Bà tổ trưởng gương mẫu, đi đầu

Trở về với đời thường sau hơn 30 năm công tác trong quân ngũ, Trung tá Nguyễn Thị Túc luôn nhiệt tình, tâm huyết trong tham gia các hoạt động ở địa phương. Trên cương vị Tổ trưởng Tổ dân phố 34, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu dân cư số 5, phường Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội), hàng chục năm qua, 'đầu nghĩ, chân đi, miệng nói, tay làm', hình ảnh, việc làm của cựu nữ quân nhân này để lại tình cảm quý mến, kính trọng của mọi người.

Người “khởi phát” nhiều mô hình ý nghĩa

Tuổi đã hơn “lục tuần”, đảm trách nhiều vai trò ở địa phương, nhưng ở nhiệm vụ nào cũng thấy bà Nguyễn Thị Túc tâm huyết, trách nhiệm hết mình. Đặc biệt, bà luôn tìm hiểu, học hỏi và sáng tạo ra nhiều mô hình, cách làm hay để vận dụng và thực hiện ở khu phố mang lại việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa, văn minh ở khu dân cư.

Tại khu dân cư số 5 và hầu hết các gia đình ở phường Xuân La, đều sử dụng làn nhựa để đi chợ, đựng thực phẩm thay túi ni lông. Thay đổi trên bắt nguồn từ sáng kiến đan làn nhựa mà bà Túc phát động nhiều năm nay và được chị em ủng hộ nhiệt tình. Ban đầu, bà tổ trưởng nhờ thợ về hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đan làn nhựa cho một số chị em trong tổ dân phố. Cùng với chủ động học qua internet, chỉ trong thời gian ngắn, tay nghề của họ được nâng cao, đan được nhiều kiểu làn nhựa khác nhau. Có vốn ban đầu là số chị em đã được học nghề, bà Túc lại tổ chức cho những phụ nữ khác trong khu dân cư đến nhà mình học đan làn nhựa. Đến nay, gần 100% hội viên Chi hội phụ nữ khu dân cư số 5 đã thực hành đan thành thạo với nhiều sản phẩm đa dạng, bền đẹp, từ đó chị em hội viên cùng bỏ dần thói quen dùng túi ni lông đựng thực phẩm, góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt, mô hình đan làn nhựa đã tạo việc làm cho nhiều chị em, khi mỗi năm Chi hội phụ nữ khu dân cư số 5 đan được hàng nghìn chiếc làn bán ra thị trường, tăng thêm thu nhập đáng kể cho hội viên. Mới đây, chi hội đã trao 400 chiếc làn tặng chị em phụ nữ ở tỉnh Điện Biên. Mô hình này đã được nhân rộng ra 10 chi hội phụ nữ ở phường Xuân La và một số địa phương khác.

 Bà Nguyễn Thị Túc (bên trái) và chị em phụ nữ tổ dân phố 34, phường Xuân La, trao đổi sản phẩm làn nhựa vừa mới hoàn thành.

Bà Nguyễn Thị Túc (bên trái) và chị em phụ nữ tổ dân phố 34, phường Xuân La, trao đổi sản phẩm làn nhựa vừa mới hoàn thành.

Nghĩ gì, thấy gì có lợi, có ích bà Túc bắt tay vận động hội viên hưởng ứng. Như mô hình nuôi lợn nhựa tiết kiệm thu hút hơn 300 hội viên phụ nữ tham gia với số tiền tích góp mỗi năm trung bình vài chục triệu đồng/con lợn nhựa. Từ số tiền tiết kiệm này hằng năm góp phần ủng hộ cho quỹ chi hội phụ nữ hàng chục triệu đồng để tặng sổ tiết kiệm, tặng quà gia đình người có công, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và gây quỹ hoạt động của hội. Bà tổ trưởng còn đứng ra tổ chức cho chị em tham gia bán thịt sạch trong hệ thống chuỗi cửa hàng thịt sạch Organic Green ngay trên địa bàn phường. Hay việc đẩy mạnh phong trào thiện nguyện tại các cụm dân cư, bà tổ trưởng cho lắp đặt tủ quần áo từ thiện đặt tại Nhà văn hóa khu dân cư số 5 và kêu gọi mọi người ủng hộ để tặng người dân còn khó khăn ở vùng cao, biên giới, hải đảo.

