Ba triều dựng nước (Ngô - Đinh - Tiền Lê) - (Tập II - Kỳ 7)

Trân trọng giới thiệu tiếp chương I - Tập II ' BA TRIỀU DỰNG NƯỚC (NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ)' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2019.

Tranh minh họa: Hai anh em vua Ngô là Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập và Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn sau khi được sự ủng hộ của một số tướng lĩnh đã bất ngờ lật đổ ngôi vị của Dương Tam Kha giành lại ngai vàng cùng ở ngôi trị nước. Nguồn: Internet

Kỳ 7

-Công cuộc khai hoang, mở rộng đất đai ven sông là một chủ trương lớn của triều đình, khanh tổ chức bách tính thực hiện đến đâu rồi?

Quan đồn điền chánh sứ Trần Công Lộc đứng dậy tâu:

-Muôn tâu hoàng thượng, việc khai hoang những bãi đất ven sông Hồng, cụ thể là bến Chương Dương đã hoàn thành, đã cho 1000 hộ dân tới ở sản xuất và đã được một vụ mùa bội thu. Các hộ nông dân vô cùng đội ơn hoàng thượng đã lo ruộng đất cho họ sinh sống muôn đời.

Dương Bình Vương tỏ vẻ hài lòng:

-Khanh làm tốt lắm. Còn việc khai hoang ở vùng đất Giao Thủy thế nào? Quan đồn điền phó sứ Nguyễn Mạnh tấu trình xem.Quan đồn điền Phó sứ Nguyễn Mạnh bước ra tâu:

-Dạ bẩm hoàng thượng, vùng đất này mới chiêu dụ được nhân công và 700 hộ dân đến, công việc đang tiến hành.

-Khanh làm ăn kiểu gì vậy?

Nguyễn Mạnh cả sợ:

-Dạ, bẩm hoàng thượng thần đã cố hết sức nhưng do…

-Do gì vậy? Bay đâu!

-Dạ, hoàng thượng

-Lột phẩm chức, đánh 50 gậy, đuổi về quê.

Hai võ sĩ bước ra lột áo mũ của Nguyễn Mạnh, xốc nách lôi ra ngoài. Nguyễn Mạnh kêu:

-Hoàng thượng tha mạng, hoàng thượng…

Dương Tam Kha giận dữ:

-Ăn lộc của triều đình, ăn thuế của dân nhưng không làm được việc gì cho dân cho nước, chỉ lo vinh thân phì gia, ăn chơi lãng phí, bất tài bất đức. Loạn rồi.

Các đại thần ngồi im lặng, giật mình, hình như Dương Bình Vương đang chỉ trích chính họ. Đang khi đó có nội thần vào báo:

-Tâu hoàng thượng, có thám mã xin vào bẩm báo.

-Cho vào!

Thám mã vào quỳ và tâu:

-Bẩm hoàng thượng, vùng Đường Lâm Phong Châu phản loạn, viết cáo thị ngang nhiên chống lại triều đình. Mong hoàng thượng định đoạt.

Dương Bình Vương hỏi:

-Vì sao họ phản loạn?

-Dạ bẩm, họ đòi hoàng thượng trả lại ngai vàng cho con cháu Ngô Tiên Vương.

Dương Bình Vương nổi giận:

-Ta không phải là con cháu nhà vua chúa sao? Đại tướng Đỗ Cảnh Thạc, Đại tướng Dương Cát Lợi, nghĩa tử Ngô Xương Văn đâu?Ba người đứng dậy:

-Dạ bẩm hoàng thượng, có chúng thần.

Dương Bình Vương nói:

-Đó là quê hương của Ngô Tiên Vương, cũng là quê hương của con. Nghĩa tử hãy dẫn theo hai Đại tướng Đỗ Cảnh Thạc, Dương Cát Lợi và 2 vạn quân về Đường Lâm dẹp loạn. Trước hết là thuyết phục, nếu không nghe thì dùng quân đội đàn áp. Rõ chưa?

-Dạ, chúng thần tuân chỉ.

-Bãi Triều.

