'Bậc Đại học rất cần phải cải tổ'

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ với báo chí bên lề Đại hội Đảng XIII, về những định hướng phát triển ngành trong 5 năm tới.

Liên thông là cơ hội cho đại học Việt Nam

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng một số vấn đề mà xã hội quan tâm như sách giáo khoa, thi cử, Bộ sẽ điều chỉnh và sẽ đi vào ổn định, hay vấn đề bạo lực học đường cũng dần chấn chỉnh... Điều mà Bộ trưởng quan tâm nhất lúc này là bậc đại học.

“Nếu bậc đại học được khai thác tốt thì nền tảng của phổ thông sẽ khai thác tối đa. Rất nhiều em khi tốt nghiệp THPT kiến thức rất tốt, nhưng nếu không khai thác được ở bậc đại học thì sẽ bị mai một. Tôi sẽ tập trung nhiều vào bậc đại học, bởi lĩnh vực này hiện nay rất cần phải cải tổ”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu vấn đề.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Trọng Hải.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Trọng Hải.

Việc tạo ra mạch thông suốt là sự công bằng cho người học, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, cộng với sự tác động của khoa học công nghệ, không nhất thiết học sinh Việt Nam phải du học mới có trình độ quốc tế. Theo xu hướng hiện nay, học sinh nước ngoài muốn học một chương trình nhưng nhiều nội dung các nước khác nhau. Đây có thể là cơ hội cho đại học Việt Nam.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Những cơ sở giáo dục đại học nào tốt, chúng tôi khuyến khích theo hướng chương trình quốc tế, du học tại chỗ, phối hợp với các chương trình công cộng. Cần phải hiểu du học tại chỗ không phải cứ học tại chỗ từ đầu đến cuối là có bằng nước ngoài, có sự tiếp cận văn hóa bên cạnh kiến thức, để thành một công dân toàn cầu.

Các bộ trưởng giáo dục các nước, thậm chí nước châu Âu, hay một số bang ở Mỹ, họ rất quan tâm đến hình thức phối hợp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết và khẳng định với phương thức đào tạo kết hợp như vậy, người học vẫn có thể ở gần gia đình, vẫn tiếp cận được các khóa học online. Khi tình hình dịch bệnh khắc phục thì họ vẫn có thể học các khóa học khác.

Giáo dục đại học Việt Nam muốn đi đúng hướng phải liên thông, nhưng là liên thông trình đào tạo ở nước ngoài. Đây là một chủ trương, do đó giáo dục đại học phải tiếp cận tiêu chuẩn của quốc tế và phải được quốc tế công nhận không chỉ ở bằng cấp, mà công nhận bằng chất lượng và quá trình chấp nhận sử dụng.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết trong quá trình học đại học trong nước, những em vượt trội thường đi du học nước ngoài, trong khi Việt Nam hiện có một số trường, đặc biệt một số ngành học rất tốt. Do đó, cần có sự phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường, sẽ giúp tăng cường năng lực cho cơ sở giáo dục của Việt Nam, đồng thời giữ một lượng ngoại tệ không bị chảy ra nước ngoài.

Đổi mới, sáng tạo là hồn cốt của trường đại học

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đổi mới, sáng tạo là hồn cốt của trường đại học. Bởi nói đến khoa học hay nói đến đổi mới, sáng tạo không có nghĩa là phải làm ra cái mới khác, cái cũ mà là có phương pháp, tư duy, phương thức để đổi mới. Ở bậc đại học, đổi mới trước hết là trong hoạt động dạy và học, đổi mới trong cả phương thức kết hợp giữa đại học và doanh nghiệp.

Đổi mới sáng tạo sẽ là điểm nhấn của giáo dục trong giai đoạn tới.

“Chúng tôi cho rằng thuật ngữ “đổi mới sáng tạo” được coi là một trong những điểm nhấn tới đây phải thực hiện. Ý tưởng đổi mới sáng tạo không phải mới có nhưng chưa được đúc rút nhiều. Tôi tin rằng, giai đoạn 2021-2026, vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lực lượng trí thức, hướng tới xã hội số, dân trí số sẽ được thúc đẩy rất mạnh”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ.

Vì đây liên quan đến xu hướng, chúng ta đi đúng xu hướng, nếu xu hướng thuận thì mọi người sẽ ý thức được và chủ động để bắt nhịp. Nếu nhận thức về xu hướng còn “lừng khừng” thì luôn luôn là người đi sau, mà đã là người đi sau thì không nắm bắt được cơ hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm và nhận định giai đoạn tới đây sẽ là thời cơ cho giáo dục Việt Nam cất cánh, với đường hướng rõ ràng, với sự trợ giúp của công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đặc biệt là quyết tâm của toàn ngành sẽ tạo ra những chuyển biến rất mạnh.

Nhìn nhận những điểm yếu để có chính sách tốt hơn

Giáo dục và đào tạo rất rộng, có liên quan đến mọi người, mọi nhà. Kỳ vọng của người học và gia đình bao giờ cũng lớn, trong khi điều kiện thực hiện thì ở mức độ. Lý giải vấn đề ngành giáo dục hiện nay đang nghiêng về đào tạo nhiều hơn giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: Việt Nam có truyền thống khoa bảng, có kiến thức, nhưng vấn đề giáo dục kỹ năng, ứng xử, thể chất để đảm bảo toàn diện còn hạn chế. Nên nói rằng chúng ta thiên nhiều về đào tạo mà chưa nhiều về giáo dục là có cơ sở. Tuy nhiên, phải nghĩ một cách công bằng, đối với giáo dục phổ thông, chúng ta tập trung nhiều vì hướng tới sự toàn diện; một số điểm cần cải thiện thì sẽ tăng cường.

Sinh viên Trường ĐH Phenikaa được tiếp cận môi trường doanh nghiệp, việc làm.

Riêng với đại học, đó là nghề, phải chuyên sâu. Muốn chuyên sâu được thì phải đào tạo. Dù vậy, sinh viên đại học cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Bởi vậy công tác học sinh, sinh viên cần tạo môi trường cho các em học kỹ năng, nhất là những kỹ năng tiếp cận môi trường doanh nghiệp, việc làm.

Vừa qua, ngành Giáo dục thực hiện Đề án 1665, đề án của Thủ tướng về khởi nghiệp sáng tạo cho học sinh, sinh viên; qua 3 năm kết quả rất tốt. Tốt ở đây không hẳn là mỗi năm có khoảng 500-600 đề án, ý tưởng sáng tạo, mà quan trọng là tạo ra một môi trường để các em trải nghiệm và chia sẻ kinh nghiệm. Đào tạo phải được hiểu theo không chỉ có kiến thức nghề nghiệp mà còn là ứng xử và rất nhiều kỹ năng nghề nghiệp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.

Tới đây, ngành giáo dục tiếp tục phát huy những cái được và đã nhìn nhận ra những cái tạm gọi là "trũng", là yếu để tiếp tục có chính sách tốt hơn. Cũng có những hạn chế không cần dùng nguồn lực mà chỉ cần mạnh dạn đổi mới cơ chế quản lý, quản trị nhà trường nhằm giải phóng nguồn lực của các trường và xã hội.

“Tôi tin rằng, 5 năm tới giáo dục đại học của chúng ta sẽ có nhiều chuyển biến mạnh, còn giáo dục phổ thông cố gắng ổn định và từng bước đi theo hướng toàn diện”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Bài, ảnh: THU HÀ – MINH MẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/bac-dai-hoc-rat-can-phai-cai-to-650465