Bắc Cực đang 'nóng' lên từng ngày

Trong khi hầu hết sự chú ý của dư luận đang đổ dồn vào 'chảo lửa' Trung Đông, cuộc chiến chống khủng bố hay một 'hồ sơ' hạt nhân nào đó, thì cuộc chạy đua đến một khu vực băng giá như Bắc Cực lại đang 'nóng' lên từng ngày.

Vùng băng giá không yên tĩnh

Bắc Cực có diện tích đất liền vào khoảng 8 triệu km2, với các nước có tuyên bố chủ quyền tại các khu vực khác nhau là Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ. Mặc dù các nước giáp Bắc Cực đang cố gắng giành sự kiểm soát, nhưng thực tế là vùng biển ở trong và xung quanh Bắc Cực được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế hiện đang được áp dụng cho tất cả các đại dương khác. Khi băng bắt đầu tan chảy, các vùng nước mới mở ra ở đáy biển sẽ vẫn thuộc về vùng biển quốc tế, theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Vì vậy, các quốc gia đang tích cực triển khai lực lượng ở xung quanh khu vực tưởng như yên lặng này, nhằm giành được thế chủ động và nắm bắt trước thời cơ.

Reuters mới đây cho biết, Trung Quốc đã bắt đầu đóng tàu thăm dò Bắc Cực đầu tiên của nước này, nhằm phục vụ việc mở rộng sáng kiến “Vành đai và Con đường” tới Bắc Cực. Sách Trắng mang tên “Chính sách Bắc Cực của Trung Quốc” vừa qua cho rằng: “Sáng kiến “Vành đai và Con đường” sẽ đem lại cơ hội cho các bên liên quan chung tay xây dựng một “Con đường tơ lụa tới Bắc Cực”, tạo thuận lợi cho kết nối, phát triển kinh tế-xã hội bền vững của Bắc Cực... Trung Quốc hy vọng hợp tác với tất cả các bên để xây dựng “Con đường tơ lụa tới Bắc Cực” thông qua phát triển các tuyến vận tải biển”.

Trong khi đó, lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ qua sau vụ nổ trên tàu HMS Tireless hồi năm 2007, Anh vừa triển khai tàu ngầm hạt nhân HMS Trenchant đến Bắc Cực. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson tuyên bố, Bắc Băng Dương là một trong những môi trường khắc nghiệt nhất trên Trái Đất mà Hải quân Anh cần thường xuyên hoạt động nhằm duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu trong tình huống cần thiết.

Mới đây, CNN dẫn lời Chuẩn đô đốc Mỹ James Pitts, Chỉ huy Trung tâm Phát triển tác chiến dưới biển, đánh giá Bắc Cực là một phần trong “môi trường cạnh tranh quyền lực lớn” của Mỹ. “Tất cả lý do khiến hải quân Mỹ tập trận ở đây là để bảo đảm rằng chúng tôi có thể hoạt động hiệu quả”, ông James Pitts nêu rõ.

Tàu ngầm hạt nhân HMS Trenchant của Anh xuyên qua lớp băng dày ở Bắc Cực. Ảnh: Telegraph

Đối với Nga, Tổng thống Vladimir Putin vừa qua khẳng định vùng Bắc Cực là “đặc biệt quan trọng”. Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố sẽ củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng cho quân sự, vận tải và nghiên cứu khoa học của Nga ở Bắc Cực nhằm bảo đảm các lợi ích của Moscow. “Giờ đây, chúng ta có thể chắc chắn rằng sự giàu có của Nga sẽ lớn lên nhờ Bắc Cực”, Tổng thống Vladimir Putin nêu rõ.

Nguồn tài nguyên còn “ngủ yên”

Không phải ngẫu nhiên mà một vùng băng giá như Bắc Cực lại lọt vào “mắt xanh” của nhiều quốc gia. Các nghiên cứu từ trước tới nay đều khẳng định, Bắc Cực có trữ lượng dầu không hề thua kém bất kỳ nơi nào trên thế giới. Theo tờ Ouest France, các nhà khoa học Nga ước tính khu vực này chiếm 25% nguồn tài nguyên đang còn “ngủ yên” trên toàn cầu. Trong khi đó, tờ Diplomat dẫn thông tin của Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ ước tính Bắc Cực chứa khoảng 13% trữ lượng dầu mỏ, 30% khí đốt tự nhiên và 20% khí đốt hóa lỏng chưa được khai thác của thế giới.

Không những vậy, Bắc Cực cũng là một nơi rất giàu tiềm năng khoáng sản. Bắc Cực có những mỏ quặng sắt, kẽm, niken, vàng và nhiều loại khoáng sản khác với trữ lượng thuộc loại lớn nhất thế giới. Cá cũng là một nguồn tài nguyên hết sức quan trọng và dồi dào ở Bắc Cực, trữ lượng khai thác có thể sẽ ngày càng lớn hơn khi nhiều diện tích mặt nước được giải phóng và thu hút nhiều loại cá di cư từ phía Bắc xuống. Tờ Newsweek dẫn lời ông Malte Humpert, Giám đốc Viện Nghiên cứu Bắc Cực (Mỹ) mô tả khu vực này là “điểm trắng cuối cùng trên bản đồ thế giới”. “Xét về phương diện địa chính trị, đánh bắt cá hay nguồn tài nguyên, đây là một khu vực còn bí ẩn với nhiều cơ hội. Không có cảnh sát giám sát xung quanh cũng như không có sự hiện diện thường xuyên của quân đội”, ông Malte Humpert nhận xét.

Bên cạnh đó là các hoạt động hàng hải qua Bắc Cực cũng đang trở nên quan trọng chưa từng có do băng tuyết tan. Tuyến hàng hải Biển Bắc được dự báo sẽ trở thành đối thủ của kênh đào Suez nối châu Âu và châu Á. Khi được khai thác, tuyến Biển Bắc được cho là có khả năng giúp rút ngắn thời gian tàu đi từ châu Âu sang châu Á xuống chỉ còn 35 ngày, so với 48 ngày nếu đi qua kênh đào Suez.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/bac-cuc-dang-nong-len-tung-ngay-534171