Bác bỏ, làm thất bại mọi toan tính chống phá Đổi mới kinh tế của toàn Đảng

Đổi mới kinh tế và sự phát triển kinh tế nhanh, năng động của nền kinh tế là một trong những thành tựu nổi bật của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thế nhưng, đây cũng là lĩnh vực mà các thế lực thù địch, phản động tìm mọi cách để chống phá, nhất là trong dịp đang tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Sự phát triển kinh tế ngoài quốc doanh như kinh tế tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một thành công của Đổi mới kinh tế do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo

Sự phát triển kinh tế ngoài quốc doanh như kinh tế tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một thành công của Đổi mới kinh tế do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo

Mưu đồ sâu xa của sự chống phá Đổi mới kinh tế

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Không chỉ nhìn nhận, đánh giá lại nhiệm kỳ Đại hội vừa qua và thảo luận, xác định phương hướng cho nhiệm kỳ sắp tới, Đại hội XIII của Đảng còn nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021 - 2026, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (Kỷ niệm tròn 100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (Kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Đại hội lần thứ XIII của Đảng vì thế có nhiệm vụ hệ trọng là nhìn lại, đánh giá, tổng kết công cuộc Đổi mới suốt 35 năm qua, để từ đó xác định phương hướng trong tương lai trước mắt và lâu dài với tầm nhìn đến năm 2045 - năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Trong công cuộc Đổi mới của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, đổi mới về kinh tế là một lĩnh vực giữ vai trò rất quan trọng.

Cùng với Đổi mới chính trị, Đổi mới kinh tế là lĩnh vực luôn bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tập trung chống phá. Qua các phương tiện truyền thông thiếu thiện chí, thiếu thông tin, thù địch, đặc biệt là các trang mạng của các tổ chức, cá nhân phản động, bất mãn, cơ hội chính trị, chúng tấn công thẳng vào kết quả Đổi mới về kinh tế, phủ nhận các thành tựu to lớn mà đất nước chúng ta đạt được; đồng thời tấn công thẳng vào những vấn đề mang tính ý thức hệ, như phủ nhận quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Chúng “lớn tiếng” lặp đi lặp lại rằng, các nước tư bản chủ nghĩa không thừa nhận quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất nhưng vẫn phát triển, hay quy luật này chỉ đúng thời của Mác-Lênin, khi khoa học và công nghệ chưa phát triển, chứ ngày nay người lao động gắn bó với tư bản, có cổ phần trong các doanh nghiệp, không bị bóc lột như trước đây, được quan tâm nhiều đến lợi ích, chủ nghĩa tư bản đã có nhiều điều chỉnh, do đó không còn mâu thuẫn đối kháng giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản... Để rồi từ đó, chúng tự lộ mục đích của đòi hỏi khi cho rằng, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đã lỗi thời.

Một thành tựu Đổi mới kinh tế ấn tượng bị các thế lực thù địch, chống phá tìm cách phủ nhận, xuyên tạc là sự phát triển nhanh chóng cùng sự đóng góp của các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dù buộc phải thừa nhận chúng ta đã có những đổi mới về kinh tế, các thành phần kinh tế, song lại cho rằng đổi mới đó không căn bản, không thực chất, do vẫn giữ kinh tế Nhà nước có vị trí chủ đạo, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh vẫn bị phân biệt đối xử, tuy coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhưng kinh tế tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử…

Đổi mới kinh tế là một thành tựu lớn của Đảng và nhân dân ta, minh chứng bằng những thành tựu phát triển kinh tế to lớn mà chúng ta đã đạt được. Thế nên, chống phá Đổi mới kinh tế chính là nhằm chống phá thành quả cách mạng của đất nước, nhân dân ta dày công xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng; hòng thông qua đó để chống phá, gây mất ổn định, mất lòng tin, làm cho kinh tế - xã hội không phát triển dẫn tới rối loạn, khủng hoảng nhằm thực hiện âm mưu sâu xa của chúng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở đất nước ta.

Không ai có thể phủ nhận thành tựu phát triển kinh tế Việt Nam

Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động tìm cách nào chống phá Đổi mới kinh tế của nước ta đều không thể phủ nhận được những thành tựu vô cùng ấn tượng và to lớn mà chúng ta đã đạt được. Thực tế mặc nhiên đã phủ định hoàn toàn, đầy thuyết phục những luận điệu, xuyên tạc, bôi đen Đổi mới kinh tế của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.

Không ai có thể phủ nhận được thực tế từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, chúng ta hiện nay đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển. Diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; đồng thời, tạo ra nhu cầu và động lực phát triển cho tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân thật sự trở thành lực lượng quan trọng để thực hiện đường lối công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Về tăng trưởng kinh tế, trong suốt hơn 30 năm qua, kinh tế nước ta đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn thời kỳ trước Đổi mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức độ khá cao. Nhiều năm tốc độ tăng trưởng GDP dao động 6,8%. Những năm khó khăn do chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và khủng hoảng nợ công trên thế giới 2010, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011 - 2015 của Việt Nam tuy có chậm lại nhưng vẫn đạt 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới.

Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng GDP cả nước đạt bình quân 5,9%/năm, giai đoạn 2016-2019 tăng trưởng đạt 6,8%/năm, năm 2020 do dịch bệnh Covid-19 tốc độ tăng trưởng ước đạt trên 2%, bình quân giai đoạn

2016-2020 đạt khoảng 5,9%/năm. Quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần, từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 268,4 tỷ USD vào năm 2020. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 2.750 USD năm 2020, tức gấp hơn 2 lần.

Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Tăng trưởng kinh tế giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, mở rộng tín dụng; từng bước dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 45,2% giai đoạn 2016 -2020, tính chung 10 năm 2011 - 2020 đạt 39,0%, vượt mục tiêu Chiến lược đề ra (35%).

Các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh như kinh tế tư nhân, FDI đang ngày càng phát triển, có vị trí xứng đáng và có những đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Những thành tựu Đổi mới kinh tế không phủ nhận đó chính là sự bác bỏ mạnh mẽ và làm thất bại mọi toan tính, mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch, phản động, nhất là trong bối cảnh chúng ta đã chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Hoàng Hà

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bac-bo-lam-that-bai-moi-toan-tinh-chong-pha-doi-moi-kinh-te-cua-toan-dang-post451550.antd