Bắc Cạn tập trung phát triển trường phổ thông dân tộc bán trú

Từ hiệu quả của một trường phổ thông dân tộc bán trú ở huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Cạn đang tập trung nhân rộng mô hình này nhằm từng bước nâng cao chất lượng nuôi, dạy học sinh con em dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Thời gian tới, tỉnh sẽ dồn lớp, nhập trường nhỏ lẻ xây nhà bán trú tại các trường để học sinh thuận tiện đi lại.

Trường là nhà

Từ sáng sớm, khi sương mù còn giăng mắc dày đặc, em Phùng Thị Sí, dân tộc Mông, học sinh lớp 8, Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Thuần Mang (huyện Ngân Sơn) đã thức giấc. Lớn tuổi nhất nên Sí có trách nhiệm gọi các em trong phòng dậy để chuẩn bị đi học. Trên nhà ăn, các cô giáo đã nấu sẵn cơm để các em ăn sáng. Sí chia sẻ: "Nhà em ở thôn Cốc Ỏ, cách trường chín cây số, đi bộ vất vả lắm. Trước đây gia đình phải dựng lán cho em ở cạnh trường, vừa tạm bợ lại không an toàn. Bây giờ có nhà bán trú vững chãi, được hỗ trợ ăn, có các thầy cô chăm sóc nên em và các bạn rất vui, cố gắng học tập tốt". Em Hoàng Thị Hạnh, dân tộc Mông, ở thôn Thôn Áng, cùng xã Thuần Mang năm nay vào lớp 6, cho biết: "Xuống ở nhà bán trú được các thầy cô dạy dỗ, bữa ăn nào cũng có thịt, lại được ở cùng phòng với các chị lớp trên và các bạn, em thấy yên tâm như ở nhà vậy". Cô giáo Lý Thị Thoan, quê ở huyện Na Rì, cách trường gần 30 km tâm sự: "Chúng tôi yêu quý các trò như con. Hằng ngày dạy dỗ các em từ vệ sinh, đánh răng, rửa mặt cho tới chấp hành giờ giấc học tập. Mỗi tối thay phiên nhau phụ đạo các em ôn lại bài cũ, làm bài tập. Hầu hết các em sau khi ở bán trú đều đã biết tự chăm sóc bản thân, kết quả học tập tốt hơn hẳn".

Trường PTDTBT THCS Thuần Mang được thành lập năm 2015, gồm bốn lớp với 118 học sinh, trong đó có 86 em ở bán trú. Nhà trường có khu ở bán trú gồm 10 phòng, mỗi phòng rộng 15 m2 bố trí giường tầng cho tám em học sinh, khu nhà ăn, khu vệ sinh cũng được xây dựng kiên cố. Ðể chăm lo cho các em, nhà trường phân công giáo viên luân phiên cùng cán bộ y tế học đường, trực quản lý 24/24 giờ trong ngày, bố trí một người nấu ăn. Nhà trường ký hợp đồng cung cấp thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn phục vụ bữa sáng gồm cơm, thịt băm hoặc mỳ tôm; bữa trưa, tối gồm thịt lợn hoặc thịt gà, trứng hoặc đậu phụ cùng rau xanh. Năm học 2016 - 2017, học sinh nhà trường được hỗ trợ tiền ăn hơn 289 triệu đồng và gần chín tấn gạo. Thầy Hiệu trưởng Triệu Văn Toàn cho biết: "Từ khi có nhà bán trú, chất lượng học tập toàn trường được nâng lên. Năm học 2016 - 2017, các em ở bán trú chiếm ba phần tư số học sinh giỏi và một nửa số học sinh khá, có nhiều em đạt giải thi Olympic tiếng Anh cấp trường, cấp huyện. Ðể củng cố mô hình bán trú, chúng tôi thường xuyên phối hợp, kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp chăn, màn, quần áo, sách vở cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn".

