Bắc cầu để hàng Việt xuất khẩu ra thế giới trong thời đại kinh tế số

Thương mại điện tử xuyên biên tiếp tục trở thành một phương thức hữu hiệu để doanh nghiệp Việt Nam mở lối vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm thiểu rủi ro khi chuỗi cung ứng truyền thống bị đứt đoạn.

Tàu cập bến bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tân Cảng-Cái Mép (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tàu cập bến bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tân Cảng-Cái Mép (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Nhằm chung tay giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, ngày 28/4, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Sở Công Thương thành phố Hà Nội và Amazon Global Selling đồng tổ chức hội thảo “Xuất khẩu hàng Việt ra thế giới cùng Amazon.”

Phát biểu tại hội thảo, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, Việt Nam nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới thanh nhất thế giới.

Do đó, tỷ trọng trung bình của khu vực so với toàn cầu tăng liên tục qua các năm, đạt giá trị trung bình 41,3%/năm và tốc độ tăng trưởng đạt tung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu 27,4% /năm trong giai đoạn 2016-2020.

Vì vậy, thương mại điện tử xuyên biên tiếp tục trở thành một phương thức hữu hiệu để doanh nghiệp Việt Nam mở lối vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm thiểu rủi ro khi chuỗi cung ứng truyền thống đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

“Đặc biệt, với doanh thu thương mại điện tử doanh nghiệp tới khách hàng (B2C) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2,883 tỷ USD, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh vô cùng hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường,” bà Lại Việt Anh nhìn nhận.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cùng với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới, Việt Nam đã chứng kiến những cột mốc phát triển đột phá trong nền kinh tế số.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng năm 2020 doanh số thương mại điện tử Việt Nam, mô hình B2C, vẫn tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Mục tiêu phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025 dự kiến tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD.

Trong năm 2020, thương mại điện tử xuyên biên giới cũng trở thành một phương thức hữu hiệu để doanh nghiệp Việt Nam mở lối vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm thiểu rủi ro khi chuỗi cung ứng truyền thống đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tuy nhiên, để hàng hóa Việt Nam kết nối hiệu quả với thị trường toàn cầu, bà Lại Việt Anh cho rằng ngoài những giải pháp từ cơ quan quản lý thì mấu chốt là các doanh nghiệp phải thực sự vào cuộc, thích ứng với xu hướng.

Đánh giá thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh xuất khẩu hiệu quả, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho rằng, việc bán hàng qua các sàn thương mại điện tử cũng là một trong những cách nhanh nhất để các doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu riêng nhằm đưa hàng hóa xuất khẩu ra toàn cầu, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, trong năm 2021, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội tăng 5% so với thực hiện năm 2020; giai đoạn 2021-2025 dự kiến dự kiến chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 5%/năm; đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 20,4 tỷ USD.

Đáng lưu ý, các thị trường xuất khẩu của Hà Nội chủ yếu là Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là dệt may, da giày, điện tử-máy tính, máy móc thiết bị, nông sản, đồ gỗ, phương tiện vận tải.

“Do vậy, nhằm đạt được chỉ tiêu xuất khẩu nêu trên, bên cạnh xuất khẩu truyền thống, việc xuất khẩu qua các kênh thương mại điện tử như Amazon, Alibaba... cũng rất cần thiết,” bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.

Về phía Sở Công Thương thành phố Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có giá trị xuất khẩu cao, Hà Nội cũng luôn quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu những mặt hàng tiềm năng lớn trên thị trường quốc tế, trong đó có mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

Thời gian tới, để mở rộng thị trường và phát triển mạnh mẽ ngành nghề cho các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, Sở Công Thương thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế, Amazon Global Selling, cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hội thảo chuyên ngành với các hoạt động đào tạo chuyên sâu, hướng dẫn 1:1 miễn phí, giúp doanh nghiệp có nhiều kỹ năng hơn trong việc xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ và tìm thêm được các kênh xuất khẩu, thị trường mới phù hợp qua thương mại điện tử.

Song hành cùng Bộ Công Thương trong việc chung tay giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam phát triển với thương mại điện tử xuyên biên giới, Amazon Global Selling cũng chính thức khởi xướng chương trình “Kỷ nguyên bứt phá, hàng Việt vươn xa,” nhằm tăng cường hỗ trợ người bán hàng Việt Nam trên hành trình vươn mình ra thế giới qua việc cung cấp kiến thức thương mại điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ quá trình thiết lập và vận hành gian hàng trên Amazon, đồng thời cải thiện năng lực cạnh tranh để phát triển doanh nghiệp trên quy mô toàn cầu.

Hơn nữa, đội ngũ chuyên trách của Amazon - Amazon Global Selling Việt Nam không ngừng thúc đẩy và tạo điều kiện để các thương hiệu và doanh nghiệp Việt trên Amazon tiếp cận với khách hàng quốc tế.

Có rất nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ tại Việt Nam đang bán hàng trên Amazon, từ các thương hiệu có tiếng tăm lớn như cà phê Trung Nguyên, giày Biti’s, đến các nhà sản xuất nội địa hàng đầu như MDK và các công ty khởi nghiệp như Andre Gift Shop hay Mary Craft. Chỉ trong năm 2020, số lượng người bán hàng Việt Nam ghi nhận doanh số trên 1 triệu USD đã tăng gấp 3 lần.

Nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ tại Việt Nam đang bán hàng trên Amazon.

Theo ông Gijae Seong, Giám đốc Quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam, là một trong những quốc gia có nền kinh tế mới nổi năng động nhất thế giới, Việt Nam đã cho thấy vị thế vững vàng ngay giữ đại dịch COVID-19.

Do đó, Amazon Global Selling mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy nhiều hơn nữa các doanh nghiệp vươn ra toàn cầu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

“Năm nay, Amazon đã và đang tích cực hiện thực hóa mong muốn này qua việc mở rộng hợp tác với các tổ chức tại Việt Nam, nhất là với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm đào tạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, để cùng nhau thay đổi tương lai của ngành xuất khẩu Việt Nam và tăng cường phát triển kinh tế số,” ông Gijae Seong khẳng định.

Thống kê đến thời điểm này, Amazon Global Selling đã thành lập hai đội ngũ chuyên trách tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm tăng cường hỗ trợ người bán hàng Việt Nam về mọi mặt.

Đặc biệt, trong khuôn khổ hợp tác năm nay, Amazon Global Selling sẽ phối hợp cùng IDEA tổ chức chuỗi hội thảo và các chương trình đào tạo giúp trang bị cho hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam những kiến thức cần thiết cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh trên Amazon một cách hiệu quả nhất./.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/bac-cau-de-hang-viet-xuat-khau-ra-the-gioi-trong-thoi-dai-kinh-te-so/709355.vnp