Bắc Bộ mưa phùn và sương mù, Nam Bộ duy trì nắng nóng diện rộng

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, hôm nay (18-3) khu vực Bắc Bộ tiếp tục trạng thái mưa nhỏ, mưa phùn kèm sương mù về đêm và sáng, độ ẩm trung bình cao hơn 80%, đến trưa trời hửng nắng.

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, hôm nay (18-3) khu vực Bắc Bộ tiếp tục trạng thái mưa nhỏ, mưa phùn kèm sương mù về đêm và sáng, độ ẩm trung bình cao hơn 80%, đến trưa trời hửng nắng.

Nhiệt độ cao nhất trong ngày dao động từ 25 đến 270C. Hiện nay, khối áp cao cận nhiệt đới đang hoạt động mạnh thêm và có xu hướng mở rộng sang phía đất liền của Việt Nam. Khí nóng thổi từ trên xuống ngăn cản quá trình mây phát triển khiến Nam Bộ tiếp tục nắng nóng diện rộng, nhất là Ðông Nam Bộ vừa khô vừa nóng với nhiệt độ 35 đến 36oC. Thời gian có nắng nóng kéo dài từ 11 đến 17 giờ. Ðến tối, tiết trời dịu mát hơn với nhiệt độ thấp nhất từ 26 đến 28oC. Thời điểm này, Nam Bộ ít khả năng xuất hiện mưa trái mùa.

* Theo Cục Bảo vệ thực vật, cả nước hiện có 53.007 ha cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá, trong đó, diện tích nhiễm nặng 6.398 ha. Bệnh phát sinh và gây hại chủ yếu tại 19 tỉnh, thành phố trong cả nước gồm: Tây Ninh, Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Long An, An Giang, TP Hồ Chí Minh… Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các tỉnh trồng sắn tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 5957/CT-BNN-BVTV của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh khảm lá vi-rút hại sắn.

* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2021, bệnh khảm lá sắn tiếp tục gây hại tại các địa phương: Phong Ðiền, A Lưới, Hương Trà với tổng diện tích nhiễm bệnh khoảng hơn 1.000 ha.

Trong đó, huyện Phong Ðiền hơn 588 ha, Hương Trà 405 ha, A Lưới 10 ha. Nguyên nhân chủ yếu do sử dụng nguồn giống bị nhiễm bệnh từ vụ trước để trồng.

* Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh vừa quyết định phân bổ 157 tỷ đồng để phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến nhằm tiết kiệm nước, từng bước đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong 5 năm tới. Theo đó, bình quân mỗi năm, các địa phương trong toàn tỉnh sẽ đầu tư kiên cố ít nhất 40 km hệ thống thủy lợi nội đồng; đến năm 2025, hệ thống kênh mương thủy lợi của toàn tỉnh kiên cố hóa khoảng 200 km.

* Năm 2021, huyện Tam Ðường (Lai Châu) dự kiến trồng 123 ha dong riềng, tăng gần 40 ha so với năm 2020, tập trung chủ yếu tại thị trấn Tam Ðường, các xã: Bình Lư, Nà Tăm và Sơn Bình. Ðến thời điểm này, người dân đã làm đất được 90% diện tích, trồng được hơn 15 ha dong riềng.

* Vụ đông xuân năm nay, huyện Văn Bàn (Lào Cai) triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với diện tích 5,2 ha, sử dụng giống lúa BC15 kháng đạo ôn. Mô hình được thực hiện tại các thôn Thái Hòa, Nà Lộc, Làng Chút (xã Hòa Mạc) với 42 hộ dân tham gia. Ðược biết, mô hình do UBND xã Hòa Mạc, Thủy điện Suối Chút và Viện Nông nghiệp hữu cơ Hà Nội phối hợp triển khai. Toàn bộ sản phẩm đã được ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp tại Hà Nội.

* Vụ đông xuân 2020 - 2021 tỉnh Cao Bằng phấn đấu gieo trồng 28.778,2 ha cây lương thực có hạt, 2.805,6 ha cây có củ, 7.640,2 ha cây công nghiệp ngắn ngày. Ðến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng hơn 27 nghìn ha cây trồng các loại. Trong đó, gieo trồng 21.383 ha ngô, đạt 85% kế hoạch; 3.125,5 ha thuốc lá, đạt 95% kế hoạch; 476,2 ha đỗ tương, đạt 70% kế hoạch; 124,72 ha khoai tây, đạt 103% kế hoạch...

