Bác Bảy anh hùng

Về xã Hòa Thành, Lai Vung, Đồng Tháp, hỏi nhà bác Bảy, bà con thường hỏi lại 'Phải tìm nhà Bảy anh hùng không'. Vâng, đó chính là Đại tá không quân, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Nguyễn Văn Bảy.

Bác Bảy nông dân ngày nay. Ảnh: Hữu Danh

Những kỷ niệm sâu sắc với Bác Hồ

Những năm đầu của thập kỉ 1990, về nghỉ hưu, ngày ngày ông thường đạp xe ngang qua trường tôi dạy mà chúng tôi không hề biết đó chính là người từng điều khiển chiếc máy bay MIC 17 được trưng bày ở Công viên Chiến Thắng của thành phố, sau chuyển về Bảo tàng tỉnh để kỉ niệm thành tích bắn hạ máy bay Mỹ bảo vệ bầu trời miền Bắc.

Là thầy giáo dạy sử, ngày nọ tôi được phân công mời ông về nói chuyện với thầy cô và toàn thể học sinh của trường. Hồi ấy, nhà ông ở cách trường tôi chỉ vài trăm mét. Khi đến nhà, tôi mới ngớ ra ngạc nhiên vì người này tôi đã gặp nhiều lần trên đường. Trái với suy nghĩ của tôi, vị Anh hùng LLVT lừng lẫy không khoác vẻ oai vệ, nghiêm túc mà là một người dễ gần, có dáng dấp một nông dân.

Ngày ông đến trường, bằng phong cách giản dị, giọng nói chân tình, ông đã chinh phục cảm tình của thầy trò chúng tôi. Ông mặc bộ quân phục của không quân Việt Nam, đầu đội mũ kê-pi nhưng trên ngực áo không hề cài một chiếc huy chương nào. Rất chân tình, ông căn dặn các em học sinh phải nỗ lực học tập, nên biết việc ông học cấp tốc văn hóa để trở thành phi công trong một thời gian ngắn là do tình hình khẩn cấp của chiến tranh thời bấy giờ mà thôi. Ngày nay, chỉ có cách học thật giỏi mới làm chủ khoa học kỹ thuật, góp phần bảo vệ tổ quốc.

Phi công Nguyễn Văn Bảy thời chống Mỹ (Ảnh tư liệu)

Phi công Nguyễn Văn Bảy thời chống Mỹ (Ảnh tư liệu)

Ông nói về niềm xúc động của mình khi gặp Bác Hồ lần đầu ông nghe Bác nói: “Bác biết cháu Bảy quê Sa Đéc mà”. Khi được tuyên dương Anh hùng LLVT, được cận kề Bác, ông không nói nên lời. Những lần được Bác thưởng huy hiệu về thành tích chiến đấu, ông không bao giờ quên. Ông kể, lúc ấy miền Bắc khó khăn rất nhiều nhưng Bác luôn căn dặn phải dành ưu tiên về vật chất, tinh thần cho bộ đội không quân, nhất là các chiến sĩ quê miền Nam như Nguyễn Văn Bảy.

Nhưng ký ức sâu đậm của ông là ngày Bác mất, ông vinh dự được ba lượt đứng hộ tang bên linh cữu Bác. Những cá nhân có thành tích xuất sắc nhất ở miền Bắc trong lao động sản xuất và chiến đấu cũng chỉ được đứng giữ yên cho giấc ngủ ngàn thu của Bác một lần. Ông kể, lúc ấy đau lòng lắm mà phải nén lại không cho nước mắt trào ra để giữ sự trang nghiêm của lễ tang. Sau đó, ông còn được chọn dẫn đầu biên đội máy bay bay chào tiễn đưa Bác trên quảng trường Ba Đình lịch sử.

