Ba triều dựng nước (Ngô - Đinh - Tiền Lê) - (Tập II - Kỳ 12)

Trân trọng giới thiệu tiếp chương I - Tập II ' BA TRIỀU DỰNG NƯỚC (NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ)' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2019.

Đền Khai Long thờ Ngô Xương Xí ở xã Tân Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Nguồn: Internet

Kỳ 12
IV

10 ngày sau lễ tang của Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn, trong một ngày có phiên thiết triều của Ngô Xương Xí, trưởng nam của Nam Sách Vương Ngô Xương Ngập với hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Dung. Dự thiết triều gồm các đại thần đã trải qua ba triều như Giám quốc Kiều Công Hãn, Thái sư Đỗ Cảnh Thạc, Tham chính Đô đốc Phạm Man, Đại tướng Lã Tử Bình. Thế lực lớn nhất trong triều đình là Lã Tử Bình. Lã Tử Bình cùng Nam Tấn Vương đi đánh Nguyễn Khoan ở Tam Đái, không may bị mai phục, Nam Tấn Vương trúng tên độc mà tử trận. Trước khi lâm chung, Ngô Xương Văn không trao binh phù Tổng chỉ huy quân đội nhà Ngô cho Phạm Man là ông chú của Ngô Xương Xí, (Phạm Man là em Phạm Bạch Hổ). Nhà vua lại trao cho Lã Tử Bình. Lã Tử Bình có binh phù, nắm quân đội nhà Ngô trong tay, có sức mạnh nên có mưu đồ bá vương mà trước hết phải đấu tranh với Đỗ Cảnh Thạc, Kiều Công Hãn, Dương Huy để tranh giành ngôi nhiếp chính, tiếp theo mới là lấy ngai vàng. Ngô Xương Xí mới 17 tuổi, khôi ngô tuấn tú, đăng quang khi còn quá trẻ. Nhà vua nhìn triều thần và nói:

-Ta nay đăng cơ, thừa kế cơ nghiệp của tổ tông họ Ngô, tuyên cáo đại xá thiên hạ:

Đế hiệu là Ngô Xương Vương. Miễn sưu thuế cho bách tính một năm, Phong mẫu thân Phạm Thị Ngọc Dung làm Hoàng thái hậu, phong đệ là Ngô Xương Tý là Ngô Chân Vương.

-Các đại thần và các triều thần giữ nguyên chức vụ: Thứ sử phong Châu Kiều Công Hãn là Giám quốc, đại tướng Đỗ Cảnh Thạc là Thái sư, Đại tướng Phạm Man là Tham chính Đô đốc. Dương Cát Lợi đại thần phụ trách ngoại giao, Đại tướng Lã Tử Bình tổng chỉ huy quân đội triều đình, Phạm Lệnh Công là Quốc cửu. Những đại thần có tên trên được dự vào hàng Quân Quốc trọng sự. Các triều thần khác cứ chức vụ như thời Nam Tấn Vương mà thực hiện. Mỗi chức vụ đại thần được cấp ruộng đất thực ấp 1000 hộ, những triều thần khác ruộng thực ấp 500 hộ. Nhà vua dứt lời, các triều thần quỳ xuống chắp tay:

-Chúng thần tạ ơn hoàng thượng, hoàng thượng vạn, vạn tuế.

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân. Ai có tấu chương cứ tấu.

Lã Tử Bình đứng dậy:

-Thần có tấu.

-Ái khanh cứ nói:

-Dạ bẩm hoàng thượng, để cho triều chính thêm kỷ cương, thần xin hoàng thượng nên lập ra chức tể tướng.

Ngô Xương Vương hỏi:

-Theo ái khanh, ai xứng đáng chức vụ đó?

-Bẩm hoàng thượng, thần tài hèn sức mọn nhưng vì hoàng thượng, vì triều đình, vì đất nước, thần sẽ xin giữ chức vụ nhiều trọng trách khó khăn đó.

Cả triều đình im lặng. Kiều Công Hãn đứng dậy tâu:

-Bẩm hoàng thượng, các chức vụ hàm cấp trong triều đình như vậy là đầy đủ, Trên có hoàng thượng, dưới đã có các đại thần phụ trách các công việc cụ thể. Có việc gì trọng đại, các đại thần họp lại thành Hội đồng quân quốc trọng sự để quyết định, cần gì phải tể tướng. Nếu có tể tướng thì chức Giám quốc của thần đã là tể tướng rồi.

