Bà Rịa - Vũng Tàu: Tổng Giám đốc bán tài sản nhà nước trái quy định

Chủ sở hữu tàu Sông Xanh 18 là UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng Tổng Giám đốc Công ty cổ phẩn dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu tự ý bán thanh lý, gây thiệt hại cho UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gần 500 triệu đồng.

Người đại diện vốn nhà nước qua mặt… nhà nước

Năm 2012 Công ty cổ phần dịch vụ và vận tải biển Vũng Tàu (gọi là Vungtauship) được thành lập theo Quyết định số 145/QĐ-UBND ngày 19/01/2012. Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giữ 13.002.560 cổ phần (chiếm 79,17% vốn điều lệ). Ông Nguyễn Khắc Du được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao làm đại diện vốn nhà nước tương đương 53,17% vốn điều lệ Công ty, được cử làm Tổng giám đốc, thành viên HĐQT.

Tàu Sông Xanh 18 đầu tư 10,5 tỉ đồng. Sau 5 năm bán thanh lý 5,7 tỉ đồng

Ngày 16/4/2015 ông Nguyễn Khắc Du đề nghị HĐQT phê duyệt chủ trương bán thanh lý tàu Sông Xanh 18 để tránh rủi ro, thua lỗ kéo dài. Cùng ngày, HĐQT Vungtauship có biên bản giao Tổng Giám đốc Quyết định và chịu trách nhiệm triển khai bảo toàn vốn của doanh nghiệp trong việc thanh lý tàu Sông Xanh 18.

Ngày 27/4/2015 có hai công ty là Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải biển Hải Vân và Công ty cổ phần dịch vụ Hàng Hải - Dầu khí Hưng Thái tham gia đấu giá. Sau đó Công ty cổ phần dịch vụ Hàng Hải Dầu khí Hưng Thái trúng đấu giá mua tàu Sông Xanh 18 với giá 6,7 tỉ đồng. Ngày 25/6/2015 Vungtauship nhận đủ 5,7 tỉ đồng tiền bán tàu Sông Xanh 18. Ngày 30/6/2015 Vungtauship bàn giao tàu Sông Xanh 18 cho Công ty cổ phần dịch vụ Hàng Hải - Dầu khí Hưng Thái.

Theo quy định, chủ sở hữu tàu Sông Xanh 18 là UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, việc bán hay thanh lý phải có ý kiến của UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Mặt khác, nếu bán hay thanh lý đều phải thẩm định giá theo quy định của Bộ Tài Chính. Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Du đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, không xin ý kiến chủ trưởng của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tự ý ký tờ trình bán thanh lý tàu Sông Xanh 18, tiếp đến bên trúng thầu mua với giá 5,7 tỉ đồng (thấp hơn 497 triệu đồng).

Như vậy, việc bán thanh lý tàu Sông Xanh 18, ông Nguyễn Khắc Du đã vi phạm tại khoản 1 Điều 3, khoản 3 Điều 28 nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Dẫn đến tài sản Nhà nước bị thiệt hại hơn 497 triệu đồng từ việc thiếu trách nhiệm của ông Nguyễn Khắc Du.

Báo cáo sai để bán cổ phần Cảng Quốc tế Thị Vải?

Dự án Cảng Quốc tế Thị Vải được Bộ Kế hoạch Đầu tư cấp giấy phép số 1899/ GP ngày 07/5/1997, thời gian hoạt động là 32 năm, gồm 3 thành viên là Vungtauship (VTS) Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS); Bên nước ngoài (KYOEI). Mức đầu tư dự án ban đầu là 56.000.000 USD, trong đó VTS góp 4.612.500 USD (chiếm 52%). Bằng giá trị quyền sử dụng 41ha đất và mặt nước. Tổng công ty thép Việt Nam góp 4.027.500 USD (chiếm 22,4%) bằng tiền mặt; Bên nước ngoài góp 9.360.000 USD (chiếm 52%) bằng tiền mặt.

Năm 2014 Dự án Cảng Quốc tế Thị Vải thay đổi Giấy chứng nhận đầu tư thứ hai do UBND tỉnh cấp ngày 3/7/2014, điều chỉnh tăng mức đầu tư dự án từ 56.000.000 USD lên 132.840.000 USD, tăng quy mô cảng từ 30.000 DWT lên 80.000 DWT, tăng vốn điều lệ từ 18.000.000 USD lên 39.852.000 USD, tăng thời gian hoạt động của dự án từ 32 năm lên 50 năm (từ 1997- 2047). Cơ cấu góp vốn thay đổi VTS góp 10.202.112 USD chiếm 23,6% vốn điều lệ, bao gồm giá trị quyền sử dụng đất 41ha mặt đất và mặt nước, tiền mặt 5.589.612 USD; VNS giữ nguyên 4.027.500 USD; hạ tỉ lệ góp vốn xuống còn 10,1% KYOEI góp 25.622.388 USD tăng tỉ lệ vốn góp lên 64,3%.

