Ba vụ án tham nhũng chấn động nước Mỹ

Cựu Thống đốc bang Illinois vào tù. Cảnh sát trưởng quận Cam (California) và cựu Cảnh sát trưởng New York bị tố cáo. Nước Mỹ đang xôn xao về chuyện quan tham.

Cựu thống đốc vào tù

Ngày 6.11.2007, Thẩm phán Tối cao pháp viện Mỹ John Paul Stevens đã bác đơn xin tiếp tục tại ngoại của cựu Thống đốc bang Illinois George Ryan. Theo án lệnh, ông Ryan, 73 tuổi, phải trình diện nhà tù liên bang ngày 7.11 để thụ án tù giam 6 năm rưỡi về tội tham nhũng.

Là thành viên đảng Cộng hòa, ông Ryan làm Thống đốc Illinois từ 1999 đến 2003 và nổi tiếng không những khắp nước Mỹ mà cả thế giới khi ra lệnh hoãn án tử hình ở tiểu bang Illinois vào năm 2000 sau khi chứng kiến một số tử tù chết oan. Tháng 1.2003, trước khi mãn nhiệm, Ryan đã làm “sửng sốt cả thế giới” khi tha tội chết cho hơn 160 tử tù, chuyển hết sang án chung thân. Việc chủ xướng bỏ án tử hình khiến ông từng được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2005.

Từng tham chiến ở bán đảo Triều Tiên, sau khi xuất ngũ, Ryan trở thành một chính khách thành công. Ông từng phục vụ 10 năm ở Hạ viện bang Illinois trong cương vị thủ lĩnh phe thiểu số, rồi Chủ tịch Hạ viện, sau đó làm Phó thống đốc rồi phụ trách ngoại vụ Illinois từ 1991 đến 1999. Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của ông phút chốc tan biến do những cáo buộc về tham nhũng, hối lộ và gian lận, khiến ông không dám ra tái tranh cử thống đốc khi mãn nhiệm năm 2003.

Sự việc bắt nguồn từ một tai nạn giao thông thảm khốc ở Wisconsin hồi năm 1994. Một mảnh đèn sau của một chiếc xe tải rơi ra và chiếc xe cứ kéo như thế trên xa lộ Milwaukee. Sau đó, một chiếc xe khác cán lên và sự va quệt vào bình xăng khiến nó bốc cháy. Sáu đứa trẻ trên xe chết cháy, cha mẹ các cháu bị phỏng nặng. Điều đáng nói là một số tài xế chạy cùng chiều trên xa lộ đã cảnh báo cho người lái chiếc xe tải về mối nguy hiểm nhưng ông này chẳng hiểu tiếng Anh. Luật pháp liên bang Mỹ đòi hỏi lái xe tải phải nói và đọc được tiếng Anh mới được thi bằng lái nhưng các cuộc điều tra nội bộ tiến hành sau đó cho thấy viên tài xế xe tải gây tai nạn là người không biết tiếng Anh và đã nhận bằng lái bằng cách hối lộ thông qua văn phòng ngoại vụ do ông Ryan đứng đầu. Chính ông Ryan chủ xướng dùng văn phòng ngoại vụ để huy động tiền cho cuộc vận động tranh cử trong tương lai của mình. Và vì vậy, việc đầu tiên là Ryan chặn đứng cuộc điều tra bằng cách thủ tiêu chứng cứ và đuổi việc các nhân viên điều tra của tiểu bang.

Bốn năm sau tai nạn nói trên, mọi việc tưởng chừng đi vào quên lãng. Nhưng khi ông Ryan đang vận động tranh cử chức Thống đốc Illinois thì các công tố viên liên bang khui lại vụ án. Họ bắt đầu truy tố những nhân viên thuộc quyền Ryan đã bán bằng lái xe để thu tiền nhập vào quỹ tranh cử. Ryan một mực nói là ông chẳng hề hay biết gì về tình trạng hối lộ, mua bán. Tháng 10.1998, công tố viên liên bang Scott Lassar tuyên bố ông Ryan không phải là đối tượng điều tra trong thời điểm đó nên cử tri Illinois đã bầu ông làm thống đốc.