Ngay chiều hôm đó, Ngô Xương Văn, Đỗ Cảnh Thạc, Dương Cát Lợi dẫn 2 vạn quân rời Cổ Loa, vượt cầu phao qua sông Hồng. Nắng chiều rải xuống khắp không gian, rải xuống sông Hồng lấp lánh. Trời xanh cao, không gian rợp mát màu xanh cây lá. Xa xa Tam Đảo xanh thắm mờ mờ sương khói. Ngô Xương Văn ngồi trên mình ngựa lặng im suy nghĩ. Đã 5 năm rồi, trong đầu chàng hoàng tử trẻ tuổi không ngừng suy nghĩ cách lật đổ Dương Bình Vương, giành lại ngai vàng của dòng họ Ngô. Phải chăng đây là thời cơ. Đã nhiều lần Ngô Xương Văn nói gần nói xa để dò ý tứ của Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi, hai đại tướng rường cột của triều đình Cổ Loa tỏ ra không phản đối. Lần này Ngô Xương Văn quyết định nói thẳng vấn đề cho Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi biết, nếu hai vị tướng phản đối, ta có quân đội trong tay sẽ giết họ đi và chạy về Đường Lâm hùng cứ một phương còn hơn là ở lại Cổ Loa như cá nằm trên thớt. Nghĩ như vậy nên khi quân đội đến bãi Quần Thần, Ngô Xương Văn cho quân đội nghỉ ngơi, lấy rượu ra cùng uống với Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi. Xong tuần rượu, Ngô Xương Văn nói:

-Hai tướng quân này.

-Hoàng tử có gì nói chăng?

-Hai tướng quân từng là những tướng xông pha chiến trận với Ngô Tiên Vương của ta, từng là những khai quốc công thần của triều Ngô ta, đức lớn của Tiên Vương ta đã thấm vào tận lòng dân. Không may Tiên Vương ta sớm băng hà, bỏ thần dân. Nay bị Dương Tam Kha bất nghĩa cướp ngôi của anh ta, làm trái di mệnh phó thác, tội thật lớn không gì bằng. Nay lòng dân không quên họ Ngô nên đòi lại ngai vàng, ta nỡ nào đi đánh giết họ với tội trung quân, giết người vô tội. Nhưng nếu không hàng phục được họ thì chúng ta là đồng lõa. Khi về thế nào cũng bị Dương Bình Vương trị tội. Chúng ta ở vào thế tiến thoái lưỡng nan. Hai tướng quân là những người trung nghĩa, đã từng theo và phò tá Tiên Vương ta gây nên nghiệp lớn, chả lẽ cũng bó tay mà hành động như vậy sao?

Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi suy nghĩ và nói:

-Chúng tôi nguyện làm theo lời của Thiên Sách Vương hoàng tử.

Ngô Xương Văn nói:

-Vậy hai tướng quân hãy giúp ta điều binh quay lại Cổ Loa, lật đổ Dương Tam Kha, lấy lại ngai vàng cho họ Ngô ta. Hai tướng quân nghĩ sao?

Cả Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi cũng muốn thoát khỏi sự kìm chế của Dương Tam Kha để xây dựng thế lực riêng, mưu đồ việc lớn cho mình. Cho nên cả hai cùng nói:

-Chúng tôi xin tuân lệnh của Thiên Sách Vương.

Ba người liền kéo binh trở lại Cổ Loa. Canh ba đêm đó thấy đại quân kéo về, lính trên thành hỏi:

-Quân đội của ai vậy?

Ngô Xương Văn đáp:

-Ta là Hoàng tử Ngô Xương Văn, vâng lệnh hoàng thượng đi dẹp loạn ở Đường Lâm thắng lợi trở về. Mở cổng thành nhanh.-Dạ, tuân lệnh.

Lính canh mở cổng thành, 2 vạn quân tràn vào làm chủ Cổ Loa. Ngô Xương Văn và Đỗ Cảnh Thạc xông thẳng vào tư dinh của Dương Bình Vương. Các võ sĩ định chống cự lại. Đỗ Cảnh Thạc nói:

-Quân Đội của Thiên Sách Vương Ngô Xương Văn đã làm chủ Cổ Loa, bỏ gươm đầu hàng thì sống, chống cự là chết.

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ba-trieu-dung-nuoc-ngo--dinh--tien-le---tap-ii--ky-7-75005