Bắc Cạn đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Thời gian qua, Bắc Cạn ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đầu tư vốn nghiên cứu, khuyến khích ứng dụng khoa học-công nghệ vào nông nghiệp, gắn với phát triển nông sản đặc sản. Từ đó, tạo chuyển biến bước đầu, hình thành những vùng sản xuất mang lại giá trị kinh tế khá, tuy nhiên cũng còn những hạn chế cần sớm được khắc phục.

Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn

Mô hình trồng dưa lê Thái-lan và dưa lê Nhật Bản ứng dụng công nghệ cao tại thôn Phiêng My, xã Huyền Tụng, TP Bắc Cạn.

Mô hình trồng dưa lê Thái-lan và dưa lê Nhật Bản ứng dụng công nghệ cao tại thôn Phiêng My, xã Huyền Tụng, TP Bắc Cạn.

Hiệu quả bước đầu

Bắc Cạn xác định với diện tích đất nhỏ, manh mún thì ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp là chìa khóa để nâng hệ số sử dụng đất, giá trị kinh tế. Tuy nhiên, để thay đổi tập quán của người dân thì cần mô hình mẫu về nông nghiệp CNC. Năm 2016, tỉnh đầu tư hơn ba tỷ đồng thực hiện dự án ứng dụng CNC trong sản xuất rau tại TP Bắc Cạn. Dự án xây dựng ba mô hình, gồm: sản xuất rau ăn quả trên hệ thống thủy canh bán tuần hoàn; sản xuất rau trong nhà vòm che cao; sản xuất rau ngoài đồng, trồng trái vụ dưới vòm che thấp.

Kết quả, mô hình trồng rau ăn quả (dưa thơm, cà chua bi) theo hệ thống thủy canh bán tuần hoàn trong nhà lưới bán kiên cố cho thu nhập từ 900 triệu đến 1,3 tỷ đồng/ha/vụ. Trồng rau ăn lá (xà lách, cải ngọt, cải ngồng) trên giá thể hữu cơ trong nhà lưới đa năng đạt 700 triệu đồng/ha/vụ. Trồng rau ăn lá, rau ăn quả trên nền đất cho thu nhập 290 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình trồng rau trái vụ dưới vòm che thấp đạt từ 120 đến 270 triệu đồng/ha/vụ. Sản phẩm làm ra sạch, được thị trường đón nhận.

Ứng dụng khoa học-công nghệ (KHCN) còn giúp Bắc Cạn phục hồi, phát huy nhiều nông sản quý. Tại xã Bằng Phúc (Chợ Ðồn) có hàng chục héc-ta chè Shan tuyết cổ thụ, tuy nhiên, nhiều năm bị bỏ quên, dân đào cả gốc bán cho người chơi cây cảnh. Bắc Cạn thực hiện dự án KHCN giúp mở rộng diện tích lên hàng trăm héc-ta. Ðặc biệt, dự án tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè Shan tuyết tại Chợ Ðồn do Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía bắc triển khai đã mở ra hướng đi mới cho vùng chè nơi đây. Dự án đã xây dựng 30 ha chè canh tác theo quy trình VietGAP và hữu cơ; hỗ trợ Hợp tác xã Hồng Hà công nghệ chế biến. Thực hiện theo dự án, năng suất chè tăng từ 194 đến 243%; hiệu quả sản xuất nguyên liệu tăng 270% đối với mô hình VietGAP và 214% đối với mô hình hữu cơ. Sản phẩm đưa ra thị trường, gồm: trà móc câu truyền thống và hai loại trà mới của Bắc Cạn là Hồng trà và Bạch trà có giá bán từ 500 nghìn tới sáu triệu đồng/kg. Sản phẩm Hồng trà, Bạch trà đưa đi giới thiệu tại Trung Ðông được các đối tác đánh giá rất cao.

Giai đoạn 2016-2018, Bắc Cạn đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng thực hiện 20 dự án KHCN trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp gắn với sản xuất nông sản đặc sản. Thông qua các đề tài, dự án, Bắc Cạn có năm sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, gồm: gạo Bao thai Chợ Ðồn; miến dong; cam, quýt; gạo nếp Khẩu nua Lếch; hồng không hạt. Tỉnh phát triển được 32 sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao, năm sản phẩm xếp hạng 4 sao cấp tỉnh; có khoảng 124 sản phẩm có thể phát triển thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Nhiều sản phẩm có mặt ở thị trường các thành phố lớn, như: gạo nếp Khẩu nua Lếch, Cucurmin nghệ, miến dong…

