'Bà trùm Hoa hậu' Phạm Kim Dung: 'Thành công nào cũng cần sự nỗ lực, kiên trì và đấu trường nhan sắc cũng vậy'

Nhan sắc Việt đã có một năm thành công với những thành tích ấn tượng trên nhiều đấu trường nhan sắc quốc tế danh giá. Tuy nhiên, trên bảng xếp hạng Việt Nam lại bị tụt 3 hạng, chỉ xếp thứ 8. Chúng ta thiếu chuyên nghiệp, không theo kịp các nước làng giềng hay vì điều gì khác?

Phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với bà Phạm Kim Dung, người đứng sau 2 cuộc thi nhan sắc uy tín là Hoa hậu Việt Nam, Miss World Việt Nam và là người đang nắm trong tay bản quyền nhiều cuộc thi nhan sắc quốc tế để giải mã thách thức của nhan sắc Việt trên đấu trường quốc tế.

Bà Phạm Kim Dung.

Bà Phạm Kim Dung.

Nói thiếu chuyên nghiệp là chủ quan

Năm 2019 nhiều đại diện của Việt Nam đã đạt được thành tích ấn tượng trên đấu trường nhan sắc quốc tế. Chị đánh giá thế nào về nhan sắc Việt tại đấu trường nhan sắc quốc tế năm nay?

Đối với các thí sinh Việt Nam khi ra đấu trường nhan sắc quốc tế thì xét về mặt tổng thể các bạn khá đồng đều với các thí sinh khác. Riêng về mặt nhan sắc thì nhiều bạn có phần nổi trội hơn như Hoa hậu Lương Thùy Linh, đứng trong top 12 Hoa Hậu Thế Giới ở thời điểm công bố dường như được cộng đồng mạng Việt Nam và cộng đồng quốc tế nhận xét là quá nổi bật. Thùy Linh được đánh giá cao về kỹ năng catwalk khi lọt top 10 top model, top 10 dự án nhân ái. Còn về các thí sinh khác cũng có thành tích nổi bật như Kiều Loan, Tường San.

Cái tên nổi bật nhất tại đấu trường nhan sắc quốc tế thời gian qua là Lương Thùy Linh. Nhiều khán giả tỏ ra tiếc nuối khi Linh không vào top 5. Dường như Linh còn thiếu điều gì đó. Trong con mắt của một chuyên gia, chị nghĩ đó là điều gì?

Đúng vậy, Lương Thùy Linh là cái tên vô cùng nổi bật. Chúng tôi, Linh và người hâm mộ đều thấy tiếc nuối khi Linh có thể vào top 5 thậm chí top 3. Tuy nhiên, khi đến với các cuộc thi, tôi thấy, điều mà chúng ta thiếu nhiều nhất là sự may mắn. Việc vào đêm chung kết là do thực lực, nỗ lực của một hành trình dài nhưng khi top 12 đứng tại sân khấu thì thật sự rất khó nói, nó phụ thuộc quá nhiều vào cảm xúc của ban giám khảo.

Top 3 Miss World Việt Nam 2019.

Tại Hoa hậu Quốc tế và Hoa hậu Hòa bình Quốc tế, Tường San và Kiều Loan cũng đã có thành tích khá ấn tượng. Chị nhận xét về màn thể hiện của 2 cô gái này?

Tại Hoa hậu Quốc tế và Hoa hậu Hòa bình Quốc tế, Tường San và Kiều Loan là thí sinh nổi bật. Tôi nghĩ 2 bạn chỉ hơi kém một chút về chiều cao còn về những phần thể hiện khác đều bằng vai phải lứa với những đại diện còn lại.

Đặc biệt là Kiều Loan, phần thể hiện của bạn tại cuộc thi đã thể hiện được sự bản lĩnh và chủ động trong các tình huống. Điều này vô cùng phù hợp với cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế. Bên cạnh đó, ở cuộc thi mà họ cần sự nhu mì, nền nã cũng như gương mặt thánh thiện thì Tường San cũng đáp ứng được những điều đó.