Trường THCS Công Bằng (huyện Pác Nặm) là ngôi trường đầu tiên ở tỉnh Bắc Cạn thực hiện mô hình trường bán trú. Trước đây, năm nào trường cũng có học sinh bỏ học, đặc biệt sau Tết Nguyên đán, có lớp học sinh bỏ học đến một phần ba. Năm 2006, thương các em vất vả, các thầy, cô bàn bạc, góp công sức, tiền cùng phụ huynh dựng lán cho các em ở. Có lán bán trú ở trường, các em tham gia đầy đủ các buổi học, học lực cũng nâng lên rõ rệt. Thấy hiệu quả, nhà trường mạnh dạn đề xuất huyện cho xây nhà bán trú. Em Triệu Mùi Chuống, dân tộc Dao, đang học lớp 9 cho biết: "Có nhà bán trú, hằng ngày chúng em không còn phải đi học xa nữa. Ở bán trú rất vui, điều kiện ăn ở tốt hơn ở nhà nhiều".

Củng cố, nhân rộng mô hình hay

Từ năm 2006, huyện Pác Nặm ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nhà bán trú; trích một phần vốn từ các chương trình đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, huy động các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp xây dựng nhà bán trú. Huyện chuyển đổi tám trường tiểu học và THCS sang mô hình bán trú. Nhờ mô hình này, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm hẳn, chất lượng học tập được nâng lên. Ðến nay, mô hình trường PTDTBT từng bước phát triển. Tỉnh Bắc Cạn ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kêu gọi đầu tư nhà bán trú cho các trường vùng sâu, vùng xa. Ðến nay, toàn tỉnh có 16 trường PTDTBT, gồm ba trường cấp tiểu học, một trường tiểu học và THCS, và 12 trường THCS ở năm huyện vùng cao là Pác Nặm, Na Rì, Ba Bể, Ngân Sơn, Chợ Ðồn.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2016/NÐ-CP, ngày 6-11-2016, HÐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 54/2016/NQ-HÐND quy định một số chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với các trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn. Theo đó, nhà ở của học sinh tiểu học xa trường từ 4 km trở lên, THCS từ 7 km trở lên, THPT từ 10 km trở lên thì được ở lại trường. Học sinh tiểu học có nhà cách trường 2,5 km, học sinh THCS cách trường 5 km và học sinh THPT cách trường 7 km trở lên được ở lại trường. HÐND tỉnh Bắc Cạn cũng quy định mức hỗ trợ kinh phí thuê người phục vụ nấu ăn cho học sinh bán trú; định mức hỗ trợ người quản lý học sinh ngoài giờ học; hỗ trợ tiền điện cho mỗi học sinh ở bán trú với mức 10 KW/tháng. Nghị quyết nêu trên đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp các trường thực hiện tốt công tác tổ chức, quản lý, nấu ăn cho học sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đi học. Qua đó, từng bước cải thiện chất lượng giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Cạn tiếp tục sắp xếp những trường trên diện đại trà, xây nhà bán trú ở trường thuận lợi về giao thông để đón học sinh từ điểm trường về. Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Bắc Cạn Ma Thế Quyên cho biết: "Căn cứ tình hình thực tế, chúng tôi tính toán dồn trường, dồn lớp cho hợp lý, hiệu quả gắn với mở rộng trường PTDTBT. Nơi nào có điều kiện tốt thì làm trước, nhưng không dồn một cách cơ học. Ðối với bậc tiểu học sẽ dồn điểm trường lẻ, đưa các em về bán trú tại trường chính, bậc THCS dồn theo hướng cụm xã. Bậc tiểu học sẽ đưa các em từ lớp ba trở lên về ở bán trú vì các em đã lớn hơn đồng thời không ảnh hưởng tới việc học chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm".

Tuy nhiên thời gian tới, việc dồn trường, lớp nhiều hơn thì nhu cầu xây dựng nhà bán trú sẽ tăng lên, trong khi nguồn lực của tỉnh lại có hạn. Ðồng chí Ma Thế Quyên cho biết thêm: "Chúng tôi tiếp tục kêu gọi, huy động xã hội hóa việc xây dựng trường bán trú, đồng thời tham mưu cho tỉnh cơ chế, chính sách để hỗ trợ các em bán trú ở xã đã ra khỏi diện 135. Sẽ tập trung chuẩn bị tốt nhân lực về quản lý, nấu ăn cho các trường để bảo đảm mỗi trường bán trú được thành lập mới vừa là mái trường, vừa là ngôi nhà tốt nhất cho các em học sinh".

Bài, ảnh: TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/35603002-bac-can-tap-trung-phat-trien-truong-pho-thong-dan-toc-ban-tru.html