Trụ sở Công ty cổ phần Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu (vungtauship)

Theo tiến độ dự án kết thúc giai đoạn 1 sẽ đưa vào hoạt động năm 2016, dự án sẽ lỗ trong 2 năm đầu, đến năm 2018 sẽ bắt đấu có lãi. Nhưng trong quá trình góp vốn các bên chậm trễ nên dự án kéo dài đến năm 2018 mới đi vào hoạt động. Như vậy dự báo 2 năm lỗ là 2018 và 2019, đến năm 2020 sẽ bắt đầu có lãi.

Mặc dù từ năm 2015 dự án đang thi công, việc chậm góp vốn kéo dài đến năm 2019, nhưng từ năm 2015 -2018, ông Nguyễn Khắc Du nhiều lần kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cho phép Công ty chuyển nhượng phần vốn góp vào liên danh Cảng Quốc tế Thị Vải, với lý do VTS gặp khó khăn về tình hình tài chính và việc đầu tư không mang lại hiệu quả, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.

Trên cơ sở đề nghị của ông Nguyễn Khắc Du, UBND tỉnh bà Rịa – Vũng Tàu có Thông báo số 160/TB-UBND ngày 13/5/2015, chỉ đạo các Sở ban ngành nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cho phép VTS dừng góp thêm vốn vào Công ty TNHH Cảng Quốc tế Thị Vải, tìm đối tác để chuyển nhượng phần vốn góp bắng giá trị quyền sử dụng đất là 4.612.500 USD và thoái vốn hoàn toàn tại Công ty TNHH Cảng Quốc tế Thị Vải.

Khi các Sở ban ngành đang tích cực tham mưu USND tỉnh xử lý, đề nghị chuyển nhượng phần vốn góp vào liên doanh Cảng Quốc tế Thị Vải, của Vungtauship theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Ngày 24/7/2017 ông Nguyễn Khắc Du ký văn bản ngược lại, đề nghị Tỉnh ủy và UBND tỉnh cho phép VTS được tiếp tục đầu tư vào Liên doanh Cảng Quốc tế Thị Vải với lý do: “Hiện nay, tàu ra vào cảng trong khu vực Vũng Tàu ngày một nhiều. Trong năm 2016 hoa tiêu Vũng Tàu đã dẫn 11.106 lượt tàu ra vào cảng là các tàu chở hàng tổng hợp. Lượng hàng tổng hợp qua khu vực Cái Mép – Thị Vải tăng trưởng nhanh trong 3 năm qua. Tổng lượng hàng tổng hợp năm 2013 là 17,2 triệu tấn, năm 2014 là 30,6 triệu tấn, 2015 là 25,9 triệu tấn và năm 2016 là 29,5 triệu tấn. Tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân đạt 19,7% năm. Như vậy, việc đầu tư xây dựng cảng thời điểm này là thích hợp và mang lại hiệu quả tốt”.

Từ văn bản của người đại diện vốn nhà nước nêu trên, ngày 04/8/2017 Tỉnh ủy có Thông báo số 832-TB-UB đồng ý chủ trưởng cho VTS tiếp tục đầu tư Dự án Cảng Quốc tế Thị Vải, nhưng yêu cầu “Đồng ý chủ trương cho Công ty tiếp tục đầu tư dự án, trên cơ sở tính toãn kỹ hiệu quả kinh tế, khả năng trả nợ, đảm bảo sản xuất kinh doanh của Công ty ổn định và phát triển”.

Ngày 31/7/2018, ông Nguyễn Khắc Du với tư cách là người đại diện vốn nhà nước, tiếp tục ký công văn số 465/BC-VTS “lộn sòng” với văn bản trước, đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho phép VTS được chuyển nhượng phần góp vốn trong liên danh Cảng Quốc tế Thị Vải cho nhà đầu tư khác, với lý do hoạt động không mang lại hiệu quả.

Theo Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Nguyễn Khắc Du đã không thực hiện theo chỉ đạo của Tỉnh ủy – UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, vì vậy Sở Tài chính đề nghị tại văn bản số 3502/STC-TCDN ngày 07/9/2018 “Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của người đại diện vốn, đối với việc không thực thực hiện theo chỉ đạo của Tỉnh ủy – UBND tỉnh, trước khi quyết định tiếp tục đầu tư góp vốn vào Công ty TNHH Cảng Quốc tế Thị Vải”.

Rõ ràng, là người nắm giữ vốn của nhà nước ở Vungtauship, nhưng ông Nguyễn Khắc Du lại bất nhất với khi ký các văn bản báo cáo cấp trên. Đặc biệt, ông Nguyễn Khắc Du không chấp hành chỉ đạo của Tỉnh ủy- UBND tỉnh.

Ngày mai Báo Pháp Luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

HOÀI NAM

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/ba-ria-vung-tau-tong-giam-doc-ban-tai-san-nha-nuoc-trai-quy-dinh-13609/