Qua việc Thùy Linh, Tường San và Kiều Loan, chúng ta có thể nhận thấy, đây là thành công đối với cuộc thi Miss World Việt Nam. Lần đầu tiên tổ chức nhưng ban tổ chức và ban giám khảo đã chọn ra những gương mặt rất là phù hợp. Các cô gái không chỉ phù hợp với đấu trường nhan sắc quốc tế mà còn phù hợp với thị hiếu của cộng đồng nhan sắc Việt Nam cũng như công chúng.

Trước và sau cuộc thi, các bạn đều nhận được rất nhiều sự ủng hộ cũng như lời khen ngợi. Nó không chỉ thể hiện trong cuộc thi này mà còn thể hiện tinh thần của các thiếu nữ Việt, các em là những bông hoa đủ cả hương lẫn sắc.

Theo kết quả chuyên trang sắc đẹp quốc tế Missosology vừa công bố, năm nay Việt Nam đứng hạng 8, tụt 3 hạng so với năm ngoái. Nhiều cô gái đạt thành tích khá tốt, nhưng chúng ta lại tụt hạng. Chị có thể giải thích về điều này?

Mặc dù thành tích của các đại diện Việt Nam năm nay khá tốt, đồng đều nhưng chúng ta bị tụt hạng vì năm 2019 có Phương Khánh đăng quang Hoa hậu Trái đất, H’Hen Niê vào Top 5 Hoa hậu Hoàn Vũ, Ngân Anh lọt Top 5 cuộc thi Hoa hậu Liên lục địa. Vì vậy, chúng ta bị tụt hạng là chuyện bình thường, vì họ tính tổng thể trên cả những cuộc thi khác.

Năm nay, tuy 3 cuộc thi Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế chúng ta đều đạt thành tích cao, nhưng các cuộc còn lại thì thành tích không cao nên chúng ta bị tụt 3 hạng. Xếp hạng sẽ có những đánh giá về chỉ số thực tế. Tuy nhiên, xét về tổng quan thì nhan sắc của chúng ta thăng hạng rõ rệt, bởi sự chuẩn bị chuyên nghiệp và bài bản.

Theo bà Phạm Kim Dung, nhan sắc Việt đã có bước chuyển mình ấn tượng trong thập kỷ quá.

Có ý kiến cho rằng Việt Nam chưa thể “chạm đỉnh” bởi khâu đào tạo còn thiếu chuyên nghiệp. Theo chị điều này có đúng không?

Điều này hoàn toàn sai. Tôi nghĩ, những người có nhận xét như thế này là họ chưa hiểu các thí sinh đi thi quốc tế như thế nào. Thậm chí, có những đất nước, thí sinh chỉ âm thầm đi thi mà không có ê-kíp đằng sau hậu thuẫn, đi thi chỉ mang theo vài bộ đồ.

Nhiều người cứ nghĩ, những yếu tố như catwalk, trình diễn đóng vai trò quan trọng nhất, nhưng thật ra, tố chất bên trong mới là điều giúp các thí sinh khẳng định được bản thân. Những yếu tố kia thực ra chỉ giúp các bạn hoàn thiện mình hơn.

Do vậy, khâu đào tạo, chuẩn bị cũng như những gì chúng ta chuẩn bị cho các thí sinh hiện nay đã rất chuyên nghiệp. Không có một cơ sở nào để mà nói rằng thí sinh của chúng ta chưa chuyên nghiệp.

Hoa hậu Thế giới năm nay là đại diện đến từ Jamaica, Toni-Ann Singh. Cô ấy không được chú ý bởi nhan sắc hay chiều cao mà là hát hay như ca sĩ và sự thân thiện của mình. Không ai đánh giá cô ấy chuyên nghiệp và thậm chí, hình thể cũng không đẹp, chiều cao hạn chế,… Tất cả những điều mà tôi đưa ra ở trên về nhan sắc hay tố chất, tài năng, tâm hồn,... đóng một vai trò quan trọng còn công tác đào tạo chỉ là công cụ để giúp thí sinh hoàn hảo hơn thôi.

