Bắc Cạn tạo chuyển biến từ gốc

Nắm vững phương châm, quan điểm cán bộ là gốc của mọi công việc, tỉnh Bắc Cạn triển khai nhiều giải pháp đột phá, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Nhờ đó, sau hơn nửa nhiệm kỳ, công tác cán bộ của tỉnh chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII) Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Cạn đã nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp phù hợp thực tiễn địa phương để tạo đồng bộ, nâng cao chất lượng cán bộ. Toàn Đảng bộ tỉnh triển khai, dồn sức cho các nhóm giải pháp, gồm: đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu; đổi mới, nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ; nâng cao chất lượng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, miễn nhiệm; đổi mới công tác quản lý và tuyển dụng cán bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong công tác cán bộ. Đồng thời, tỉnh sớm triển khai ban hành kế hoạch “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa”.

Theo đó, với cấp tỉnh, các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên BCH; với cấp huyện, các đồng chí do Ban Thường vụ Huyện ủy trực tiếp quản lý viết báo cáo tự kiểm điểm, cấp ủy nhận xét, góp ý hoàn thiện. Trên cơ sở đó, cá nhân xây dựng kế hoạch “tự sửa” có lộ trình cụ thể. Cấp ủy, tổ chức đảng theo dõi, giám sát kết quả “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” của từng cá nhân.

Tỉnh Bắc Cạn đã sớm thực hiện chủ trương bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý bằng hình thức sát hạch. Qua đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bổ nhiệm 26 đồng chí, khắc phục các biểu hiện “chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, bổ nhiệm người nhà, người thân, cục bộ địa phương”. Với quan điểm làm tốt ngay từ khâu “đầu vào”, Bắc Cạn là tỉnh có phương pháp khoa học, đồng bộ trong tuyển chọn, sát hạch cán bộ trong quy hoạch, từ đó, bảo đảm lựa chọn được cán bộ nguồn có chất lượng.

Trước đây, cán bộ ở Bắc Cạn khi nhận công tác, được bổ nhiệm thường ít thay đổi vị trí cho nên dễ hình thành tâm lý “an phận thủ thường” hoặc “giữ ghế”. Tỉnh ủy chỉ đạo, coi luân chuyển là giải pháp bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Theo quy định, cán bộ công tác ở lĩnh vực “nhạy cảm” phải luân chuyển. Bắc Cạn tiến hành luân chuyển thêm chức danh trưởng phòng, phó phòng thuộc các lĩnh vực nhạy cảm, hạn chế sức ỳ trong công tác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân.

Tại xã Lục Bình, huyện Bạch Thông có thời gian nhiều nội dung công việc thiếu quy củ, như: quy chế làm việc của UBND xã chưa được ban hành; quy chế làm việc của Đảng ủy chưa được sửa đổi, bổ sung; công tác lưu trữ văn bản chưa thành hệ thống… Được luân chuyển về giữ chức Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí Hoàng Văn Trí, với kinh nghiệm là Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy đã chỉ đạo sửa đổi, kiện toàn, rà soát, chấn chỉnh công tác lưu trữ văn bản theo hệ thống. Nhờ giữ nghiêm nguyên tắc sinh hoạt Đảng, hoạt động của Đảng ủy, UBND xã đi vào nền nếp, lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả công tác phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Bản thân đồng chí, nhờ lăn lộn ở cơ sở cũng trưởng thành hơn.

Từ vị trí Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng chí Nguyễn Đình Điệp được luân chuyển về giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm. Với kinh nghiệm, chuyên môn sâu, đồng chí tham mưu, chỉ đạo thực hiện chính sách phát triển chăn nuôi hàng hóa, tăng cường nguồn lực hỗ trợ nhân dân, củng cố các chợ gia súc. Pác Nặm vươn lên dẫn đầu cả tỉnh về chăn nuôi đại gia súc, hình thành ba chợ trâu, bò quy mô lớn tại các tỉnh phía bắc, lợi nhuận thu về hằng năm khoảng 90 tỷ đồng… Thành tích, sự trưởng thành của đồng chí được địa phương ghi nhận, tỉnh đánh giá cao; đến năm 2018, đồng chí tiếp tục được phân công giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy. Đến nay, Bắc Cạn đã luân chuyển hơn 17 đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, vừa đạt mục đích đưa cán bộ về cơ sở khó khăn, vừa rèn luyện cán bộ trong thực tiễn.

Gắn liền với việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, các cấp ủy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, nêu cao tính gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tỉnh ủy ban hành Quy định số 01-QĐ/TU về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Theo đó, cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị không bổ nhiệm lại, hoặc bố trí chức vụ thấp hơn; khuyến khích từ chức, miễn nhiệm chức vụ đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu thiếu tinh thần trách nhiệm làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ và uy tín, danh dự tập thể.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị điều chuyển bố trí công tác khác khi để cán bộ dưới quyền tham nhũng, lãng phí, bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên; xử lý không nghiêm minh, bao che hành vi vi phạm của cấp dưới; cơ quan có thẩm quyền đánh giá hai năm liền ở mức độ hoàn thành nhiệm vụ, một năm không hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện nhiệm vụ chậm tiến độ ba lần/trong một năm; để cấp dưới nhũng nhiễu; có dưới 50% số phiếu tín nhiệm.

Một thí dụ, Sở Khoa học và Công nghệ quản lý, giám sát hai đề tài, dự án khoa học về cây gừng đá và khoai môn. Tuy nhiên, khi thực hiện, đơn vị chủ trì cố tình báo cáo sai kết quả nghiệm thu, quyết toán khống hơn 30 triệu đồng. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ không phải là người chủ trì thực hiện dự án, số tiền thất thoát không lớn, nhưng căn cứ Quy định số 01-QĐ/TU về xử lý trách nhiệm người đứng đầu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định kỷ luật đồng chí này bằng hình thức khiển trách.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Cạn Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, thời gian qua, tính hiệu quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh đã chuyển biến tích cực. Nhờ nâng cao chất lượng cán bộ, tỉnh Bắc Cạn đã tăng 11 bậc về xếp hạng chỉ số cải cách hành chính. Tuy nhiên, bước chuyển ấy chưa đạt được như kỳ vọng. Hiện nay, các cấp ủy, chính quyền, địa phương thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra trong nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu, đáp ứng với yêu cầu giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước có cơ cấu công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm; 95% đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện có trình độ chuyên môn đại học trở lên; 65% số cán bộ công chức và 20% số viên chức cấp tỉnh, huyện có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên; toàn bộ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Để bảo đảm có nguồn tốt cho trước mắt và lâu dài, tỉnh triển khai đào tạo, bồi dưỡng hơn 1.305 lượt cán bộ; ban hành danh mục vị trí việc làm 429 đơn vị sự nghiệp; tinh giản biên chế hơn 275 trường hợp. Công tác này của tỉnh là bước tạo đà quan trọng trong việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38078002-bac-can-tao-chuyen-bien-tu-goc.html