Ba triều dựng nước (Ngô - Đinh - Tiền Lê)

trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài của PGS TS Cao Văn Liên về Tập II ' Ba triều dựng nước (Ngô - Đinh - Tiền Lê)' trong Tiểu thuyết lịch sử 'Việt Nam diễn nghĩa' do NXB Hồng Đức-2019, trong đó CHƯƠNG I - NHÀ NGÔ (939-965) - Kỳ I.

Ảnh minh họa. Thành Cổ Loa (Đông Anh - Hà Nội). Nguồn: Internet

Mặt trời buổi sáng mùa đông dường như lên muộn. Ánh nắng ban mai không đủ xua đi những làn sương mù trắng xóa của mùa đông. Bầu trời, núi non, cây lá mờ mờ ảo ảo như khung cảnh thần tiên. Bái Tử Long, vịnh Hạ Long với trăm nghìn hòn đá đủ hình thù kỳ quái nhô lên trên làn nước trong xanh, đúng là xứ sở của thần tiên.

Trong cảnh thần tiên đó, suốt hai dặm của dòng sông Bạch Đằng chạy dài ra cửa biển vẫn còn nguyên xi dấu vết của trận thủy chiến khốc liệt từ chiều cho đến hết đêm hôm qua giữa quân Việt và quân Nam Hán. Những mảnh ván của 400 chiến thuyền Nam Hán cháy dở trôi nổi dập dềnh, cờ quạt, vũ khí ngổn ngang. Xác quân Nam Hán chết trôi nổi lập lờ nổi chìm theo sóng. Màu nước của sông pha máu giặc đỏ lừ khủng khiếp. Sóng vẫn đổ vào và lui ra ca lên khúc ca khải hoàn. Buối sáng nước triều rút ra, cửa sông Bạch Đằng nhô lên bãi cọc nhọn như hàm răng của dòng sông tử địa đang cười hiên ngang giữa biển sông trời đất.

Trong tổng hành dinh ở Gia Viên, Ngô Quyền đang họp với các tướng lĩnh tham gia trận Bạch Đằng bao gồm Dương Tam Kha, Phạm Bạch Hổ, Đỗ Cảnh Thạc, Kiều Công Hãn, Ngô Xương Ngập, Dương Phương Lan. Ngô Quyền nói:

-Trận chiến Bạch Đằng hôm qua là một tổn thất lớn cho quân Nam Hán. Sau trận này chúng không còn đủ sức lực và tinh thần xâm lược lại nước ta một lần nữa. Tuy nhiên, ta đã cho thám mã đi truyền lệnh cho các tướng ở Lạng Châu và Lục Châu luôn đặt quân sĩ vào tinh thần cảnh giác, tinh thần chiến đấu cao đề phòng quân Nam Hán tấn công trả thù. Thứ hai, các tướng phải ra lệnh cho quân sĩ nhanh chóng thu dọn chiến trường, thu dọn xác thuyền bè lên bờ thiêu hủy, thu dọn xác quân giặc đem chôn cất, trả lại sự trong sạch cho sông Bạch Đằng để cuộc sống dân chài lưới trở lại bình thường. Thứ ba, đất nước một ngày không thể không có vua. Nhưng muốn xưng vương xưng đế phải có kinh đô. Nay ta quyết định lấy kinh đô là Cổ Loa. Nay cử Dương Tam Kha và Ngô Xương Ngập về cho quân sĩ tu sửa thành trì, nhà cửa để làm kinh đô của triều Ngô ta.Còn nhiều việc của đất nước vừa độc lập phải làm ngay. Mai ta tạm thời về Đại La, sau đó sẽ chuyển sang kinh đô Cổ Loa và sẽ thiết triều bàn bạc quyết định.