Mặc dù được công nhận là làm được nhiều việc cho Illinois trong nhiệm kỳ thống đốc 4 năm, ông Ryan vẫn bị nghi ngờ. Cuộc điều tra được mở rộng và kéo dài khi Ryan đã nắm ghế thống đốc và các nhân viên điều tra liên bang phát hiện thêm nhiều vụ khác. Tháng 12.2003, Ryan và một người vận động hành lang tên Warner bị buộc 22 tội danh, trong đó có gian lận, hối lộ, tống tiền, rửa tiền và khai man thuế. Ông Ryan đã có hành động sai trái khi chuyển những hợp đồng béo bở của tiểu bang cho Warner và những bạn bè, người thân khác. Ông bị cáo giác chi xài vô tội vạ tiền của, nhân lực của tiểu bang trong chiến dịch tranh cử, nhận tiền, quà, các “khoản vay” khi ở ngôi vị cao nhất trong tiểu bang, cũng như việc ngăn chặn cuộc điều tra cấp tiểu bang liên quan đến việc hối lộ để lấy bằng lái xe. Cuối năm 2005, vụ việc được đưa ra xét xử và tòa đã có phán quyết vào tháng 4.2006.

“Xui” cho Ryan là Fawell, cánh tay phải và là người chủ chốt trong chiến dịch vận động tranh cử thống đốc, đã ra làm chứng trước tòa chống lại “sếp cũ” nhằm được giảm nhẹ hình phạt cho mình và người vợ sắp cưới. Fawell đã thừa nhận việc chi cho mẹ, em nuôi, các con và rể... của Ryan dù những người này chẳng hề đảm nhận công việc nào trong chiến dịch tranh cử.

Giờ đây, đối với những tử tù từng được giảm án ở Illinois, Ryan là ân nhân. Với người chống đối án tử hình trên thế giới, ông được xem là người chính trực, đáng kính phục. Nhưng với hệ thống trại tù liên bang Mỹ, Ryan là một “tân binh”.

“Bộ trưởng hụt” bê bối

Bernard Kerik, nguyên Chỉ huy trưởng cảnh sát New York (thời ông Rudy Giuliani làm thị trưởng), đã phải ra hầu tòa ngày 9.11 về tội tham nhũng. Vụ án có thể gây khó khăn cho ông Giuliani, người đang nuôi tham vọng kế nhiệm Tổng thống George W.Bush, vì Kerik từng là thuộc cấp thân cận, là bạn của Giuliani trong một thời gian dài. Dù không nhận tội nhưng Kerik đã phải đóng tiền thế chân lên đến 500.000 USD để tại ngoại.

Tổng thống Bush từng đề cử ông Bernard Kerik vào ghế Bộ trưởng An ninh nội địa - Ảnh: Reuters

Ông Kerik, 52 tuổi, từng là thám tử trước khi tìm cách trở thành người thân cận của Giuliani với nhiệm vụ tài xế đưa đón, rồi dần dà chiếm được lòng tin của Giuliani để được bổ nhiệm lần lượt làm Giám đốc các nhà giam New York rồi Chỉ huy trưởng cảnh sát New York. Năm 2004, Tổng thống George W.Bush đề cử Kerik vào chức Bộ trưởng An ninh nội địa theo sự tiến cử của Giuliani. Tuy nhiên, khi việc cứu xét đang được tiến hành thì ông Kerik xin rút tên do những tin tức tiết lộ về việc ông trốn thuế và nhận tiền “lót tay”.

Theo cáo trạng của phía công tố, ông Kerik bị buộc tội đã nhận khoản tiền lớn để tân trang căn hộ. Khoản tiền lên tới 255.000 USD này do một công ty bị nghi ngờ là có quan hệ với các tổ chức tội phạm cung cấp. Ông Kerik cũng bị cáo giác là dùng quyền lực để giúp cho công ty đó nhận được những hợp đồng xây dựng tại thành phố New York. Kerik cũng bị buộc tội trốn thuế.

