Ba triều dựng nước (Ngô - Đinh - Tiền Lê) - (Tập II - Kỳ 22)

Trân trọng giới thiệu tiếp chương I - Tập II ' BA TRIỀU DỰNG NƯỚC (NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ)' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2019.

Tranh min h họa: Ông vua Cờ Lau - Đinh Bộ Lĩnh của NXB Văn học. Nguồn: Internet

Kỳ 22
Đêm đó chờ cho thuyền tuần tiễu của quân Đỗ Động Giang đi qua, bóng đêm trùm xuống mịt mù, Lê Hoàn cùng hai võ sĩ đội bèo bơi về bờ Đông sông Tích. Ba người đi suốt đêm về nhà Hà Khôi, một hào trưởng ở Đỗ Động Giang mà Lê Hoàn quen biết từ thời ở Hoa Lư. Gần sáng tới cổng nhà Hà Khôi. Người nhà mở cổng:

-Quan nhân hỏi ai ạ?

-Vào bảo Hà đại nhân có bạn xưa ở Hoa Lư tới gặp.

-Dạ, ngài chờ chút.

Một lát, Hà đại nhân ra trông thấy Lê Hoàn cả mừng.

-Kính chào cố nhân, lâu không gặp. Nghe nói tướng quân đang phò tá Vạn Thắng Vương đánh Đông dẹp Bắc, sao có thời gian hạ cố tới thăm lão phu?

Lê Hoàn nói:

-Mạt tướng theo Đinh chúa công đang đánh thành Quèn của Đỗ Cảnh Thạc nhưng bị trúng kế, Đinh chúa công và 5 vạn quân đang bị vây ở thành Quèn rất nguy cấp.

Hà Khôi nói:

-Vậy xin mời Lê tướng quân vào nhà cơm nước nghỉ ngơi rồi sẽ bàn kế giải vây cho Đinh chúa công.

-Đa tạ nhưng mạt tướng không có thời gian. Hà đại nhân cho mượn ba con ngựa để ba chúng tôi đi gấp về Cổ Loa điều động binh mã đến cứu gấp. Nếu chậm trễ, 5 vạn quân và Đinh chúa công sẽ nguy ngập, không còn ai đánh giặc thống nhất đất nước, cứu nước, cứu lê dân.

Hà Khôi nói:

-Đáng tiếc, đáng tiếc.

-Bay đâu.

-Dạ.

-Đem ba con ngựa khỏe ăn no ra đây.

-Dạ.

Gia nhân của Hà Khôi dắt ba con ngựa ra khỏi cổng, Lê Hoàn và hai người lính chắp tay.

-Đa tạ, sẽ báo đáp sự giúp đỡ này sau.

Hà Khôi nói:

-Tại hạ bất tài nhưng hôm nay sẽ liên kết với ba anh em họ Cao người ở đây dấy quân cứu chúa công Đinh Bộ Lĩnh.

-Vậy hẹn đại nhân khi quân Cổ Loa đến thì phối hợp với quân của đại nhân và quân của Cao đại nhân cùng đi về thành Quèn,

-Rồi cứ như vậy.

-Đa tạ đại nhân, cáo từ, hẹn gặp lại.

-Cáo từ.

Khi lên ngựa, Lê Hoàn nói với hai võ sĩ:

-Đệ Dân và đệ Nghĩa đi về Cổ Loa, báo cho Tổng trấn Cổ Loa Đinh Liễn điều động quân mã tới thành Quèn, dặn tướng quân Đinh Liễn giờ ngọ ngày mai hội quân cách thành Quèn 5 dặm, khi hành quân phải bí mật, không được cờ trống. Rõ chưa? Hai đệ hoàn thành công việc này ta sẽ nói với Đinh Chúa công thưởng cho. Còn ta sẽ đi về Tây Phù Liệt huy động quân của tướng quân Trịnh Tú.

-Cáo biệt tướng quân. Hẹn gặp lại.

-Cáo biệt, hẹn gặp lại.

Hai võ sĩ đi về Cổ Loa. Lê Hoàn đi về Tây Phù Liệt. Vó ngựa phi điên cuồng gấp gáp.

Lại nói 5 vạn quân của Đỗ Cảnh Thạc bao vây 5 vạn quân của Đinh Bộ Lĩnh ở thành Quèn nhưng chỉ ở trên đồi mà không xáp vào tấn công thành. Đã 5 ngày trôi qua. Quân sư Hồ Hồng Hạnh nói:

-Mạt tướng bị bệnh đến quá muộn. Không đến sớm giúp chúa công. Sao chúa công không tấn công thành để tiêu diệt quân Hoa Lư?

