Ba triều dựng nước (Ngô - Đinh - Tiền Lê) - (Tập II - Kỳ 27)

Trân trọng giới thiệu tiếp chương I - Tập II " BA TRIỀU DỰNG NƯỚC (NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ)" trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử "Việt Nam Diễn Nghĩa" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2019.

Tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế ở thành phố Ninh Bình. Nguồn: Internet.

Kỳ 27

Chợt có thám mã từ Vũ Ninh về nói nhỏ với Lưu Cơ. Lưu Cơ nói với Lã Đường:

-Đinh chúa công không có ở đây mà từ Vũ Ninh đã về Cổ Loa vì công việc. Nhưng thám mã truyền đạt lệnh của chúa công rằng: Lã sứ quân không quyết cố thủ nên đỡ tốn xương máu cho cả hai bên là đã có công. Nay phong Lã đại nhân làm Lã Tá Công, tiếp tục cai trị vùng Tế Giang nhưng phải giúp đỡ bách tính nghèo khổ, đóng góp lương thực và nhân lực cho quân đội Hoa Lư. Thứ nữa, cho đại công tử Lã Lang đi theo các tướng lĩnh Hoa Lư để đào luyện nhân tài cho quân đội sau này.

Lã Đường, Lã Lang và các tùy tướng quỳ xuống chắp tay:

-Đa tạ Đinh chúa công, đa tạ các tướng quân. Mạt tướng xin tuân lệnh Đinh chúa công và các tướng quân.

Lưu Cơ nói:

-Lã đại nhân, Lã công tử và các tướng quân đứng dậy đi, Tướng quân Nguyễn Bặc biên chế thu nhận 1 vạn quân và các tướng quân Tế Giang vào quân đội Hoa Lư. Lã công tử chuẩn bị tư trang hành lý và ngựa cùng lên đường về Cổ Loa với chúng tôi. Lã đại nhân nhận ấn tín Lã Tá Công và trở lại phủ đường Tế Giang. Hẹn gặp lại. Chúng mạt tướng xin cáo biệt.

Lã phu nhân từ trên kiệu bước xuống để từ biệt con trai:

-Xin chào các tướng quân.

Lưu Cơ, Nguyễn Bặc, Bùi Quang Dũng vội thi lễ:

-Xin chào Lã phu nhân.

Lã Lang vội quỳ xuống bái biệt Lã Đường và Lã phu nhân:

-Con tạm xa phụ thân, tạm biệt thân mẫu. Phụ Thân và thân mẫu bảo trọng. Hẹn ngày gặp lại phụ thân và thân mẫu.

Lã Đường nói:

-Con đi nhớ nghe lời Đinh Chúa công và các tướng quân dạy bảo, nhớ trung thành phục vụ Đinh chúa công.

-Dạ, con xin vâng lời phụ thân.

Lã phu nhân đỡ Lã Lang đứng dậy,ôm con và khóc:

-Con nhớ lời phụ thân dặn, nhớ bảo trọng.

-Con xin ghi nhớ lời mẫu thân, cáo biệt, Mẫu thân nhớ bảo trọng.

Lã Lang lên ngựa cùng các tướng Hoa Lư và 3 vạn quân đi về hướng Bắc theo con đường tới cổ Loa. Lã Tá Công, Lã phu nhân, gia nhân và thị nữ nhìn theo cho đến khi bóng quân, bóng cờ và bóng người con thân yêu khuất dần trong ánh hoàng hôn chiều tím khắp vùng Tế Giang.