Đỗ Cảnh Thạc đứng dậy tâu:

-Dạ bẩm hoang thượng, chức Thái sư của thần đã là tể tướng. Nếu có đặt ra chức tể tướng, ngoài thần kiêm nhiệm ra không còn ai khác.

Lã Tử Bình nói:

-Nếu Giám quốc và Thái sư là tể tướng do Kiều đại nhân và Đỗ đại nhân đã nắm rồi thì thần xin làm nhiếp chính.

Cả triều đình ngạc nhiên và sửng sốt với lời tâu của Lã Tử Bình. Đỗ Cảnh Thạc nổi giận nói:

-Hoàng thượng có còn là trẻ con đâu mà phải có quan nhiếp chính. Lã đại nhân đã thất lễ với hoàng thượng. Định phản nghịch chăng?

Kiều Công Hãn đứng dậy hầm hầm:

-Lã đại nhân ức hiếp triều đình, ức hiếp hoàng thượng quá đáng. Nhà ngươi dựa vào cái gì mà càn rỡ như vậy?

Lã Tử Bình mặt không đổi sắc, điềm nhien nói:

-Ta dựa vào thứ nhất, ta đã phò tá ba đời vua Ngô, đã tham gia trận Bạch Đằng năm 938, đã cùng Nam Tấn Vương lật đổ Dương Tam Kha, đem lại ngai vàng cho họ Ngô…

Đỗ Cảnh Thạc ngắt lời:

-Nếu chỉ có vậy thì ta và Kiều đại nhân đã phò tá nhà Ngô từ thời Dương Tiết độ sứ cơ. Ngài còn là kẻ đến sau.

Lã Tử Bình thấy đã đến lúc đánh bài ngửa:

-Nhưng ta đã có thứ mà hai ngài không có.

Cả triều đình nhìn tay của Lã Tử Bình giơ cao lên, thì ra trong tay của Lã Tử Bình là binh phù chủ soái, thống lĩnh toàn bộ quân đội nhà Ngô do Ngô Xương Văn trao cho trước khi từ trần.

Lã Tử Bình vênh váo nói thêm:

-Còn nữa, Nam Tấn Vương trước khi nhắm mắt có di mệnh cho ta rằng, hãy phò tá Ngô Xương Xí lên ngôi nhưng nếu nhà vua quá bạc nhược thì hãy thay nó mà ngồi vào ngai vàng.

Đại tướng Phạm Man đứng dậy:

-Đây là điều Lã đại nhân bịa đặt. Khi Nam Tấn Vương nói di mệnh ta cũng có mặt ở đó. Người dặn Lã đại nhân và tất cả các trung thần hãy trung thành với vua mới, nếu hai lòng thì thiên hạ đại loạn.

Đỗ Cảnh Thạc quá tức giận:

-Xin hoàng thượng trị tội tên phản nghịch, dám xuyên tạc di mệnh của Nam Tấn Vương.

Lã Tử Bình gọi to:

-Bay đâu.

-Dạ

Sau tiếng dạ ran, trong cung thiết triều xuất hiện 100 võ sĩ, gươm giáo sáng lòe, mặc quân phục nâu, giáp bằng đồng, sắt bao vây các triều thần.

Kiều Công Hãn nói:

-Lã tặc, định uy hiếp hoàng thượng và triều đình chăng?

Kiều Công Hãn và Đỗ Cảnh Thạc đứng dậy rút gươm ra. Phạm Man vội đứng dậy nói:

-Xin các vị đại thần yên vị, xin hoàng thượng phong cho Lã tướng quân làm nhiếp chính vương. Không sao cả, càng có nhiều người tài năng giúp đỡ phò tá hoàng thượng càng tốt.

Ngô Xương Xí thấy tình thế bất lợi cho triều đình, nếu xung đột thì phần thắng thuộc Lã Tử Bình. Ngô Xương Xí nói:

-Trẫm chuẩn tấu cho ái khanh Lã Tử Bình làm nhiếp chính, cùng các đại thần quân quốc trọng sự phò tá trẫm.