Đỗ Cảnh Thạc nói:

-Ta chờ quân Đinh Bộ Lĩnh đói vàng mắt và đến lúc gục xuống, đánh làm gì cho tốn xương máu của binh sĩ.

Hồ Hồng Hạnh nói:

-Nguy to rồi.Vậy chúa công không dự tính viện binh của Đinh Bộ Lĩnh đến, khi đó trong đánh ra, ngoài đánh vào, quân ta có thể lâm vào thế nguy nan và có thể bị tiêu diệt?

Đỗ Cảnh Thạc như sực nhớ ra:

-Ta không nghĩ tới, lão phu sai rồi. Tướng quân Đỗ Thanh Phong đâu?

-Có mạt tướng. -Tướng quân hãy ra lệnh cho quân tràn xuống phá thành, quyết chiến.

Đỗ Thanh Phong cho quân bắc cầu phao qua đầm lầy để có đường đi cho quân xuống phá thành. Cầu vừa bắc xong thì phía sau quân Đỗ Động Giang ba phát tên châm lửa bắn lên trời. Quân Đỗ Cảnh Thạc còn ngơ ngác, chưa hiểu đó là tín hiệu gì. Trong thành Quèn, quân Hoa Lư đã hết lương thực, nước uống, đang trong tình thế hết sức nguy kịch, bỗng nhìn thấy ba phát tín hiệu trên không trung, toàn quân mừng rỡ reo lên:

-Lê tướng quân đã đến cứu viện…

Đinh Bộ Lĩnh ra lệnh:

-Quân cứu viện đã đến, tướng Phạm Cự Lượng mở cổng thành cho bắc lại cầu phao qua đầm lầy nhanh lên.

Tướng Phạm Cự Lượng mở cổng thành và báo:

-Dạ, cầu phao đã được quân Đỗ Cảnh Thạc bắc rồi ạ.

Đinh Bộ Lĩnh ra lệnh:

-Toàn quân ra khỏi thành xông lên chém giết.

Trong khi quân Đỗ Động Giang còn ngơ ngác thì đã bị 5 vạn quân Hoa Lư do Lê Hoàn, Đinh Liễn, Trịnh Tú chỉ huy đánh phía sau, trước mặt thì 5 vạn quân Hoa Lư trong thành Quèn xông ra chém giết. Quân Đỗ Cảnh Thạc bị kẹt vào giữa vòng vây 10 vạn quân Hoa Lư, ra sức chống đỡ nhưng thế trận đã vỡ. Tiếng chiêng trống cùng tiếng reo hò của quân Hoa Lư làm rung chuyển trời đất vùng Đỗ Động Giang. Quân Đỗ Động Giang gục đổ, máu tuôn như suối nhuộm đỏ cả dòng sông Tích, thây chất thành núi, gươm giáo chạm nhau như chớp giật. Đây là cuộc hỗn chiến, trận giáp lá cà của 15 vạn quân, trận chém giết lớn nhất trong lịch sử của cuộc nội chiến 12 sứ quân. Phần lớn 5 vạn quân của Đỗ Cảnh Thạc tử trận, còn lại đầu hàng. Đỗ Cảnh Thạc cùng tàn quân mở đường máu chạy thoát ra ngoài vòng vây nhưng quân Hoa Lư truy kích rất gắt gao. Đỗ Cảnh Thạc chạy về thành Bảo Đà nhưng thành đã bị tướng Hoa Lư Phạm Công Đình lấy mất. Đỗ Cảnh Thạc chạy về miền Sài Sơn, Phong Châu. Quân Hoa Lư vẫn truy sát. Đỗ Cảnh Thạc bị trúng tên độc của quân Hoa Lư ngã xuống ngựa mà chết. Con ngựa cao to khỏe mạnh của Đỗ Cảnh Công cưỡi suốt cuộc đời chinh chiến bây giờ nhìn chủ tướng tắt thở, nó chảy ra hai dòng nước mắt và cũng gục xuống chết theo. Đó là tháng 7 năm 966. Đỗ Cảnh Công thọ 55 tuổi.

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ba-trieu-dung-nuoc-ngo--dinh--tien-le---tap-ii--ky-22-75293