Bà Rịa – Vũng Tàu: Nỗ lực không 'bỏ sót' quyền lợi của người được trợ giúp pháp lý

Sáng 1/8, Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc làm Trưởng đoàn đã làm việc với Công an huyện Long Điền và Tòa án nhân dân Thành phố Bà Rịa.

Tham gia Đoàn kiểm tra có bà Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp làm Phó Trưởng đoàn và các thành viên khác là đại diện lãnh đạo các cơ quan tố tụng ở Trung ương.

Về phía địa phương có ông Hồ Văn Hùng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ,ông Phạm Phước Bình - Phó trưởng công an huyện Long Điền, bà Lê Thị Hồng Nguyệt, Phó chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Bà Rịa cùng các thành viên hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

Đoàn kiểm tra đã nghe báo cáo của đại diện cơ quan công an huyện Long Điền đánh giá những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 10).

Theo Trung tá Phạm Phước Bình – Phó trưởng Công an huyện Long Điền, sau khi Thông tư liên tịch số 10 được triển khai, Công an huyện Long Điền đã nhanh chóng triển khai trong toàn đơn vị, lực lượng điều tra và nhà tạm giữ công an huyện, có niêm yết bảng thông tin tại nhà thăm nuôi, niêm yết tại 20 buồng giam giữ. Có phương án tuyên truyền, thông báo cho người bị buộc tội, người bị hại, người có nghĩa vụ liên quan. Tạo điều kiện cho người trợ giúp gặp gỡ người tạm giữ, tạm giam cũng như được tiếp cận thực hiện công tác trợ giúp pháp lý được thuận lợi. Trong thời gian từ 9/2018 đến nay, tổng cộng có 119 vụ án hình sự, 123 bị can, trong đó có 10 đối tượng trong 9 vụ án được trợ giúp pháp lý.

Còn theo bà Lê Thị Hồng Nguyệt, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Bà Rịa báo cáo công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại đơn vị luôn được thực hiện nghiêm túc, nội dung Thông tư liên tịch 10 được quán triệt cho tất cả thẩm phán, thư ký, toàn thể đơn vị biết và thực hiện. Bảng thông tin tuyên truyền được đặt tại hội trường xét xử, là nơi dễ dàng thấy nhất. TAND cũng luôn luôn tạo điều kiện cho trợ giúp viên, cộng tác viên tiếp cận nghiên cứu, sao chụp hồ sơ. Trong 6 tháng đầu năm 2019, thụ lý 590 vụ án, bao gồm hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, xử lý hành chính. Tính từ 11/2018 đến 7/2019 có 12 vụ được trợ giúp pháp lý. Trong đó, có 4 vụ án hình sự được cơ quan điều tra chuyển qua và đã được thực hiện hồ sơ trợ giúp.

Tại buổi làm việc, các thành viên của Đoàn kiểm tra đã phát biểu, nêu ý kiến thảo luận nhằm làm rõ những vấn đề mà Đoàn kiểm tra quan tâm. Trong đó, hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, trách nhiệm của Trung tâm trong việc phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, kết quả thực hiện chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý.

Bà Lê Thị Thúy– Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết: công tác phối hợp với các đơn vị được triển khai chặt chẽ. Trung tâm cung cấp đầy đủ văn bản giấy tờ: bản thông tin, in ấn, số điện thoại trợ giúp viên để dán tại buồng giam giữ, in các biểu mẫu trong thông tư để cung cấp cho công an. Thậm chí có trường hợp không cần gửi văn bản, chỉ cần điện thoại, trung tâm sẽ cử người hỗ trợ, hoặc có thể liên hệ bằng nhiều cách như gửi văn bản giấy, hoặc tin nhắn, mạng xã hội..

Đoàn kiểm tra cũng nêu những hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý, quá trình triển khai thực hiện hoạt động phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Minh - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, và các thành viên Đoàn kiểm tra đã có một số ý kiến trao đổi với Hội đồng phối hợp liên ngành, đánh giá cao sự chuyển biến tích cực trong những năm qua trong công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương và các thành viên Hội đồng.

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc thay mặt Đoàn kiểm tra đã đánh giá cao công tác chuẩn bị và kết quả hoạt động của Công an huyện Long Điền như chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để đoàn tham khảo thêm. Công tác phối hợp liên ngành được triển khai bài bản, rất cụ thể giữa cơ quan với Trung tâm. Thứ trưởng mong muốn cơ quan Công an huyện Long Điền cố gắng duy trì để không bỏ sót quyền lợi của những người thuộc diện được trợ giúp, bản thân những trường hợp đó đã chịu rất nhiều thiệt thòi, đây là cơ hội để họ được tiếp cận công lý.

Trong công tác trợ giúp pháp lý tại Tòa án Thành phố Bà Rịa, Thứ trưởng đánh giá đơn vị có triển khai thông tin trợ giúp pháp lý, bước đầu có chuyển biến tốt. Tuy nhiên, theo yêu cầu hiện nay, cần phải tiếp tục duy trì từng bước, đòi hỏi tính chủ động từ phía cơ quan nhà nước trong công tác để không bỏ lọt trường hợp trợ giúp, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng trong công tác trợ giúp, thường xuyên trao đổi phối hợp với Trung tâm để rút kinh nghiệm làm tốt hơn. Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ quan tăng cường phối hợp, kiểm tra giám sát…

Thu Trọng Hùng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/ba-ria-vung-tau-no-luc-khong-bo-sot-quyen-loi-cua-nguoi-duoc-tro-giup-phap-ly-464450.html