Ba Vì có Cổng Ma Rốc độc đáo

Cổng Ma Rốc và câu chuyện lịch sử của nó là 'độc nhất vô nhị', chỉ có ở Việt Nam.

Tôi càng thấy thấm thía điều đó khi được biết và tìm hiểu về Cổng Ma Rốc khi tham dự Lễ Khánh thành Cổng vào ngày 10/11 vừa qua sau một thời gian tu tạo lại. Đằng sau chiếc cổng chào đậm nét kiến trúc Ma Rốc cổ, nhuốm màu thời gian là những câu chuyện về tình người, tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Ký ức những hàng binh

Trong chiến tranh kháng chiến chống Pháp, khoảng 50 nghìn lính Bắc Phi đã tham chiến ở Việt Nam trong Binh đoàn Lê dương của Pháp. Cuối những năm 1940, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ma Rốc đã cử ông M’hamed Ben Aomar (tức anh Mã) – một chiến sĩ cộng sản đầy nhiệt huyết sang công tác tại Việt Nam để tập hợp các hàng binh và lính đào ngũ gia nhập lực lượng Việt Minh. Nhờ sự hỗ trợ từ phía Ma Rốc, năm 1953, một số binh lính Ma Rốc (do bị bắt, hoặc tự nguyện) đã theo Việt Minh để chống lại thực dân Pháp.

Lễ khánh thành Công trình tu bổ tôn tạo cổng Ma Rốc.

Sau năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập Nông trường Việt Phi tại Ba Vì, Hà Nội, tiếp nhận hơn 300 hàng binh Bắc Phi và hơn 100 công nhân Việt Nam để khai hoang, nuôi bò sữa, trồng trọt. Trong số các hàng binh, nhiều người đã lấy vợ Việt Nam. Năm 1963, các hàng binh đã quyết định xây dựng một số công trình, trong đó có cổng Ma Rốc để nhớ về quê hương. Năm 1972, chính quyền Ma Rốc hồi hương số hàng binh trên. Qua nhiều thế kỷ, hầu hết các công trình được các hàng binh xây dựng đều bị phá hủy, chỉ còn Cổng Ma Rốc còn nguyên vẹn nằm trên đất của gia đình ông Trần Văn Thành tại Ba Vì, Hà Nội. Thời gian gần đây, dưới sự phối hợp của Đại sứ quán Ma Rốc, Cổng Ma Rốc đã được chính quyền Hà Nội tiến hành tu bổ, tôn tạo.

Khi hàng binh Ma Rốc rời đi năm 1972, vẫn còn 3 gia đình con cháu hàng binh bị mắc kẹt ở lại do không chứng minh được nguồn gốc Ma Rốc (có bố là hàng binh đã chết trước năm 1972). Hiện Đại sứ quán Ma Rốc tại Hà Nội đang hỗ trợ các gia đình này xin quốc tịch Ma Rốc để hồi hương theo nguyện vọng. Tháng 2/2014, hãng thông tấn Aljazeera đã có phóng sự mang tên “40 năm cô đơn” kể về 3 gia đình con cháu hàng binh Ma Rốc hiện sống tại huyện Đoan Hùng, Phú Thọ và những góa phụ người Việt của hàng binh hiện đang sinh sống tại Ma Rốc.

Cổng Ma Rốc.

Ánh sáng từ Linh Quang Môn

Trước đó, cổng Ma Rốc còn có tên gọi khác là cổng Việt – Phi, cửa Vĩnh Hằng hay cửa Bất tử. Đến năm 1969, một nữ giáo sư Đại học Văn khoa Paris đến thăm cổng Ma Rốc và nhận thấy đây là một biểu tượng đầy tính nhân văn. Bà đã đề nghị Hòa thượng Thích Chơn Thiện, bấy giờ là Đại biểu Quốc hội, đặt tên cho chiếc cổng này. Cái tên Linh Quang Môn ra đời từ đó với ý nghĩa là nhân loại rộng lớn nhưng có mẫu số chung là tình người và cho dù trong hoàn cảnh khốn khó nào, điểm linh quang vẫn có thể phát sáng dẫn dắt con người ra khỏi mê tối, hướng thiện.

Tháng 3/2006, trong cuộc họp của Tổ chức tập hợp tư duy Liên hợp quốc - CRN tại New York, cái tên Linh Quang Môn xuất hiện qua thông báo được in bằng nhiều thứ tiếng, bao gồm tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Ả-rập và tiếng Việt để phát cho tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ của Liên hợp quốc.

Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11/2008, Thủ tướng Ma Rốc Abaddi Nejaned đã đến thăm Cổng Ma Rốc. Bên cạnh chiếc cổng chào, Đại sứ quán Ma Rốc đã cho dựng một tấm bia ghi lại lịch sử của di sản này với lời kết: “Cánh cổng này đã nhiều năm chống chọi lại với sự tàn phá của thời gian, là tài sản chung, biểu tượng cho tình đoàn kết giữa con người với con người”. Theo Đại sứ, Cổng Ma Rốc cũng như ý nghĩa của nó là “độc nhất vô nhị”, chỉ có ở Việt Nam, qua đó cho thấy tình hữu nghị, gắn bó giữa con người của hai dân tộc.

Hiện nay, giao lưu văn hóa cũng là một mảng quan trọng trong hợp tác hai nước với những điểm nhấn nổi bật trong năm 2017 như việc thành lập Hội Hữu nghị Ma Rốc – Việt Nam tại Ma Rốc, ngày Châu Phi lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, và đặc biệt là Hội thảo quốc tế chủ đề “Chia sẻ ký ức lịch sử giữa Ma Rốc và Việt Nam”, một sáng kiến thiết thực của Đại sứ quán Ma Rốc tại Việt Nam.

Trong năm 2018, Đại sứ quán Ma Rốc cũng nỗ lực tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị song phương, thông qua việc tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa, nghệ thuật như hoạt động lưu diễn của ban nhạc Jazz Ma Rốc tại Festival Huế; sự kiện Ngày Châu Phi 2018,… Hai bên đang hướng tới việc thành lập Hội hữu nghị Việt Nam – Ma Rốc tại Việt Nam để các hoạt động đối ngoại nhân dân được triển khai một cách hiệu quả, có hệ thống hơn.

Hằng Dung

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/ba-vi-co-cong-ma-roc-doc-dao-82133.html