Đội tự quản hoạt động xuyên đêm

Năm 2018, một đồng chí Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội về tiếp xúc cử tri tại phường Xuân La đã ngợi khen: “Nếu ở đâu cũng sạch đẹp và ý thức như tổ dân phố 34 này thì cả Hà Nội sẽ như một công viên rộng lớn”. Để trở thành khu phố kiểu mẫu về cảnh quan, môi trường, bà Túc đứng ra thành lập đội tự quản giữ gìn vệ sinh môi trường tại các ngõ, ngách. Đều đặn sáng thứ bảy hằng tuần, các nhóm vệ sinh môi trường ra quân tổng vệ sinh tại các điểm công cộng. Riêng tại khu vực Quán La Xã, nơi có di tích đình Khai Nguyên, đình Quán La, 5 cây di sản Việt Nam có niên đại hàng chục thế kỷ và khu Tượng đài Bác Hồ hằng ngày đều có chị em phụ nữ thay nhau dọn dẹp vệ sinh, bảo đảm tôn nghiêm, khang trang, sạch đẹp.

Cách đây chưa lâu, tại khu vực ngã tư ngõ 38, tổ dân phố 34, nơi giáp ranh với phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm có bãi rác lưu cữu nhiều năm với hàng trăm khối rác nằm trên diện tích gần 200m2. Khu đất này nằm sau nhà của 6 hộ dân và là đất xen kẹt nên lâu dần biến thành điểm đổ rác của nhiều người dân trong ngõ và nơi khác đến. Việc xử lý bãi rác này bị trì trệ, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.

Bà Túc trực tiếp báo cáo đề nghị UBND phường Xuân La phương án xử lý; trực tiếp vận động các hộ dân gần khu vực bãi rác cùng tham gia đóng góp công sức, vật chất để dọn dẹp. Sau một thời gian làm quyết liệt, bãi rác khổng lồ được giải tỏa. Tại đây không những được lắp camera, cắm tấm biển “cấm đổ rác”, mà thời gian đầu, dưới sự "chỉ huy" của bà Túc, chị em thay nhau canh gác liên tục, không kể ngay hay đêm, nắng hay mưa, kiên quyết không để người dân tái vứt rác trộm. Với cách làm triệt để này, người dân đã ý thức được việc chấp hành quy định về vệ sinh môi trường, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Giờ đây, khu vực ngã tư ngõ 38 trở thành một không gian xanh sạch đẹp.

Người nối lại “bờ vui”

Câu chuyện không vui của vợ chồng anh chị Nguyễn Thị Lan, Lê Văn Tích ở tổ dân phố 34, phường Xuân La cách đây gần hai năm về trước nay đã vào “dĩ vãng”. Giờ đây, vợ chồng hòa thuận, yên tâm làm ăn phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, con gái lớn thi đỗ Trường Đại học Thương mại, con trai là học sinh xuất sắc của Trường Tiểu học Xuân La, quận Tây Hồ. Anh Lê Văn Tích trần tình thật lòng với chúng tôi về những lỗi lầm mà anh vướng vào làm hạnh phúc gia đình có nguy cơ đổ vỡ, nhưng nhờ bà tổ trưởng kiên trì hàn gắn, nối lại nên mới có được như ngày hôm nay. Anh Tích thổ lộ: “Bà tổ trưởng là ân nhân của gia đình tôi. Nếu không có sự cảm thông, chia sẻ và sự kiên trì của bà ấy thì có lẽ nhà tôi giờ đã không còn gì”.

Được biết, trước đó, vợ chồng anh chị thường xuyên xảy ra cãi vã, "cơm không lành canh không ngọt", ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh. Trước tình hình đó, bà Túc cùng các thành viên trong tổ phụ nữ và tổ hòa giải của tổ dân phố tổ chức “hội thảo” bàn kế hoạch xử lý vụ việc phức tạp này. Hằng ngày, bà Túc đến gặp gỡ, động viên anh chị nhường nhịn lẫn nhau, cùng "chung lưng đấu cật" nuôi dạy con cái. Cứ thế, với vốn kiến thức từng trải khi đã tham gia nhiều hội thi phụ nữ giỏi ở trong và ngoài quân đội; sự chân thành và kinh nghiệm sống, cùng với sự kiên nhẫn, nhiệt tình, bà Túc đã thu phục, làm tỉnh ngộ dần nhận thức của vợ chồng anh Tích, chị Lan.

Có thể nói, từ cán bộ phường cho đến người trong khu dân cư số 5 đều dành cho bà Túc những tình cảm đặc biệt. Một cán bộ cơ sở, một người lính Cụ Hồ với những hành động và việc làm để người dân trong khu phố kính trọng, họ luôn tin tưởng và gương mẫu làm theo ý kiến truyền đạt, hướng dẫn của bà. Năm 2019, bà Nguyễn Thị Túc được TP Hà Nội tuyên dương gương “Người tốt, việc tốt”.

Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ HÒA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/ba-to-truong-guong-mau-di-dau-613300