Bà Rịa-Vũng Tàu: Điều chỉnh quyết định về tách thửa đất

Những điểm Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) 'tuýt còi' trong quyết định về tách thửa đều được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.

Mới đây, Thường trực UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục họp để nghe Sở TN&MT báo cáo tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 18/2019 (QĐ 18) của UBND tỉnh quy định về tách thửa đất trên địa bàn.

Đây là lần thứ hai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu họp để nghe Sở TN&MT trình dự thảo sửa đổi, bổ sung sau khi quyết định này bị Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) “tuýt còi” hồi tháng 2-2020.

Bỏ việc cấp huyện duyệt bản vẽ…

Theo Sở TN&MT, dự thảo mới đã tiếp thu ý kiến UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, những nội dung từng bị Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) kết luận là phát sinh thủ tục hành chính cho người dân đều được bãi bỏ. Cụ thể, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản quy định về điều kiện để thực hiện tách thửa với hộ gia đình, cá nhân.

Trước đây, QĐ 18 quy định: Thửa đất thuộc khu vực quy hoạch đất ở, đất thương mại dịch vụ và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp sau khi tách thửa phải có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu do Nhà nước quản lý. Trường hợp hình thành đường giao thông mới khi tách thửa (nếu có), người sử dụng đất phải được UBND cấp huyện chấp thuận bản vẽ xin phép hình thành đường giao thông; việc cấp phép hình thành đường giao thông, thi công hạ tầng kỹ thuật, kết nối đồng bộ với đường giao thông hiện hữu, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng được thực hiện trước khi lập thủ tục tách thửa.

Mặc dù quy định này có thể giúp chính quyền địa phương quản lý tốt quy hoạch hạ tầng và khống chế việc tách thửa đất nông nghiệp quy mô lớn nhưng lại gây phát sinh thủ tục hành chính. Do đó, dự thảo mới đã bỏ quy định trường hợp hình thành đường giao thông mới khi tách thửa phải được UBND cấp huyện chấp thuận bản vẽ…

Ngoài ra, nhằm “siết” các chủ đầu tư khi chưa thi công hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nhưng vẫn nộp hồ sơ đề nghị tách thửa, dự thảo bổ sung một ý vào khoản 3 Điều 3 so với QĐ 18 là: “Hạ tầng kỹ thuật phải được nghiệm thu, đưa vào sử dụng theo quy định trước khi thực hiện thủ tục tách thửa”.

Con đường trái phép trong dự án trái phép của Công ty Địa ốc Alibaba tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: TRÙNG KHÁNH

Con đường trái phép trong dự án trái phép của Công ty Địa ốc Alibaba tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: TRÙNG KHÁNH

Thuận lợi hơn khi tách thửa đất quy mô lớn?

Dự thảo tiếp thu ý kiến các huyện khi sửa đổi nội dung liên quan đến diện tích tối thiểu sau khi tách thửa đối với đất tại khu vực nông thôn là 80 m2 thay vì 100 m2 như QĐ 18 quy định.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bãi bỏ quy định về tách thửa quy mô diện tích lớn (lớn hơn 2.000 m2 tại Vũng Tàu và lớn hơn 5.000 m2 tại các huyện, thị xã, thành phố còn lại) đối với đất nông nghiệp thuộc khu vực quy hoạch sản xuất nông nghiệp.

Bởi theo QĐ 18, với trường hợp đất lớn như trên, nếu muốn tách thửa, người sử dụng đất phải thiết kế bản vẽ phương án tách thửa và liên hệ đến UBND cấp huyện để được hướng dẫn thỏa thuận phương án mặt bằng tách thửa nhằm đảm bảo quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn mới. Nhưng Cục Kiểm tra văn bản lại cho rằng quy định này không đúng quy định pháp luật, phát sinh thủ tục hành chính, gây khó khăn cho người dân...

Ngoài ra, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định việc tách thửa đối với đất nông nghiệp thuộc khu vực quy hoạch đất ở, đất thương mại dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp. Theo đó, trước khi tách thửa đất theo quy định về diện tích tối thiểu tại khoản 1 Điều 4 quyết định này phải lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Các thửa đất sau khi tách có diện tích phù hợp với điểm a khoản này thì được tiếp tục sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp.

Cuối cùng, do đã bãi bỏ một số quy định về hình thành đường giao thông mới khi tách thửa; tách thửa với quy mô diện tích đất lớn như nêu trên nên dự thảo cũng đã bãi bỏ một số trách nhiệm của UBND cấp huyện, Sở Xây dựng nêu trong QĐ 18.

Kết luận cuộc họp, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhấn mạnh quy định về tách thửa phải trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Để tránh tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách nhằm phân lô, bán nền trái phép, tỉnh sẽ có quy định cụ thể để hạn chế, xử lý.

Ông Quốc cơ bản đồng ý với nội dung sửa đổi tại dự thảo lần này. Tuy nhiên, ông yêu cầu Sở TN&MT tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, chỉnh sửa lại một phần nhỏ trong quy định sửa đổi khoản 2 Điều 4 và đăng thông tin rộng rãi dự thảo này để người dân, doanh nghiệp biết theo quy định và ý kiến của Sở Tư pháp trước khi ký ban hành.

Quyết định 18 giúp ngăn chặn phân lô, bán nền

Theo Sở TN&MT, QĐ 18 kể từ khi ban hành đã giúp tỉnh quản lý chặt chẽ việc tách thửa đất trên địa bàn. Đặc biệt, chấm dứt tình trạng làm đường giao thông tự phát, tách thửa đất nông nghiệp với quy mô diện tích lớn và bán nền tràn lan núp bóng người dân của một số cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Việc quy định người sử dụng đất phải thông qua UBND cấp huyện chấp thuận đối với các trường hợp tách thửa có quy mô diện tích lớn đã giúp chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất đai. Quyết định đáp ứng tốt yêu cầu về mặt quản lý nhà nước về đất đai, giúp định hướng, hỗ trợ việc thực hiện đúng quy hoạch xây dựng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, ngày 24-2-2020, Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) có kết luận nêu rõ QĐ 18 có phát sinh thủ tục hành chính đối với quy định về điều kiệnđể thực hiện việc tách thửa; diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung QĐ 18 là cần thiết.

TRÙNG KHÁNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/bat-dong-san/ba-riavung-tau-dieu-chinh-quyet-dinh-ve-tach-thua-dat-933439.html