Ba và những câu chuyện không tuổi

Ngày ngày kể chuyện tôi nghe, ba như người gieo hạt - những hạt giống văn chương quý giá làm thay đổi cuộc đời tôi

Mẹ hay ước giá như sinh tôi trễ 2 năm. Trễ hơn 2 năm, nghĩa là tôi sẽ sinh vào năm 1986, thoát được thời kỳ bao cấp. Lúc đó, thuốc men đã bớt khan hiếm hơn; trẻ nhỏ trong xóm đứa nào cũng được chích ngừa đầy đủ. Đâu lo bệnh...

Ươm mầm văn chương trên "vương quốc ván"

Ngày nhỏ, lúc ngắm hai bàn tay không giống nhau vì sốt bại liệt của mình, cũng có lần nghĩ như mẹ, tôi tự hỏi: Phải chăng nếu ra đời khi đất nước đỡ khó khăn, số phận tôi sẽ đổi khác không?

Lúc ấy, tôi lại nghĩ tới ba. Ba từng nói không ai chọn được số phận. Như ba, trong những năm trước 1975, vừa mất cha vừa thất lạc người thân, cứ tưởng sẽ như bao thanh niên trong xóm mất mạng vì chiến tranh thì may mắn sao, đất nước giải phóng. "Không hết bom đạn, hết bắn giết, chắc gì ba còn, để gặp mẹ mày, rồi có mày!" - ba cười nói.

Tôi lớn lên nhờ nụ cười ấy. Vì so với tuổi thơ của ba, tôi đâu đã gọi là thiệt thòi. Tôi sinh ra trong thanh bình, chưa một lần nghe tiếng đạn bom. Tôi có đủ cả ba lẫn mẹ luôn bên cạnh yêu thương, bảo bọc.

Di chứng sốt bại liệt lấy mất của tôi hoàn toàn tay phải và nửa cánh tay trái. Nhiều người lớn ngày ấy gặp tôi toàn ngậm ngùi hỏi: "Con bị chất độc da cam đúng không?". Như vậy mới thấy vết thương chiến tranh vẫn ám ảnh tâm trí người xung quanh tôi, dù đã nhiều năm qua.

Khi tôi 5 tuổi, mẹ bắt đầu dạy tôi tập viết bằng nửa cánh tay còn lại. Cũng trầy trật, cũng nhiều khóc lóc như bao đứa trẻ học những nét chữ đầu tiên. Sau mỗi buổi học, phần thưởng tôi thích nhất là được bám theo ba đòi kể chuyện.

Ba tôi kể chuyện siêu hay. Ông có tài hô biến những câu chuyện tôi đã nghe trăm lần vẫn luôn đầy hấp dẫn, luôn muốn được nghe lại.

Năm đó, xí nghiệp khai hoang ba công tác cũng giải thể. Kho tàng những câu chuyện cho tôi ngoài cổ tích, ngụ ngôn, đồng thoại, bổ sung thêm là vô vàn chuyện kể, kỷ niệm về vùng rừng núi Tây Nguyên nơi ba cùng đồng nghiệp san rừng, vỡ đất. Ba đặt tên cho chúng là: "Chuyện lái máy ủi". Tôi nhớ mình đã sợ xanh mặt lúc ba kể về cô công nhân giữ mía bị hổ rinh đi đâu mất, thót tim khi nghe chuyện voi dữ tấn công xuống lán trại ba nằm, rồi bắt ba kể đi kể lại đến thuộc lòng chuyện dùng máy ủi bắt trăn.

Ba là người kể chuyện rất có quy tắc. Trong ngày, kho tàng chuyện kể chỉ mở cửa cho tôi đúng 2 lần: giữa trưa và đầu tối, cũng là giờ tôi sửa soạn đi ngủ. Giờ ngủ, vì vậy, trở thành thời gian tôi mong đợi nhất trong ngày.

Những năm đó, gia đình tôi còn ở nhờ nhà ngoại. Ngoại có tấm ván gỗ mun đen bóng kê bên cửa sổ. Mặt ván giữa trời hè đổ lửa vẫn mát rượi nên tôi được ưu tiên độc chiếm. Chồng mấy cái gối, tôi xây riêng cho mình hẳn một vương quốc. Dù vậy, ngày nào tôi cũng ráng mời cho bằng được vị khách là ba đến thăm. Trên "vương quốc ván", vị khách sẽ vừa xoa lưng vừa mang tặng tôi món quà là một câu chuyện nào đó. Vị khách còn có một cây quạt thần biết đọc suy nghĩ, những lúc tôi nóng hay muỗi cắn, chưa cần kêu, quạt đã vang lên xành xạch, xành xạch. Tôi cứ thế thiu thỉu ngủ, có quạt mát từ tay ba, có cả những câu chuyện chạy chơi cùng tôi trong giấc mơ.

Học trò của tôi xúm xít quanh ba nghe kể chuyện

Học trò của tôi xúm xít quanh ba nghe kể chuyện

Nếu chuyện về tuổi thơ của ba giúp tôi thôi đặt câu hỏi về đôi tay không được ban phúc lành thì những câu chuyện ba tặng trước mỗi giờ ngủ lại cho tôi những người bạn. Từ một đứa trẻ rụt rè, ưa buồn, tôi cười nhiều hơn, nói năng liến thoắng hơn. Từ một đứa nhiều sợ hãi, dù cứ đi ba bước lại vấp té, tôi vẫn muốn được đi học, được ra đường chạy chơi với tụi bạn trong xóm.

