nhiên bị phá” mà vẫn để giữ chức Chủ tịch UBND Thị Trấn Thanh Sơn nhiệm kỳ này?

Luật sư Lê Ngọc Hoàng nhấn mạnh, sự việc gây ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân với chính quyền huyện Sơn Động nên phải xử lý nghiêm minh nhằm răn đe đối với những công chức cấp cơ sở khi “lò đã nóng”.

(Còn nữa)

Doãn Hưng - Vi Hải

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bac-giang-chu-tich-thi-tran-thanh-son-dung-luat-rieng-de-tiep-phong-vien-d2061042.html