Tôi khẳng định, ê-kíp Việt Nam đưa các thí sinh đi thi đã chuẩn bị rất chuyên nghiệp. Nhiều người nói, không đầu tư chuyên nghiệp, bài bản, tại sao chúng tôi phải làm như vậy? Chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức và tài chính thì tại sao lại không chuẩn bị kỹ? Tôi nghĩ, những nhận xét này bị chủ quan và nói cho “vui miệng” thôi.

Chúng ta đang chứng kiến sự lên ngôi của các cô gái sinh năm 2000. Theo chị, đâu là những điểm thuận lợi của các cô gái này so với các đàn chị?

Đất nước chúng ta đang phát triển dần về mọi mặt, cho nên các cô gái trẻ đang có chiều cao tốt hơn, trình độ học thức, tự tin và sự hội nhập với quốc tế cao hơn.

Thêm một điểm thuận lợi nữa là ê-kíp hỗ trợ các bạn đi thi cũng chuyên nghiệp và ngày càng 4.0 hơn. Các nhà thiết kế, stylist, makeup của Việt Nam ngày càng giỏi và nắm xu hướng nhanh.

Những thứ đang diễn ra ngoài thế giới chúng ta đều có thể dễ dàng nắm bắt và áp dụng nó vào cái của mình. Thế nên, điều kiện cần và đủ chúng ta đều có nên rất thuận lợi cho sự phát triển của các cô gái.

Một điểm thuận lợi mà tôi thấy nữa đó là yếu tố ngoại ngữ. Khi đi ra quốc tế, chúng ta phải hiểu được họ, phải cho họ hiểu mìmh và phải hành động được. Cho nên, tôi thấy các cô gái trẻ đã đáp ứng được tất cả các điều kiện.

Đó là những điều mà công chúng luôn hồ nghi và đã được khẳng định trên sân khấu thời gian vừa qua với Top 3 Miss World Việt Nam. Các bạn đã lấn át tất cả, tạo nên sức hút về thần thái không ngờ.

Trước đó 2-3 tháng, các cô gái đều là lần đầu tiên catwalk trên sàn và bây giờ, tất cả những lo lắng của khán giả đã được trả lời bằng những hình ảnh của Kiều Loan chiếm trọn tình cảm khán giả tại Hoa hậu Hòa bình Quốc tế, Thùy Linh tại Hoa hậu Thế giới và Tường San tại Hoa hậu Quốc tế. Ba cô gái đã chọn cho mình cách tỏa sáng hoàn toàn khác nhau với đúng tính cách của từng bạn.

Nói ra như thế nhưng chúng ta không thể quên được sự chiến đấu của các đại diện khác của Việt Nam như Thúy An, Thanh Khoa, Thu Hiền. Đặc biệt là Thanh Khoa đã chạm tay vào chiếc vương miện của Hoa hậu Sinh viên Thế giới 2019, Thúy An cũng rất nỗ lực tại cuộc thi Hoa hậu Liên lục địa và Thu Hiền cũng nổi bật tại Hoa hậu châu Á Thái Bình Dương quốc tế 2019.

Điều đó cho thấy, không chỉ thế hệ 2000 mà ở các thế hệ trước đó các bạn cũng đã rất nỗ lực. Tôi nghĩ, các đàn chị đi thi trước đó đều là những gương mặt sáng giá nhưng ở thời điểm cả thí sinh và người hâm mộ chưa có sự đầu tư bài bản, mạnh mẽ như bây giờ.

Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, bà Phạm Kim Dung và Hoa hậu Trần Tiểu Vy.

Chuyển mình là tất yếu

Nhìn lại nhan sắc Việt 1 thập kỷ qua, chúng ta đã có bước chuyển mình đáng kinh ngạc. Chị đánh giá sao về sự chuyển mình này?

Sự chuyển mình của nhan sắc Việt là điều tất yếu, đi cùng với sự chuyển mình và phát triển của đất nước. Các thế hệ trẻ ngày càng cao hơn, đẹp hơn, tri thức hơn, chuyên nghiệp nghiệp và nghiêm túc hơn. Tất cả những điều đó đã tạo nên một sự chuyển mình chung. Và tôi nghĩ, trong một thập kỷ tiếp theo, hoặc chỉ vài năm nữa, chúng ta có quyền tự tin có thể đội vương miện ở các đấu trường nhan sắc quốc tế.