Tháng 5 năm 968, tại Cổ Loa, Đinh Bộ Lĩnh trù tính tiến quân đánh sứ quân Ngô Nhật Khánh ở Đườg Lâm. Ngô Nhật Khánh là cháu họ của Tiền Ngô Vương. Sau khi Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn tử trận, từ Đường Lâm, Ngô Nhật Khánh cũng kéo quân về Cổ Loa tranh giành quyền lực với Lã Tử Bình. Nhưng trước thế lực to lớn của Lã Tử Bình, Ngô Nhật Khánh về Đường Lâm, xưng là Ngô Lãnh Công. Trước khi xuất binh, Đinh Bộ Lĩnh viết cho Ngô Nhật Khánh một bức thư. Một buổi sáng, Ngô Nhật Khánh sau khi ăn sáng đang ngồi uống trà ở đại bản doanh thì thám mã vào báo:

-Dạ bẩm chúa công, có thư của Đinh Bộ Lĩnh.

-Thư đâu?

-Dạ, đây ạ.

Ngô Nhật Khánh mở thư đọc. Thư viết: “Mạt tướng kính chào chúa công Ngô Nhật Khánh. Mạt tướng là Đinh Bộ Lĩnh, đang ở Cổ Loa thành. Mạt tướng báo cho chúa công một tin mừng là sự nghiệp thống nhất đất nước sắp hoàn thành. Nếu chúa công cùng về hợp tác với mạt tướng để hoàn tất sự nghiệp này mà không đổ máu vô ích của quân Hoa Lư và quân Đường Lâm nữa thì hay biết mấy. Tên của Ngô Sứ quân sẽ lưu vào sử sách, rạng danh tiên tổ của dòng họ Ngô anh hùng .Nay kính thư. Đinh Bộ Lĩnh”.

Ngô Nhật Khánh bối rối. Là một lá thư của kẻ đang chiến thắng hùng mạnh kêu gọi kẻ yếu đầu hàng mà lời lẽ hết sức khiêm tốn. Trong gần hai năm qua, Ngô Nhật Khánh không phải là không biết những chiến thắng của Đinh Bộ Lĩnh. Không chỉ những sứ quân yếu mà những sứ quân lực lượng hùng mạnh như Lã Tử Bình, Đỗ Cảnh Thạc, Kiều Công Hãn…cũng bị tiêu diệt. Giá như Đỗ Cảnh Thạc sáng suốt hơn, dấn một bước nữa thì Đinh Bộ Lĩnh cùng 4 vạn quân đã chết ở thành Quèn rồi. Trong nguy nan như vậy mà Đinh Bộ Lĩnh vẫn đảo ngược được tình thế,đúng là số trời. Ngô Nhạt Khánh gọi:

-Bây đâu.

-Dạ.

-Đi mời thân mẫu ta tới đây.

-Dạ.

Một lát sau, thân mẫu của Ngô Nhật Khánh bước vào. Đó là một người đàn bà quý phái đã gần 50 tuổi nhưng dung mạo vẫn cực kỳ xinh đẹp, đoan trang thùy mỵ, nước da trắng như trứng gà bóc, mái tóc dầy mây khói ôm lấy khuôn mặt như tiên nữ. Ngô Phu Nhân có hai người con, một là Ngô Nhật Khánh, thứ hai là tiểu thư Ngô Nương. Phu quân mất sớm nhưng Ngô Phu nhân không tái giá mà ở lại nuôi con. Theo sau Ngô Phu nhân là hai thị nữ. Ngô phu nhân ngồi và hỏi:

-Con có việc gì quan trọng mà mời mẫu thân?

-Dạ, việc quan trọng, đây là thư của Đinh Bộ Lĩnh dụ con đầu hàng quân Hoa Lư.Con không biết tính thế nào. Mẹ dạy bảo cho con.

Ngô Phu nhân nói:

-Việc quân sự thì bàn với các tướng lĩnh, sao lại bàn với mẹ. Nhưng theo mẹ thì đầu hàng thì hơn. Theo mẹ biết thì tất cả các sứ quân hùng mạnh hay không hùng mạnh đều đã bị Đinh Chúa công tiêu diệt hết rồi. Lực lượng của con một chút ở Đường Lâm nhỏ nhoi này mà chống cự ư? Muốn chết chăng?

-Nhưng còn mộng bá vương, khôi phục lại ngai vàng nhà Ngô của con thì sao?