Lã Tử Bình quỳ xuống nói:

-Thần tạ ơn hoàng thượng.

Kiều Công Hãn và Đỗ Cảnh Thạc tra gươm vào vỏ, bỏ triều đình ra về.

Ngô Xương Vương nói:

-Bãi triều.

Đêm hôm đó, Ngô Xương Xí đang ngồi trong tư dinh thì có nội quan vào báo:

-Có quan Đô đốc Tham chính Phạm Man muốn gặp.

Ngô Xương Xí nói:

-Cho vào ngay.

Phạm Man bước vào thi lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Người nhà, miễn lễ.

Ngô Xương Xí nói tiếp:

-Giờ này ông còn đến, chắc có việc quan trọng?

Phạm Man nói:

-Mấy hôm nay, ông vẫn là người chỉ huy quân cấm vệ. Lã Tử Bình chưa cho người thay ông và chưa canh phòng cung của cháu nghiêm ngặt.

-Hoàng thượng, có việc này phải tính gấp, nếu không sẽ muộn. Lã Tử Bình hôm nay dùng vũ lực ép hoàng thượng , ép triều đình để được chức nhiếp chính vương, Xưa nay đã làm nhiếp chính vương thì bao giờ cũng có tham vọng cướp ngai vàng để làm vua. Mà muốn làm vua thì phải giết vua, hạ sát nhà vua đương tại vị và ba họ nhà vua. Cho nên hoàng thượng bây giờ bị không chế, Lã Tử Bình ra tay độc thủ lúc nào cũng được. Vì vậy, hoàng thượng phải tính kế thoát thân trước.

Ngô Xương Vương nói:

-Ta chưa nghĩ tới điều này. Lã Tử Bình sao dám như vậy?

Phạm Man nói:

-Hoàng thượng còn trẻ, chưa trải qua sự tàn khốc của những cuộc đấu tranh giành ngôi vị. Anh em, cha con còn tàn sát lẫn nhau nữa là người ngoài. Hoàng thượng không nghe khi Lã Tử Bình dọa Đỗ Cảnh Thạc đã đọc giả di mệnh của Nam Tấn Vương: Nếu Ngô Xương Xí bất tài thì ngươi có thể thay nó. May mà khi Nam Tấn Vương nói di chiếu, thần cũng ở đó chứng kiến.Ngô Xương Xí nói:

-Vậy bây giờ tính làm sao?

-Ngay đêm nay, hoàng thượng phải đi về Ái Châu. Đầu tiên, hoàng thượng phải đi về Đại La, ở đó có Phạm Trung, ông của hoàng thượng có 1 vạn quân sẽ hộ tống hoàng thượng về Ái Châu. Đến Ái Châu, hoàng thượng phải về căn cứ Bình Kiều là căn cứ của Ngô Tiên Vương xây dựng ngày xưa đề phòng khi dùng đến. Khi đi, Hoàng thượng phải đem cả Phạm Thái hậu và Ngô Xương Tý cùng đi.Hoàng thượng ở Bình Kiều chờ thiên hạ qua cơn đại loạn rồi sẽ tính sau.

Ngô Xương Vương hỏi:

-Nhưng làm sao ra thành được?

-Mới chỉ một ngày, Lã Tử Bình chưa kịp cách chức thần. Thần vẫn là Tham chính đô đốc phụ trách quân ngự lâm. Hoàng thượng, Ngô Xương Tý, Phạm Thái hậu cải trang thành lính ngự lâm do ta trực tiếp dẫn đi còn ai dám hỏi. Đồ đạc hành lý không cần mang, có vàng bạc thì mang hết đi đề phòng dùng tới.

Khi ba người cải trang xong thì đêm vẫn chưa khuya lắm. Phạm Man dẫn ba người như đi tuần tra qua cổng thành. Lính gác cổng trông thấy cúi chào:

-Xin kính chào Phạm tướng quân.

Phạm Man cúi đầu đáp lễ và nói:

-Ta vâng lệnh hoàng thượng ra ngoài thành có việc gấp, mở cổng thanh ngay.

-Dạ.

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ba-trieu-dung-nuoc-ngo--dinh--tien-le---tap-ii--ky-12-75100