'Bà tiên' giữa đời thường

'Bà cảm thấy hạnh phúc khi mỗi ngày, mình có thể giúp ai đó để cuộc sống của họ bớt khó khăn hơn'. Đó là lời chia sẻ của bà Maria Nguyễn Thị Gái - một người Công giáo Thủ đô luôn âm thầm, lặng lẽ giúp đỡ bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào mà bà gặp, dù ít dù nhiều.

Bà Maria Nguyễn Thị Gái trở thành hạt nhân, lan tỏa phong trào ''người tốt, việc tốt'' trong đồng bào Công giáo Thủ đô.

Bà Maria Nguyễn Thị Gái trở thành hạt nhân, lan tỏa phong trào ''người tốt, việc tốt'' trong đồng bào Công giáo Thủ đô.

Giúp người là lẽ thường tình

Mặc dù đã ở tuổi 75, tóc đã bạc nhưng bà Maria Nguyễn Thị Gái vẫn luôn bận rộn. Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm, bà đã có mặt ở một cửa hàng trên đường Đê La Thành để giúp chủ nhà rửa bát, nhặt rau, phụ họ bán hàng đến chiều. Mỗi ngày, bà nhận được từ 60 - 80.000 đồng, cùng với lương hưu, gom góp lại để trong một cái túi nhỏ, hễ gặp ai kém may mắn, bà lại trích số tiền ấy ra để giúp đỡ họ.

“Chiếc túi kỳ diệu” của bà Nguyễn Thị Gái được chia ra thành nhiều khoản nhỏ. Khoản dành mua thịt, gạo ủng hộ nồi cháo từ thiện; khoản dành mua đồ ăn và quần áo, khăn mặt cho các cụ ở Trung tâm nuôi dưỡng người cao tuổi Bùi Chu, Phát Diệm, Ninh Bình; khoản thì để giúp mấy cháu có hoàn cảnh khó khăn… Chúng tôi hỏi: “Thế còn khoản chi tiêu cho mình thì bà để ở đâu?”. Bà cười hồn hậu: “Đơn giản lắm, ngày hai bữa ăn, quần áo thì cần vài bộ là xong. Kể cả còn một đồng trong túi, nhưng nếu cần, bà vẫn chia sẻ”.

Bà Gái vốn sinh gia trong gia đình nghèo đông con ở phố Hàng Bột cũ (nay là phố Tôn Đức Thắng). Từ khi mới 12 tuổi, bà hàng ngày theo bố lao động đủ nghề để kiếm tiền. Ngay từ khi ấy, khi gặp người có hoàn cảnh khó khăn, bà đã nảy sinh lòng trắc ẩn và luôn tìm cách giúp đỡ họ trong khả năng của mình. Sau đó, bà Gái xin được làm công nhân Nhà máy thuốc lá Thăng Long. Ngoài giờ làm ca kíp, bà Gái còn mua bánh mì, đậu phụ buôn lấy lãi ở chợ Hàng Ngang, Hàng Đào… Suốt hơn 32 năm như vậy, bà cùng chồng đã nuôi 5 người con của mình ăn học nên người.

Đối với bà Nguyễn Thị Gái, giúp đỡ người khác là lẽ tất nhiên, điều bình thường. Bà có thế nào, bà sẽ giúp đỡ người khác như thế. 13 năm chăm chồng bị tai biến phải nằm trong bệnh viện Thanh Nhàn, bà không chỉ chăm sóc chồng chu đáo mà còn luôn quan tâm đến những người nghèo khổ cũng phải điều trị tại đây. Lúc thì bà cho người này bộ quần áo mới, lúc lại nấu cháo, mua sữa cho người kia ăn. Người nào chưa có người chăm sóc, bà giúp họ. Thấy một cụ già co ro nơi đường phố, bà sẵn sàng dành tấm chăn mới để biếu cụ đắp qua mùa đông rồi nỗ lực tìm cho cụ một mái nhà làm nơi nương tựa.

Bà Gái còn là một trong ba thành viên của nhóm nấu cháo từ thiện cho những bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Từ 3 năm nay, 100 suất cháo thịt vẫn được đưa vào viện đều đặn vào thứ Năm hàng tuần.

Truyền tỏa tấm lòng đẹp

Từ lối sống “thương người như thể thương thân” của bà Gái, nhiều người đã học theo bà làm những việc tốt. Bà Bùi Thị Tuyết và Phan Thị Mùi, hội viên phụ nữ Chi hội 4, phường Bạch Mai đã tổ chức nhóm từ thiện bao gồm 11 thành viên, mỗi tháng đóng góp hơn 1 tạ gạo để ủng hộ các gia đình khó khăn trên địa bàn phường. Tấm lòng đẹp của bà còn được truyền tỏa đến cô con gái út là Phạm Thanh Bình và cháu gái Trần Thanh Huyền, cũng theo chân bà đi phát cháo từ thiện cho bệnh nhi nghèo ở các bệnh viện.

Thật không thể kể hết những gì bà Gái đã làm cho người khác hay bao nhiêu người đã được bà giúp đỡ. Bởi những việc đó dường như đã trở thành việc hàng ngày của bà, nhưng bà Gái không bao giờ coi những việc ấy là to tát. Lúc nào bà cũng bảo, bà có làm được gì đâu, chỉ cần lương tâm thấy thoải mái là đủ rồi.

Đến với công giáo từ sau khi gặp và quyết định nên duyên vợ chồng với ông - là người công giáo nhưng dù có niềm tin vào tôn giáo nào thì niềm tin ấy cũng luôn khiến bà Nguyễn Thị Gái muốn san sẻ, giúp đỡ những người xung quanh. Bà luôn hướng mình đến điều thiện và tốt đẹp trong cuộc sống. Đối với những người đã từng được bà Gái giúp đỡ, bà chính là “bà tiên” của họ.

Thủy Tiên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ba-tien-giua-doi-thuong-329814.html