Lần đến trường năm sau, ông cũng hào hứng khi kể cho thầy trò chúng tôi nghe về những cuộc hội ngộ với những phi công Mỹ từng bị bắn hạ trong chiến tranh sau ngày Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ. Những phi công Mỹ ấy rất thán phục phi công Việt Nam, trong đó có ông, vì lòng dũng cảm, óc thông minh, sáng tạo trong chiến đấu. Ông cho biết mình đã nhận được nhiều lần lời mời sang thăm nước Mỹ nhưng ông từ chối. Với nụ cười thật đậm chất nông dân, ông giải thích rằng ông không quen với khí hậu và thức ăn phương Tây. Hơn nữa, ông chỉ quen với các cuộc gặp gỡ trong đời thường không nặng tính chất nghi lễ ngoại giao. (Tuy vậy, “nể người ta quá”, cuối năm 2017, ông cũng đã có chuyến thăm).

Ông từng làm cơm mời cựu phi công Mỹ bị ông bắn rơi trong chiến tranh tại nhà mình như một cách khép lại quá khứ để hướng tới tương lai, nhưng ông vẫn nói với thầy trò chúng tôi: “Nhà trường giáo dục các em lòng yêu hòa bình nhưng quá khứ là không thể lãng quên. Tôi được phong anh hùng nhưng tôi không bao giờ quên đồng đội, đồng bào đã hy sinh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà”.

Người anh hùng giữa đời thường

Khi thầy trò chúng tôi đặt câu hỏi, về lại đời thường, người anh hùng như ông có gặp khó khăn gì không, ông trả lời ngay, cũng chẳng có khó khăn gì. Ông xuất thân là con nhà nông nay về lại với ruộng đồng, lòng thấy rất thanh thản. Việc đào ao, nuôi cá vẫn là niềm vui của ông. Điều đặc biệt là suốt thời gian về nghỉ hưu này, ông vẫn đạp xe đi thăm anh em, bà con, chăm sóc ruộng đồng bằng chiếc xe đạp cũ chứ không hề đi xe máy.

Vì vậy rất nhiều người không hề biết được ông già dáng người thanh mảnh ngày nào cũng mấy lượt qua lại trên đường, khi rước cháu đi học, khi đi chợ mua ít vật dụng cho gia đình, chính là người anh hùng nổi tiếng một thời. Là người sống tình nghĩa, ông luôn có mặt những khi hàng xóm có chuyện vui buồn, như người thân trong gia đình. Bà con lối xóm như đã quên mất ông từng mang hàm đại tá mà chỉ còn nói gọn “Bảy anh hùng”. Điều này làm ông thích thú cười khà mỗi khi chúng tôi nhắc đến, như là phần thưởng của quê hương đối với ông.

Ông băn khoăn cho rằng, việc giáo dục truyền thống trong học sinh cần xuyên suốt quá trình học tập của các em. Mời các anh hùng, người hoạt động cách mạng lão thành tại địa phương đến giao lưu là cần thiết nhưng cần chú ý đổi mới cách làm vì chỉ nghe nói chuyện không thì chưa đủ, chưa thấm, nhất là một năm chỉ đôi lần. Các em hiện được sinh ra và lớn lên trong thời bình nên cần giáo dục ý thức bảo vệ tổ quốc, chủ quyền biển đảo, nhớ ơn và có hành động thiết thực với gia đình bộ đội, thương binh.

Năm nay, “Bác Bảy anh hùng” đã vượt quá 80 tuổi, và vẫn vui - như ông thường nói. Người anh hùng ngày nào bây giờ là một nông dân sản xuất giỏi ở quê hương. Chưa bao giờ ông từ chối một lời mời nào để đến gặp lớp chiến sĩ trẻ hay các em học sinh ở các trường tại địa phương với lòng mong muốn truyền lửa cho thế hệ sau. Ông vẫn là “Bảy anh hùng” của mọi người và vẫn hăng hái kể chuyện chiến đấu cho cho học sinh nghe như lần đầu tôi mời ông đến trường cách đây 20 năm.

Nguyễn Hữu Nhân

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/bac-bay-anh-hung-3999968-b.html