-Thế và lực của con hiện nay không cho phép thì cứ đầu hàng đi, khi có thời cơ thì tính toán sau. Đã là anh hùng thì phải biết luận thời thế. Rõ chưa?

-Dạ, con xin vâng lời mẫu thân.

Rồi Ngô Nhật Khánh viết thư, sai thám mã chạy về Cổ Loa đưa cho Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh nhận được thư, mở ra đọc. Thư viết: “Kính gửi Vạn Thắng Vương. Mạt tướng ở Đường Lâm vẫn theo dõi và chúc mừng thắng lợi của Đinh chúa công trên mọi mặt trận. Mạt tướng từ lâu đã muốn về với chúa công. Nay có thư của chúa công mạt tướng mới có cơ hội. Hai ngày nữa thu xếp xong mạt tướng sẽ đem quân đội, tùy tướng về Cổ Loa nhập với quân đội Hoa Lư và làm tùy tướng của chúa công. Nay kính thư-Mạt tướng Ngô Nhật Khánh”.

Đúng hai hôm sau, Ngô Nhật Khánh đem 1 vạn quân và các tùy tướng về Cổ Loa đầu hàng Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh và các tướng lĩnh Hoa Lư ra đón tiếp Ngô Nhật Khánh và các tùy tướng. Đinh Bộ Lĩnh và các tướng Hoa Lư ngạc nhiên thấy có một chiếc kiệu che mành đỏ cùng đi với quân Đường Lâm. Đinh Bộ Lĩnh hỏi Ngô Nhật Khánh:

-Kiệu của ai vậy?

-Dạ, đó là thân mẫu của mạt tướng. Bà cứ đòi đi tiễn mạt tướng và nuốn gặp mặt vị tướng lừng danh Vạn Thắng Vương.

-Vậy tướng quân mời Phu Nhân xuống kiệu để gặp ta.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Ngô Nhật Khánh mở rèm. Đinh Bộ Lĩnh và các tướng lĩnh trông thấy một mệnh phụ khoảng 50 tuổi đẹp như tiên giáng thế từ trên kiệu bước xuống. Hai thị nữ đỡ phu nhân đi lại gần Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh và các tướng thi lễ:

-Xin chào Phu nhân.

Ngô phu nhân chắp tay thi lễ, dáng điệu thật dịu dàng quý phái:

-Xin kính chào Vạn Thắng Vương Đinh chúa công, thiếp nghe đại danh của chúa công như sấm bên tai, nay may mắn mới được gặp.

-Xin kính chào các tướng quân.

Đinh Bộ Lĩnh và các tướng quân đáp lễ. Đinh bộ Lĩnh mời phu nhân, Ngô Nhật Khánh, các tướng Hoa Lư và Đường Lâm vào Cổ Loa và mở tiệc mừng Ngô Nhật Khánh về với quân Hoa Lư. Tiệc rượu suốt đêm. Hôm sau, Đinh Bộ Lĩnh cử tướng Phạm Hán cùng gia nhân của Ngô Nhật Khánh dùng kiệu có ngựa kéo cùng 2000 quân hộ tống phu nhân về Đường Lâm. Trong giờ phút đưa tiễn, Phu nhân dạy Ngô Nhật Khánh:

-Con nhớ nghe lời và trung thành với Đinh chúa công, nghe chưa?

-Dạ, Con xin nghe lời mẫu thân, Mẫu thân nhớ bảo trọng.

Ngô Phu nhân cáo biệt Đinh Bộ Lĩnh:

-Xin chúa công dạy bảo, giúp đỡ con thần thiếp. Thần thiếp đội ơn, hẹn ngày tái ngộ.

Đinh Bộ Lĩnh dịu giọng đáp:

-Xin Phu nhân yên tâm. Phu nhân nhớ bảo trọng.

Hai người cảm thấy trong cuộc chia ly có sự lưu luyến khó quên.

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ba-trieu-dung-nuoc-ngo--dinh--tien-le---tap-ii--ky-27-75382