Ngày được đến trường, tôi mừng đến nỗi... té một cú chảy máu đầu gối, dập cái cằm lúc ra về. Hai tay không có sức, như con vịt con mất cánh, tôi hay mất thăng bằng. Mỗi lần té, toàn dùng mặt, rồi cằm làm chỗ chống.

Mẹ xót tôi, nhất quyết đòi cho nghỉ học. Ba chỉ cười, hỏi gọn: "Rồi mẹ nó đi theo con, đỡ nó dậy cả đời được không?".

Câu nói đơn giản của ba đã cứu được cả sự nghiệp học hành của tôi. Đứa trẻ 6 tuổi tôi từ lúc đó đã quyết tâm sẽ không té nữa. Có té, tôi sẽ ráng không khóc, không để mẹ lo. Ba không khuyên tôi lời nào. Nhưng bài học tự lập, dũng cảm đối mặt đầu tiên tôi học được đều nhờ ba.

Không biết nhờ quyết tâm hay nhờ dần lớn, cứng cáp hơn, từ ngày đi học tôi ít té hẳn. Lúc này, những câu chuyện ba kể cũng thưa bớt. Từ người khai hoang, chinh phục bạt ngàn đất rừng, ba thành người trồng nho trên đám rẫy con con. Bận bịu phân thuốc, phấp phỏng trông mưa nắng rồi buồn vui theo vẻ mặt thương lái... Những vất vả của nghề nông giữ chặt ba tôi trên rẫy. Ba ít có thời gian kể chuyện tôi nghe. Có kể, những câu chuyện cũng hay đứt khúc nửa chừng. Bởi đang kể, ba hay mệt mỏi thiếp đi, ngủ trước cả tôi. Những lúc ấy, chưa cần mẹ ra hiệu, tôi đã biết len lén trèo xuống, chạy qua nằm với mẹ, nhường "vương quốc ván" mát rượi cho ba ngủ thẳng giấc.

Thương ba, cũng thương những câu chuyện chưa biết kết thúc, tôi hay nghĩ ra diễn biến tiếp theo cho chúng. Tôi càng nghĩ càng thấy say sưa, trong đầu tự nhiên chui ra lớp lớp ý tưởng, diễn biến nữa. Tôi không biết lúc đó, hạt giống văn chương trong tôi đã nảy nầm.

Chính ba, chính những câu chuyện ngày ngày ba kể đã gieo hạt mầm văn chương trong tôi. Tôi bắt đầu mê đọc sách rồi tập tành viết những dòng văn học. Thế giới của đứa nhỏ quanh năm bệnh, quanh năm vấp té cứ thế rộng dần.

So với các chú, bác tôi, ba có thể chưa là người trồng nho giỏi. Nhưng trên mảnh đất cọc còi, ốm yếu là tôi, ba đã trồng thành công một con người. Bây giờ, tôi được gọi là cô giáo. Tôi có một lớp học nhỏ trước sân nhà. Học trò đầu tiên là những đứa em trong họ, rồi tụi nhỏ chung xóm.

Tôi còn biết viết văn. Bất kể sáng tác nào tôi viết, dù ngắn hay dài, hay hay dở đều luôn có một độc giả trung thành chờ đón: ba tôi. Ba đọc văn của tôi ngay từ những ngày đầu chập chững, dõi theo từng dòng văn giúp tôi bay lên. Nhiều lúc, tôi ngạc nhiên khi ba nhớ các chi tiết, tình huống trong truyện tôi hơn cả chính tác giả.

Tôi sẽ thay ba thành người kể chuyện

Giờ, ba vẫn là người kể chuyện, sau hơn 30 năm. Có điều, lẵng nhẵng bám đuôi, năn nỉ ba kể chuyện không chỉ có một đứa nhóc như tôi của hơn 30 năm trước. Người nghe kể chuyện của ba phải đến cả trăm. Bao nhiêu lứa học trò tôi dạy là bấy nhiêu "thính giả" của ba hết.

Chỉ cần ba bước ra lớp, dù đang chơi hay đang học, lũ nhỏ cũng nhao nhao om sòm: "Ông kể chuyện đi, ông!", "Ông ơi, kể chuyện...".

Cũng những câu chuyện từng đêm ngày làm bạn cùng tôi, giờ đến lượt các học trò tôi tròn mắt, xuýt xoa, nghe say mê. Thời buổi công nghệ, thừa mứa món giải trí; thời các nhà văn, người làm sách thở than văn hóa đọc của đám đông; những câu chuyện ba tôi kể, thật lạ, vẫn còn nguyên xi sức hút với đám nhỏ.

Tôi hay lén ngắm ba, ông già tóc bạc ngồi giữa bầy trẻ mắt trong veo. Say sưa kể chuyện, ba cũng như đang trẻ lại, như dắt theo tôi cùng những câu chuyện trở về ngày xưa.

Tôi luôn tin vào sức mạnh của ký ức. Trên sa mạc thăm thẳm của đời người, ký ức tồn tại như một ốc đảo. Trở về ốc đảo ấy, ba tìm lại được tuổi trẻ. Còn tôi, tôi nhìn ngắm lại những khó khăn, những yêu thương mình đã được nhận. Ngắm để tiếp tục làm thân cây mạnh mẽ, tỏa bóng che cho những mầm non khác, ngày ngày bật chồi xung quanh tôi.

Ngày nào đó, rồi sẽ đến lúc tôi thay ba, trở thành người kể chuyện. Những câu chuyện cũng như ký ức con người, đều không có tuổi...

Bài và ảnh: KIM HÒA

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ba-va-nhung-cau-chuyen-khong-tuoi-20210710205618372.htm