Trong nước, các cuộc thi nhan sắc nở rộ. Nhưng, trên đấu trường quốc tế, chúng ta chưa thực sự được coi là cường quốc nhan sắc. Theo chị, Việt Nam cần làm gì để có bước chuyển mình tốt hơn?

Chúng ta đã có sự chuẩn bị chu đáo nhưng việc gì cũng cần chờ đợi, sự công nhận dần dần. Ví dụ như, những năm trước việc lọt vào top 20, top 10 đã là vui, nhưng gần đây, việc các bạn lọt vào top 10 lại chưa thể khiến chúng ta thỏa mãn. Điều đó sẽ lại càng trở thành động lực để chúng ta phải tiến bộ hơn. Để mọi người công nhận, chúng ta ít nhất phải lọt vào top 5, top 3 hay cao nhất là phải đội được chiếc vương miện. Tôi nghĩ, đây chính là điều để tôi cũng như những người nắm giữ bản quyền của các cuộc thi khác phải tiếp tục phấn đấu.

Tiêu chí vẻ đẹp mỗi giai đoạn có những điểm khác biệt. Ngay cả trong một ban giám khảo cũng có thể có những ý kiến không đồng nhất. Vậy với cá nhân chị, tiêu chí đánh giá nhan sắc, tài năng của một người đẹp là gì?

Một người đẹp trước tiên là phải đẹp, đẹp về hình thể lẫn gương mặt. Trên cùng, những cô gái đẹp là những cô nàng có tài năng và trình độ. Và chắc chắn, những cô gái này phải nổi bật và được chú ý hơn so với những người đẹp còn lại.

Quan niệm về sắc đẹp của mỗi người hoàn toàn khác nhau, có người thích cái đẹp nhẹ nhàng, người lại thích một vẻ đẹp sắc sảo. Tuy nhiên, đến với 1 cuộc thi, các ban giám khảo sẽ đi theo tiêu chí chung để chọn ra top phù hợp. Còn riêng cá nhân tôi, tôi mong đợi một cô gái chuẩn về nhan sắc, về tính cách, có một sự chân thành, có tài năng, có ngoại ngữ, có duyên dáng, có tham vọng tích cực. Chắc tôi đòi hỏi quá nhiều rồi (cười-PV).

"Tôi không phản đối việc tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu", bà Phạm Kim Dung cho biết.

Thời gian qua có những cuộc thi nhan sắc gây tai tiếng, thậm chí thi chui, tổ chức vận hành kiểu “ao làng” nhưng cũng khoác lên thí sinh bộ cánh thiên nga với mỹ từ hoa hậu. Là một nhà tổ chức chuyên nghiệp, chị nghĩ sao về điều này? Nếu để “hiến kế” cho cơ quan quản lý dẹp vấn nạn trên, chị sẽ nêu ý kiến gì?

Đúng là việc có quá nhiều hoa hậu sẽ khiến chúng ta ngày càng dễ bị loạn danh xưng và mất dần đi giá trị của danh hiệu cao quý này. Công chúng sẽ không biết được đâu là hoa hậu chính thức và đâu là hoa hậu không chính thức.

Tuy nhiên, với một đất nước trẻ và khát khao hướng tới cái đẹp nhiều như ở Việt Nam thì việc tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu sẽ không sao. Tôi không phản đối việc tổ chức nhiều cuộc thi, vì các cường quốc nhan sắc như Venezuela hay Philippines họ cũng tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu từ quy mô nhỏ đến lớn.

