Bắc Giang chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết

Thời điểm này, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã ghi nhận hàng chục nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết, thậm chí có ca bệnh tử vong. Tại Bắc Giang dù chưa ghi nhận ổ dịch song đã xuất hiện một số trường hợp mắc bệnh, chủ yếu từ ngoài tỉnh xâm nhập vào địa bàn.

Xuất hiện các ca bệnh đơn lẻ

Sáng 29/6, tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) có 3 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị. Trong đó có 2 trường hợp vừa trở về từ TP Hồ Chí Minh - nơi đang ghi nhận nhiều ổ dịch. Các bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng mệt mỏi; đau đầu; sốt cao đột ngột, liên tục; xuất hiện nhiều chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi; đau cơ...

Vừa nhập viện tối 28/6, anh Hứa Văn Thanh (SN 1992) ở xã Sơn Hải (Lục Ngạn) kể: “Tôi làm nghề lái xe tải tuyến Bắc – Nam. Cách đây 5 hôm, trên đường từ TP Hồ Chí Minh về tôi có biểu hiện sốt và đã khám, mua thuốc tại một phòng khám ở Thanh Hóa. Tuy nhiên khi về đến nhà, bệnh không đỡ mà còn nặng hơn, thấy khó thở, buồn nôn nên đã được gia đình đưa xuống bệnh viện điều trị”. Qua khám sàng lọc và xét nghiệm, anh Thanh được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân, bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Hòa cho biết: “Từ đầu tháng 5/2022 đến nay, Khoa truyền nhiễm tiếp nhận 14 bệnh nhân sốt xuất huyết. Sau thời gian điều trị theo phác đồ, sức khỏe người bệnh ổn định và được xuất viện sau 7 ngày, không có trường hợp phải chuyển tuyến”.

Cũng theo bác sĩ Hòa, bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm song thường gia tăng vào mùa mưa, gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của bệnh là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Các biểu hiện ban đầu của sốt xuất huyết dễ nhầm lẫn với sốt phát ban do vi rút, tay chân miệng, sốt rét... Vì vậy người dân không nên tự ý uống thuốc mà cần đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị.

Ngay sau khi ghi nhận trường hợp em Lê Vũ Thu Phương (SN 2009) ở phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) mắc sốt xuất huyết song không có yếu tố dịch tễ, không đi đến nơi đang có dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế TP Bắc Giang điều tra dịch tễ ca bệnh, giám sát véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực nhà của bệnh nhân. Kết quả không ghi nhận thêm các trường hợp nghi mắc sốt xuất huyết tại khu vực này.

Ông Giáp Văn Minh, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Tính đến ngày 30/6, toàn tỉnh ghi nhận 20 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng so với cùng kỳ năm trước. Các ca bệnh xuất hiện đơn lẻ, rải rác tại 9 huyện, thành phố (Sơn Động chưa ghi nhận ca bệnh). Qua phân tích yếu tố dịch tễ có 2 trường hợp nội địa, 12 trường hợp xâm nhập (từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Gia Lai, Kon Tum về địa bàn); 3 trường hợp không có mặt trên địa bàn. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 9 tuổi, cao nhất là 72 tuổi.

Tăng cường giám sát, đẩy mạnh truyền thông

Qua giám sát dịch tễ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh dự báo tình hình có khả năng diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới, nhất là trong tháng 8 và tháng 9/2022. Nguyên nhân do sự giao lưu, đi lại của người dân tăng cao; thời tiết mưa, nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho sinh vật, côn trùng truyền bệnh phát triển.

Phun thuốc diệt muỗi tại phường Đa Mai (TP Bắc Giang).

Để phòng bệnh, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố và KCN tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các ca bệnh nghi, mắc sốt xuất huyết, các trường hợp mắc mới, những nơi có ổ dịch cũ, có nguy cơ bùng phát dịch tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị. Tất cả các ca phải được lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc ổ dịch, bảo đảm phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc-tơ trước và sau phun hóa chất diệt muỗi. Củng cố, duy trì đội ngũ cộng tác viên phòng, chống sốt xuất huyết tại các xã, phường, thị trấn, cán bộ chuyên trách phòng, chống sốt xuất huyết từ xã đến huyện. Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, máy phun hóa chất, để sẵn sàng đáp ứng kịp thời khi có dịch xảy ra. Đầu tháng 4/2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cấp hàng trăm lít hóa chất diệt muỗi và 500 lọ diệt bọ gậy cho các huyện, thành phố.

Các cơ sở y tế bố trí giường bệnh, bổ sung dự phòng thuốc, hóa chất, vật tư y tế, liên tục phun thuốc diệt muỗi, vệ sinh buồng bệnh, yêu cầu bệnh nhân mắc màn phòng lây nhiễm chéo.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh chủ động bố trí vật tư, giường bệnh; thành lập các tổ cấp cứu lưu động sẵn sàng ứng trực khi có ca bệnh nặng. Thường xuyên vệ sinh phòng bệnh, phun thuốc diệt muỗi theo quy định. Còn tại huyện Việt Yên, nơi có nhiều khu nhà trọ, các xã, thị trấn đã tổ chức phun thuốc tập trung; hướng dẫn người dân, đặc biệt các chủ nhà trọ phun tại nơi ở của gia đình.

Từ đầu tháng 6 đến nay, các phường, xã trên địa bàn TP Bắc Giang đã chủ động tổ chức phun thuốc diệt muỗi. Được biết, TP hỗ trợ mỗi phường, xã 30 lít hóa chất phun muỗi tại các khu vực công cộng, nơi tập trung đông dân cư, khu vệ sinh kém; hỗ trợ kinh phí phun thuốc muỗi cho hơn 500 hộ nghèo, cận nghèo. Phường Đa Mai (TP Bắc Giang) từng là địa bàn có nhiều ca mắc sốt xuất huyết năm 2019, thời gian qua phường đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân vệ sinh sạch sẽ đường làng ngõ xóm, đặc biệt những khu vực vùng trũng, ao, hồ. Ông Dương Văn Minh, phường Đa Mai cho biết: “Được sự hướng dẫn của Trạm Y tế, tôi thường xuyên dọn dẹp sân vườn, các thùng, xô chậu đựng nước. Phối hợp với chính quyền phun thuốc diệt muỗi theo quy định”.

Người dân chủ động dọn vệ sinh đường làng, phát quang cây bụi.

Theo các bác sĩ, bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có vắc-xin phòng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bởi vậy, để tích cực phòng bệnh, người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, diệt loăng quăng, bọ gậy. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.

Mới đây Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân; tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, điều trị sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chỉ đạo các phòng khám tư nhân, các tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn. Tăng cường theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm điều trị nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh diễn biến nặng. Bảo đảm cơ sở điều trị có dung dịch cao phân tử dùng trong điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Duy trì hoạt động của đường dây nóng phòng, chống dịch tại các đơn vị khám, chữa bệnh. Hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, loại trừ ổ lăng quăng, bọ gậy một cách hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tập trung vào những nơi có nguy cơ bùng phát dịch.

Các huyện, thành phố tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư, nhiều nhà trọ, các khu vực nhiều ao tù, nước đọng. Đẩy mạnh tuyên truyền về sốt xuất huyết trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bài, ảnh: Mỹ Bình - Khôi Nguyên

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/suc-khoe/386453/bac-giang-chu-dong-phong-benh-sot-xuat-huyet.html