Sau khi quân đội đã thu dọn sông Bạch Đằng sạch sẽ, Ngô Quyền đem đại quân về Đại La và khoảng một tháng sau thì dời về Cổ Loa. Ngô Quyền biết rằng Cổ Loa là do Cao Lỗ thiết kế và nhân dân xây dựng và là kinh đô của nước Âu Lạc thời An Dương Vương. Đây là công trình có chín vòng thành nện bằng đất sét vô cùng chắc chắn. Thành Cổ Loa vừa là kinh đô vừa là căn cứ quân sự. Là căn cứ quân sự thì Cổ Loa vừa là căn cứ bộ binh vừa là căn cứ thủy binh. Sau khi thất thủ năm 179 trước công nguyên và nước Âu Lạc mất thì Cổ Loa chỉ còn là một thành trì quân sự. Suốt thời kỳ Bắc thuộc từ Hán, Đông Ngô, Tấn đến Tùy, trị sở chính của Giao Châu là Luy Lâu thuộc Vũ Ninh, Giao Chỉ. Năm 40 -43 khi hai Bà Trưng giành độc lập thì lấy Mê Linh là kinh đô, tới thời Lý Nam Đế giành độc lập 50 năm thì kinh đô của nước Vạn Xuân là Long Biên. Đời Đường thì Đại La thành trị sở của An Nam đô hộ phủ, còn gọi là Tĩnh Hải Quân. Thời họ Khúc, họ Dương giành quyền tự chủ thì Đại La vẫn là thủ phủ của Tiết Độ sứ. Dưới con mắt của Ngô Quyền, Cổ Loa là nơi dễ phòng thủ, quân thù khó tấn công nếu như không có nội gian bên trong như thời An Dương Vương. Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, trong tình hình cả nước chưa xây dựng được chính quyền mạnh, hào trưởng các nơi chưa hoàn toàn phục tùng chính quyền trung ương thì Cổ Loa là nơi phòng thủ tốt nhất. Thứ nữa, Cổ Loa là kinh đô tương đối kín đáo, tránh được con mắt dò la của nhà Nam Hán và của bọn người phương Bắc. Ngô Quyền lệnh cho Dương Tam Kha chỉ huy quân sĩ đắp lại một số đoạn thành đã sạt lở, đào một cái giếng và trồng một cây đa bên cạnh giếng. Ngô Quyền cùng những tùy tướng lên đỉnh cao nhất của tòa thành nội trong cùng và nhìn bao quát. Chín vòng thành uốn lượn quanh co và ôm bọc lấy nhau khép kín nên còn được gọi là thành ốc. Giữa những tường thành là dinh thự, nhà cửa, lâu đài. Sông đào uốn quanh vòng thành ngoài Cổ Loa là một dòng sông rộng lớn. Trên sông đào, chiến thuyền của Ngô Quyền từ Bạch Đằng Giang kéo về đậu san sát, cờ vàng trên mặt thành, trên các chiến thuyền bay phấp phới rực rỡ trong nắng mùa đông. Cờ vàng tung bay phấp phới trên chín vòng thành Cổ Loa. Lá cờ vàng lớn mang chữ Khúc -Dương màu đen ở giữa nay được thay bằng chữ Ngô. Thành Cổ Loa được trang hoàng lộng lẫy để ăn mừng chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng cũng là chào đón lễ đăng quang của Ngô Quyền. Từ thành Cổ Loa, ngô Quyền phóng tầm mắt nhìn ra bốn phương. Những cánh đồng lúa đang nặng trĩu bông màu vàng pha lẫn màu xanh. Người dân đang bước vào gần thu hoạch vụ mùa. Sông Hoàng Giang nối với hào thành Cổ Loa nối với sông Hồng, sông Đuống nước xanh ngắt mơ màng. Xa xa Tam Đảo, Ba Vì phủ sương trắng xóa, khoác tấm áo trắng xanh huyền bí. Trời xanh, mây bay. Những đàn chim cò, vạc tung cánh trên không trung bay về phương Nam tránh rét. Ngô Quyền nói với ngô Xương Ngập:

-Vòng thành ngoài cho sửa sang lại hệ thống canh phòng. Cho đặt cung, nỏ, chất cháy, gỗ, đá để phòng thủ khi bị tấn công. Cắt cử lính canh suốt ngày đêm. Đặt lại chế độ có trống cầm canh để biết thời gian và cần khi báo động. Nhắc nhở quan lại, bách tính đề phòng hỏa hoạn.

Ngô Xương Ngập đáp:

-Dạ, con tuân lệnh cha.

CVL

PGS - TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ba-trieu-dung-nuoc-ngo--dinh--tien-le-73023