Tôi - một người đã làm trong lịch vực này 10 năm, luôn luôn công tâm và nỗ lực, tạo ra sự bứt phá cũng như tiến bộ cho nhan sắc Việt Nam. Tôi cảm thấy buồn khi có những tình trạng như vậy lại xảy ra, khiến “con sâu làm rầu nồi canh”. Việc không công tâm trong khâu tổ chức và cuối cùng trao vương miện cho một thí sinh không xứng đáng về nhan sắc lẫn trình độ và nhân cách sẽ khiến công chúng dần hiểu sai về một cô hoa hậu. Điều đó nếu càng tăng thêm sẽ khiến khán giả mất đi niềm tin về ngôi vị hoa hậu và đương nhiên không hề tốt.

Còn việc “hiến kế” cho các cơ quan quản lý thì tôi nghĩ rằng nên có sự giám sát chặt chẽ hơn, có những biện pháp chế tài rõ ràng nếu sai quy chế, quy định; thậm chí ngưng ngay cuộc thi nếu có biểu hiện vi phạm… để làm cho môi trường hoa hậu được trong sạch.

Nhan sắc luôn thu hút trí tò mò và cả óc tưởng tượng. Người tổ chức các cuộc thi nhan sắc như chị cũng thu hút sự tò mò của không ít người. Chị có thể chia sẻ một số “bí mật nhà nghề” với độc giả của báo Người Đưa Tin?

Đúng là nhan sắc luôn thu hút trí tò mò của nhiều người thông qua việc hâm mộ của khán giả cũng như sự quan tâm của giới truyền thông. Tôi đã có dịp đi đến nhiều quốc gia, gặp gỡ rất nhiều người và họ bày tỏ sự yêu mến vẻ đẹp của người con gái Việt Nam cũng như là tà áo dài truyền thống.

Cũng chính sự yêu mến cái đẹp đó mà các chuyên gia sắc đẹp, cộng đồng người hâm mộ cũng như truyền thông đã có nhiều bài viết phân tích, đánh giá rất sâu về tiêu chí các cuộc thi, về nhan sắc của các thí sinh. Đó cũng chính là những kênh thông tin giúp chúng tôi có thể định hướng được cách hoạt động của mình để cuối cùng chọn ra một gương mặt xuất sắc nhất, thỏa được mong ước cũng như tình cảm của khán giả.

Tôi cũng đã có kinh nghiệm cho mình trong cách vận hành cuộc thi sao cho minh bạch và tạo được sức lan tỏa. Các kênh thông tin của công chúng cũng như báo chí phần nào đã giúp chúng tôi có những quyết định đúng đắn. Đặc biệt phải kể đến top 3 Miss World Việt Nam năm nay, đã đạt được kết quả vô cùng rực rỡ.

Bà Phạm Kim Dung cho biết, tổ chức một cuộc thi hoa hậu cần nhiều bí quyết nhà nghề.

Để tổ chức một cuộc thi hoa hậu đúng là sẽ có rất nhiều bí mật nhà nghề: Quy trình sơ tuyển; nhân trắc học; các vòng thi phụ; vòng thi chung khảo, chung kết,… Tôi không muốn cuộc thi nhan sắc chỉ dừng lại ở việc tìm ra một gương mặt xinh đẹp mà bên cạnh đó là quá trình của nó. Bản thân tôi cũng như ê-kíp ngày càng nhìn thấy rõ sự kỳ vọng của công chúng, kỳ vọng về các thí sinh tại cuộc thi hoa hậu. Vì vậy, chúng tôi luôn đau đầu suy nghĩ phải làm gì để tạo sự khác biệt với những năm trước.

Một sự vất vả vô cùng nữa mà tôi muốn tiết lộ là về nguồn tài chính để vận hành cho các cuộc thi nhan sắc. Để mà có được nguồn kinh phí đó, thì bộ máy kêu gọi tài trợ cũng như trả quyền lợi tài trợ phải vô cùng khổng lồ. Chúng tôi phải làm việc cật lực cho quãng thời gian trước và sau đó.

Bên cạnh đó, những cuộc thi hàng đầu ấy còn thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý, yêu cầu chúng tôi phải làm đúng làm đủ và chất lượng.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này.

Lê Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ba-trum-hoa-hau-pham-kim-dung-thanh-cong-nao-cung-can-su-no-luc-kien-tri-va-dau-truong-nhan-sac-cung-vay-a463455.html