Bà Rịa – Vũng Tàu: Thể hiện quyền nhưng… trái luật!

Trong khi cả nước đang tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, rút gọn thủ tục hành chính cho tổ chức và cá nhân thì UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại đi ngược với chủ trương chung khi ban hành một văn bản pháp luật làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, tăng thêm chi phí, gây phiền hà cho người dân.

Ngày 22/7/2019, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND về phân lô tách thửa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Sau khi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Quyết định 18/2019/QĐ-UBND, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND.

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 24/2/2010, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp đã ban hành Kết luận số 47/KLTrVB, kết luận kiểm tra đối với Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND. Theo đó, Kết luận số 47/KLTrVB đã chỉ ra nội dung trái pháp luật của Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND.

Theo Kết luận số 47/KLTrVB: Tại điểm d khoản 1 Điều 4 của Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND quy định đối với đất ở, đất thương mại dịch vụ và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp diện tích tối thiểu và kích thước các thửa đất sau khi tách thửa (không bao gồm phần diện tích hành lang, lộ giới, đường giao thông đã có quy hoạch) phải đảm bảo:

Đối với thửa đất có diện tích từ 500m2 đến 2.000m2 tại TP Vũng Tàu và diện tích từ 1000m2 đến 5.000m2 tại các huyện, thị xã, thành phố còn lại, trước khi tách thửa theo quy định tại điểm a, b khoản này thì người sử dụng đất phải lập phương án mặt bằng tách thửa được UBND cấp huyện chấp thuận.

Tuy nhiên Cục Kiểm tra VBQPPL cho biết quy định đó là trái pháp luật, không phù hợp với Điều 9 Thông tư số 24/2014BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hồ sơ địa chính quy định khi người sử dụng đất thực hiện thủ tục tác thửa hoạch hợp thửa đất chỉ phải nộp hai loại giấy tờ là Đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa và Bản gốc GCN QSDĐ đã cấp.

Như vậy, việc yêu cầu người sử dụng đất phải lập phương án mặt bằng tách thửa được UBND cấp huyện chấp thuận như quy định nêu trên của Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND là không phù hợp với Thông tư số 24/2014BTNMT, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, tăng thêm chi phí, gây phiền hà cho người dân.

Kết Luận Kiểm Tra số 47/KL- KT,VB ngày 14/2/2020 của Cục kiểm tra VBQPPL – Bộ Tư Pháp

Kết Luận Kiểm Tra số 47/KL- KT,VB ngày 14/2/2020 của Cục kiểm tra VBQPPL – Bộ Tư Pháp

Đối với thửa đất có diện tích lớn hơn 2000m2 tại TP Vũng Tàu và lớn hơn 5000m2 tại các huyện, thị xã, thành phố còn lại, trước khi tách thửa theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 4 nói trên thì người sử dụng đất phải lập dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; Điều 9, Điêù10, Điều 11, Điều 12, Điều 13 Luật Nhà ở năm 2014; Điều 19 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014.

Kết luận số 47/KLTrVB chỉ rõ, việc tách thửa, trình tự, thủ tục thực hiện việc tách thửa thực hiện theo Luật Đất đai, Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Thông tư 24/2014/BTNMT; việc lập dự án đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt được thực hiện theo Luật Đầu tư và Luật Xây dựng. Trong trường hợp người sử dụng đất chỉ yêu cầu tách thửa, không có mục đích thực hiện đầu tư dự án thì việc yêu cầu người sử dụng đất phải lập dự án đầu tư là không có cơ sở pháp lý, không phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng.

Tại Kết luận số 47, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu khẩn trương xử lý những nội dung không phù hợp pháp luật của Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND.

Rà soát quá trình thực hiện Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định không phù hợp với pháp luật nêu trên gây ra (nếu có); đồng thời, xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành văn bản.

Theo tìm hiểu của PV, thời gian vừa qua, nhu cầu tách và hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rất lớn. Kể từ tháng 7/2019 đến nay, những người có nhu cầu tách, hợp thửa trên địa bàn tỉnh này gặp rất nhiều khó khăn, khi mà các thủ tục hành chính không thể thực hiện được bởi một quyết định có nội dung trái pháp luật được UBND tỉnh ban hành - Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND.

Trao đổi với PV về nội dung ra văn bản trái pháp luật, hướng khắc phục hậu quả và ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho sai phạm tại Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND. Ông Lê Tuấn Quốc (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), cho biết: Hiện UBND tỉnh đang giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại và sớm có văn bản hướng dẫn mới phù hợp pháp luật, giải quyết cho người dân. "Làm thế nào để ngăn chặn được việc xây dựng trái phép. Nếu để phân lô tách thửa đem bán mà không có sự quản lý, việc xây dựng trái phép sẽ tùm lum hết”, ông Tuấn phân minh.

Nói như ông Phó Chủ tịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì chẳng khác nào tỉnh này cho mình cái quyền đứng trên những quy định của pháp luật, coi thường các Bộ Luật, coi thường các Nghị định, Thông tư hướng dẫn… tự cho mình cái quyền thích làm gì thì làm…

Thực tế đã chứng minh, những văn bản quy phạm pháp luật có nhiệm vụ vô cùng quan trọng, thể hiện quyền lực của cơ quan công quyền và điều chỉnh hành vi của công dân. Ra văn bản sai căn cứ pháp lý, dẫn đến cấp thực hiện thiếu chuẩn mực khi thực hiện. Một số người đã ví việc ra văn bản trái pháp luật thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả tham ô hay lãng phí. Bởi việc tham ô có thể chỉ do một cá nhân hoặc một nhóm người thực hiện, số tiền thiệt hại có thể đo đếm được. Trong khi đó, việc ban hành văn bản trái pháp luật. Xét một cách tổng thể, những thiệt hại này không thể đo đếm được.

Với không ít văn bản trái pháp luật, từ khi được ban hành, có hiệu lực thi hành đến khi bị Bộ Tư pháp phát hiện, bị "tuýt còi", thường rất lâu. Và từ khi bị "tuýt còi" đến khi cơ quan ban hành văn bản đó điều chỉnh lại hay thu hồi văn bản, còn lâu hơn nữa, thì mức độ gây hại cho xã hội càng lớn.

Và rất nhiều văn bản trái pháp luật đó đã gây hại trực tiếp đến người dân, vì đối tượng điều chỉnh của các văn bản đó là dân. Nhưng trong khi pháp luật quy định một đằng thì những văn bản đó lại quy định một nẻo. Những văn bản trái pháp luật đó còn trở thành những công cụ để một bộ phận công chức, viên chức hành dân. Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND là một thí đụ điển hình?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Trang Việt

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/congly-24h/ba-ria-vung-tau-the-hien-quyen-nhung-trai-luat-39156.html