* Tỉnh Lào Cai dự kiến gieo cấy hơn 10.000 ha lúa vụ đông xuân, tập trung chủ yếu tại các huyện vùng thấp như Văn Bàn (3.300 ha), Bảo Yên (2.600 ha), Bảo Thắng (1.700 ha), Bát Xát (1.000 ha). Vụ đông xuân năm nay bắt đầu muộn hơn so với cùng kỳ năm 2020, diện tích làm đất và cấy hiện mới chỉ đạt hơn 70%.

* Vụ đông xuân năm 2020 - 2021, tỉnh Ðiện Biên gieo cấy 9.667,9 ha lúa, tăng 146,4 ha so với cùng kỳ năm trước. Lúa trà sớm và trà chính vụ đang giai đoạn cuối đẻ nhánh; lúa trà muộn bắt đầu giai đoạn đẻ nhánh. Hiện nay, trên các trà lúa đã xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại. Các đối tượng gây hại trên các trà sớm và trà chính như: Bọ xít đen (diện tích nhiễm 102,4 ha) tại huyện Ðiện Biên, TP Ðiện Biên Phủ; ốc bươu vàng (diện tích nhiễm 102,7 ha) tại các huyện: Mường Ảng, Mường Chà, Mường Nhé, Tuần Giáo, Ðiện Biên Ðông…

* Năm nay, huyện Ðức Thọ (Hà Tĩnh) gieo cấy 6.492 ha lúa đông xuân, đạt 100% tổng diện tích. Hiện, nhiều diện tích lúa đã nhiễm bệnh đạo ôn, vết bệnh cấp 1 đến cấp 7. UBND huyện Ðức Thọ đã yêu cầu các địa phương, cán bộ chuyên môn, ban, ngành liên quan phát động toàn dân kiểm tra thăm đồng để phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời.

* Vụ đông xuân 2020 - 2021, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) gieo cấy hơn 10.200 ha lúa, đạt 100% kế hoạch. Hiện toàn huyện có 152 ha lúa bị bệnh đạo ôn lá. Tỷ lệ bệnh phổ biến từ 7 đến 10%, nơi cao 15 đến 20%, cục bộ có nơi 70 đến 80%. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy đang tích cực hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật phòng, trừ sâu bệnh.

* Từ đầu năm đến nay, hơn 237 ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng của tỉnh Trà Vinh bị thiệt hại, chiếm 9% diện tích thả nuôi toàn tỉnh. Phần lớn tôm chết chủ yếu ở giai đoạn 20 đến 40 ngày tuổi do bệnh đốm trắng, đỏ thân, hoại tử gan tụy cấp. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các hộ nuôi tôm hạn chế thả giống do thời tiết trong ngày hiện chưa ổn định, tôm nuôi dễ bị thiệt hại.

* Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa vừa phân bổ 1.234.800 liều vắc-xin cho sáu huyện nghèo của tỉnh, trong đó vắc-xin tụ huyết trùng trâu bò 81.000 liều; vắc-xin lở mồm long móng type O: 81.000 liều; vắc-xin dịch tả lợn 44.300 liều; vắc-xin tai xanh 12.500 liều; vắc-xin cúm gia cầm H5N1 1.016.000 liều. Ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị các đơn vị liên quan tiếp nhận, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vắc-xin được hỗ trợ theo đúng mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm công tác tiêm phòng hiệu quả, đúng tiến độ.

* Theo UBND huyện Thanh Hà (Hải Dương), năm nay huyện xây dựng 420 ha vải xuất khẩu, bao gồm 155,2 ha duy trì từ năm trước và mở rộng thêm 264,8 ha. Vải xuất khẩu được quy vùng ít nhất 5 ha/vùng, tập trung ở các xã Thanh Quang, Thanh Cường, Thanh Hồng, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Thanh Xá.

Giá hồ tiêu tăng mạnh

Khoảng vài tuần trở lại đây, mặt hàng hồ tiêu tại các tỉnh Ðông Nam Bộ liên tục tăng giá và lập mức cao kỷ lục. Tại Ðồng Nai, hiện giá tiêu thu mua tại vườn từ 70.000 đến 71.000 đồng/kg, tăng khoảng gần 20.000 đồng/kg so với đầu mùa thu hoạch và tăng 34.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu tăng lên 73.500 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước, giá tiêu giao dịch ở mức 72.500 đồng/kg. Nguyên nhân giá hồ tiêu tăng cao vì nguồn cung giảm mạnh. Dự báo với tình hình thị trường hiện nay, giá tiêu thời gian tới có thể tiếp tục tăng cao.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/bac-bo-mua-phun-va-suong-mu-nam-bo-duy-tri-nang-nong-dien-rong-638832/