Tạo hành lang thuận lợi

Ðể tránh tình trạng đề tài có tính ứng dụng cao nhưng bị bỏ rơi, Bắc Cạn ban hành quy chế ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu các đề tài, dự án KHCN. Ðồng thời, tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích nhân rộng, như: hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, kinh phí xây dựng, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm... Thí dụ, tỉnh quy định hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng 10 triệu đồng/ha, thời gian hỗ trợ lãi suất vay 12 tháng, đối với diện tích 1.000 ha sản xuất lúa chất lượng cao làm hàng hóa; hỗ trợ 100 triệu đồng/1.000 m2 mô hình sản xuất rau công nghệ cao quy mô từ 3.000 đến 5.000 m2; hỗ trợ lãi suất vốn vay, kinh phí xây dựng mô hình sản xuất lâm nghiệp cây gỗ lớn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm với kinh phí thực hiện cao nhất 200 triệu đồng/mô hình…

Ðược hỗ trợ, nhiều đề tài, dự án đã nhân rộng rất hiệu quả. Dự án KHCN xây dựng mô hình trồng cam Xã Ðoài với diện tích ba héc-ta tại huyện Na Rì khi kết thúc, nghiệm thu được đánh giá cao. Sau bốn năm, bình quân thu được từ 5 - 6 kg quả/cây, chất lượng tốt, giá bình quân từ 20-35 nghìn đồng/kg, lợi nhuận đạt 100 triệu đồng/ha trở lên, thu nhập gấp bốn đến năm lần so với trồng lúa, ngô. Ngoài ra, cam Xã Ðoài chín sớm hơn các giống bản địa nên thị trường tiêu thụ rộng, giá bán ổn định. Từ hiệu quả được chứng minh trong thực tế, huyện Na Rì xây dựng kế hoạch nhân rộng, thực hiện hỗ trợ người dân hơn 9.000 cây giống trồng hơn 177 ha ở 17 xã, thị trấn. Ðến nay, các huyện Ba Bể, Chợ Mới, Chợ Ðồn cũng tiếp tục nhân rộng mô hình này giúp toàn tỉnh nâng diện tích cam Xã Ðoài lên gần 300 ha.

Mô hình ứng dụng CNC được nhiều địa phương nhân rộng. Tại thôn Nà Nạc, xã Hương Nê (huyện Ngân Sơn), anh Nông Văn Thành đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng nhà lưới CNC trồng giống dưa lưới Hà Lan. Với 1.900 gốc dưa trên diện tích 1.200 m2 khi trồng trong nhà lưới đã tránh được côn trùng gây bệnh, ứng phó được với thời tiết thất thường tại vùng núi. Hệ thống tưới nước nhỏ giọt kỹ thuật cao theo công nghệ I-xra-en. Sau hơn hai tháng cho thu hoạch, mỗi quả nặng từ 1,5-2,5 kg được thương lái Hà Nội bao tiêu cả vườn. Với giá bán buôn 40.000-45.000 đồng/kg, bán lẻ 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình anh Thành lãi 100 triệu đồng. Tại TP Bắc Cạn, người dân đã mở rộng được 6.000 m2 nhà lưới trồng rau an toàn, thu nhập trung bình mỗi năm hơn 120 triệu đồng/1.000 m2. Với tổng kinh phí giai đoạn 2016-2020 hơn 129 tỷ đồng thực hiện các cơ chế, chính sách trên, Bắc Cạn phấn đấu đến năm 2020 sẽ xây dựng được tám mô hình dịch vụ sản xuất lúa; 10 mô hình trồng rau ứng dụng CNC; 10 mô hình thâm canh dong riềng; 10 mô hình thâm canh cam, quýt, hồng không hạt, mơ; năm mô hình thâm canh chè; 15 mô hình gia trại, trang trại lợn và 10 mô hình trồng cây gỗ lớn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðỗ Thị Minh Hoa cho biết, hằng năm, trong tổng kinh phí sự nghiệp khoa học, lĩnh vực nông, lâm nghiệp chiếm 70 đến 75%. Tỉnh chỉ đạo thực hiện nguyên tắc: đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KHCN phải mang tính ứng dụng cao; bám sát mục tiêu sản xuất nông, lâm nghiệp theo nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh; thực hiện bài bản việc nhân rộng mô hình. Do vậy, phần lớn các dự án đã được nghiệm thu đều phát huy hiệu quả rộng rãi trong thực tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa đánh giá đúng vai trò của nghiên cứu KHCN, việc ứng dụng đôi lúc còn dàn trải, manh mún nên chưa phát triển thành vùng hàng hóa rõ nét. Do vậy, thời gian tới, Bắc Cạn sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo để từng đơn vị khi nhận bàn giao đề tài, dự án KHCN có kế hoạch cụ thể nhân rộng, thúc đẩy phát triển mạnh ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Bài và ảnh: TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41036602-bac-can-day-manh-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-trong-nong-nghiep.html