Đến lượt Cảnh sát trưởng quận Cam

Ngày 6.11, Cảnh sát trưởng quận Cam (California) Michael S.Carona đã ra thông cáo báo chí cho biết ông “sẽ nghỉ 60 ngày kể từ 9.11 để đối phó với cáo trạng” mà ông cho là “không có cơ sở” do Tòa án liên bang công bố trước đó 1 tuần.

Ông Carona bị cáo buộc 7 tội danh, trong đó có tham nhũng và lạm quyền khi lợi dụng quyền lực của mình để đưa “phe ta” vào những chức vụ then chốt trong sở cảnh sát và đồng lõa nhận tiền, quà hối lộ của một số doanh nhân quận Cam và các nơi khác lên tới 700.000 USD. Cùng bị buộc tội chung với vị cảnh sát trưởng còn có phu nhân của ông, bà Deborah Carona và nữ trạng sư Hoffman, người được xem là tình nhân của ông.

Một trong những tội trạng mà phía công tố liên bang đưa ra là việc ông Carona sử dụng sở cảnh sát để nhận hối lộ trong nhiều năm mà trường hợp điển hình là việc “mua quan bán chức” với Donald Haidl, một người mua bán xe hơi giàu có. Haidl trả “khoản tiền 1.000 USD hằng tháng” cùng đóng góp tiền vận động, các khoản vay, quà biếu, một chiếc du thuyền, các chuyến đi bằng phi cơ riêng và một kỳ nghỉ thuộc loại xa xỉ cho Carona. Các nhân viên điều tra FBI nói rằng những khoản đút lót của Haidl lên tới 350.000 USD và đổi lại, Haidl được bổ nhiệm làm phụ tá cảnh sát trưởng cũng như nhận được nhiều “đặc ân” cho con trai của mình là Gregory S.Haidl, một nhân vật thuộc băng nhóm hiếp dâm đang thụ án tù ở nhà tù quận Cam. Ông Carona hiện đang được tại ngoại với khoản tiền thế chân 20.000 USD và nếu bị tòa kết tội, ông có thể sẽ phải nhận bản án tới 105 năm tù giam.

Vụ ông Carona bị đưa ra tòa gây xôn xao trong cộng đồng người Việt ở quận Cam. Lâu nay, ông là một cảnh sát trưởng đầy quyền lực mà những thông tin trên báo đài cho thấy nhân viên thuộc quyền của ông từng còng tay biết bao nhiêu tên tội phạm. Nay lại tới phiên ông bị còng tay. Cảnh sát trưởng Carona rất quen thuộc với cộng đồng người Việt ở đây, nhất là trong mùa tranh cử vừa qua, khi luật sư Michael Schroeder của Carona là cố vấn cho phe nhóm của dân biểu Trần Thái Văn và hỗ trợ đắc lực cho Nguyễn Quang Trung khi tranh cử vào chức vụ Giám sát viên quận Cam (ông Trung đã thất cử khi thua Janet Nguyen chỉ 3 phiếu bầu).

Là sếp của khoảng 4.000 nhân viên với ngân sách hằng năm tới 700 triệu USD, Carona được xem là người quyền lực nhất trong lực lượng thực thi pháp luật quận Cam mà bất cứ ai ở địa phương cũng muốn kết thân. Carona

là bạn thân của Thống đốc bang California, Arnold Schwarzenegger - vốn từng có lần công khai ý định chọn Carona làm phó thống đốc. Ông Carona cũng đã được Tổng thống Bush bổ nhiệm vào Hội đồng Cố vấn an ninh quốc gia. Nhà báo nổi tiếng của Đài CNN Larry King từng phong tặng Carona danh hiệu “Cảnh sát trưởng nước Mỹ” (America’s Sheriff) còn các đài truyền hình địa phương thì không tiếc lời ngợi khen ông.

T.L

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/ba-vu-an-tham-nhung-chan-dong-nuoc-my-113361.html