Ba từ khóa cho năm 2021

Tạp chí Nikkei Asian Review chọn 3 chữ C để miêu tả 3 vấn đề dự kiến sẽ mang lại những thay đổi lớn nhất cho khu vực châu Á trong năm 2021. Đó là Covid-19, Trung Quốc (China) và khí hậu (Climate).

 Năm 2021 đã đến với những niềm hy vọng mới trên toàn cầu.

Năm 2021 đã đến với những niềm hy vọng mới trên toàn cầu.

Chữ C đầu tiên – Covid-19 có lẽ sẽ không gây ngạc nhiên. Lấy Anh làm ví dụ - quốc gia đầu tiên chấp thuận vaccine Pfizer-BioNTech đã bắt đầu tiêm chủng trên diện rộng vào ngày 8/12/2021. Chưa kịp hy vọng vào kết quả tiêm vaccine thì hai tuần sau, giới chức y tế nước này phát hiện ra biến thể của virus SARS-CoV2, với khả năng lây lan cao hơn chủng ban đầu. Mặc dù các nhà khoa học cho rằng vaccine đang được triển khai có khả năng chống lại biến thể mới nhưng việc xuất hiện biến thể đã đủ khiến chúng ta nhận ra khó khăn trong việc dập tắt bệnh dịch này. Rất có thể chu kỳ lạc quan và bi quan này sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại.
Tuy nhiên, kịch bản chính ở đây lại về kinh tế: Sau đại dịch sẽ là đại phục hồi. Tại hầu hết các quốc gia châu Á, tốc độ tăng trưởng sẽ trở lại đà tăng, trong bối cảnh các nước dự kiến duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Theo Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới do Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố vào tháng 10, sau khi sụt giảm 1,7% vào năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội thực tế của khu vực châu Á mới nổi và đang phát triển - bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia và Philippines - sẽ đạt 8% vào năm 2021. Việc tiêm chủng vaccine hàng loạt trên toàn châu Á sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, thúc đẩy niềm tin của các nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Chữ C thứ hai có ảnh hưởng trong năm 2021 là Trung Quốc. Là quốc gia đầu tiên bị Covid-19 tấn công, Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên ngăn chặn được dịch bệnh. Sau khi ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn 1,9% vào năm 2020, nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 8,2% trong năm nay và có khả năng dẫn đầu kinh tế thế giới vào năm 2021. Tương tự đối với Việt Nam, dự kiến sẽ phục hồi từ mức tăng trưởng 1,6% năm ngoái lên 6,7%.
Bên cạnh đó là câu hỏi việc ông Biden trở thành chủ nhân Nhà Trắng có ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế giữa hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ như thế nào? Câu trả lời của Tổng Biên tập Nikkei Asian Review trong bài viết đầu năm mới là "không xấu đi nhưng cũng không cải thiện nhiều."
Theo đó, một trong những điểm quan trọng nhất giúp đánh giá chính sách thương mại của ông Biden với Trung Quốc là việc lựa chọn bà Katherine Tai làm Đại diện Thương mại Mỹ. Nhìn vào lý lịch của bà Tai có thể thấy ông Biden sẽ tập trung vào các hành vi không công bằng liên quan đến sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.
Nikkei cũng nhận định, ông Biden sẽ khó thỏa hiệp với Trung Quốc trong bối cảnh những chính sách cứng rắn trong thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc nhận được sự ủng hộ to lớn tại Mỹ.
Chữ C thứ ba và cũng là cuối cùng trong số những vấn đề then chốt của năm 2021 do tạp chí Nhật lựa chọn là khí hậu. Môi trường có lẽ là bên hưởng lợi hiếm hoi trong năm 2020 từ Covid-19. Phong tỏa và giảm tốc sản xuất do bệnh dịch đã đem lại những bãi biển và bầu trời xanh - sạch hơn, đồng thời minh chứng hiện tượng nóng lên của toàn cầu trong thời gian qua là do hành vi của con người.
Trong năm tới, đây sẽ tiếp tục là vấn đề nóng. Bắc Kinh sẽ tiếp tục là cái tên được nhắc đến trong lĩnh vực này với việc sản xuất 30,3% tổng số ô tô trên thế giới trong nửa đầu năm 2020, theo sau là Nhật Bản với 11,4% và 11,1% từ Mỹ. Chỉ tính riêng xe điện, Trung Quốc sản xuất 38,4%, Mỹ 23,1%, trong khi Nhật Bản chỉ thực hiện 2,3%.

Cẩm Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ba-tu-khoa-cho-nam-2021-406029.html