Bà Rịa - Vũng Tàu: Có nên xây dựng sân bay Lộc An?

Việc công ty TNHH Hồ Tràm xin xây dựng sân bay chuyên dụng Lộc An ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Công ty TNHH Hồ Tràm được UBND tỉnh BR-VT cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2008 để thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí phức hợp Hồ Tràm, trong đó có kinh doanh casino trên diện tích 164 ha tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. Vài năm trở lại đây, công ty này đã có đề xuất xin được đầu tư sân bay chuyên dụng để phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch và đầu tư của công ty.

Sau nhiều lần khảo sát, lấy ý kiến, mới đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh BR-VT đã thống nhất ủng hộ việc công ty đầu tư dự án xây dựng sân bay chuyên dụng. Đồng thời, tại cuộc họp vào tháng 5/2018 do Văn Phòng Chính phủ chủ trì, các Bộ, ngành liên quan cũng đã thống nhất ủng hộ việc đầu tư sân bay của Hồ Tràm.

Sân bay Lộc An sẽ lấy hơn 240 ha đất ở xã Láng Dài và Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Sân bay Lộc An sẽ lấy hơn 240 ha đất ở xã Láng Dài và Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Bên cạnh những ý kiến đồng tình với chủ trương xây dựng sân bay, vẫn còn một số lo ngại khi thực hiện dự án nên chưa thống nhất được về vị trí xây dựng cũng như xác định lại vị trí vùng ảnh hưởng.

Theo ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở giao thông tỉnh BR-VT, nếu sân bay Lộc An được phê duyệt, thì một tỉnh với diện tích nhỏ như BR-VT (trừ huyện Côn Đảo) sẽ có đến 2 sân bay.

Ông Thảo cho biết, tại nhiều cuộc họp ngành Giao thông vận tải BR-VT cũng đã trình bày quan điểm không đồng tình việc xây dựng thêm sân bay Lộc An nữa mà nên khuyến khích nhà đầu tư xây dựng sân bay tại Gò Găng, bởi dự án này đã được phê duyệt, ngân sách cho việc hỗ trợ, đền bù cho dân là không nhiều, nếu đầu tư thêm sẽ gây ra sự lãng phí không cần thiết.

“BR-VT chỉ nên có 2 sân bay là Côn Đảo và sân bay Vũng Tàu, đó là vừa với quy hoạch. Không nên mở rộng, hết sức lãng phí nhất là quỹ đất và lãng phí đầu tư. Chúng ta có thể đầu tư 1 sân bay phục vụ cho cả Hồ Tràm và chung cho toàn tỉnh, đúng với xu hướng phát triển sân bay trên thế giới. Nên khuyến khích nhà đầu tư về đầu tư sân bay Gò Găng như thế là phù hợp. Nếu xây dựng ở Láng Dài thì không nên xây ở Gò Găng”, ông Vũ Ngọc Thảo nêu ý kiến.

Khu vực xây dựng sân bay chủ yếu canh tác cây tràm bông vàng và lúa

Chia sẻ về vấn đề đầu tư sân bay tại Gò Găng, ông Lâm Quý, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH Hồ Tràm cho rằng, sân bay Gò Găng có quy mô nhỏ, không đáp ứng yêu cầu của công ty, vấn đề giao thông đường bộ cũng không đảm bảo.

“Gò Găng có nhiều yếu tố không đáp ứng được yêu cầu của công ty, không thể sử dụng các máy bay tầm trung; đường cất hạ cánh không đảm bảo vì quy mô sân bay của Gò Găng nhỏ. Vị trí đó không phù hợp với mục tiêu”, ông Lâm Quý nói.

Có chuyên gia cho rằng, tỉnh BR-VT chỉ nên có 2 sân bay gồm sân bay Vũng Tàu và sân bay Côn Đảo là phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Hiện trong vùng kinh tế Đông Nam Bộ, sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đã chi phối hết và đang xây dựng, gần đó lại có sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Như vậy, cùng một trục đường theo quốc lộ 51 từ BR-VT đến TP.HCM có 3 sân bay là phù hợp.

Trao đổi với phóng viên VOV, ông Lê Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ, tỉnh BR-VT cho biết, đây là vấn đề lớn của tỉnh. Nếu sân bay được đầu tư xây dựng tại xã Láng Dài và Lộc An với diện tích hơn 200 ha, trong đó xã Láng Dài là 194 ha, việc sản xuất của người dân trong khu vực dự án sẽ bị ảnh hưởng, phải giải quyết hỗ trợ di dời và chuyển đổi nghề cho họ. Khu vực này chưa có quy hoạch gì, người dân chủ yếu canh tác cây tràm bông vàng và một số cây trồng khác.

“UBND tỉnh và Hồ Tràm đã quyết rồi thì huyện không có ý kiến gì thêm. Nếu xác định làm sân bay mà phát triển thì bà con có kinh doanh, có hưởng lợi gì thì sau này mới biết hiệu quả, còn khu vực người dân nằm trong vùng dự án thì sẽ bị thiệt”, ông Lê Văn Hòa cho biết.

Khu vực dự kiến sẽ xây dựng sân bay Lộc An

Còn theo ông Nguyễn Văn Tỵ, người dân trong vùng dự án ở ấp Cây Cám, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, “Nguyên khu này trồng tràm, ở đây có 2 con đường nằm ở 2 bên, ở giữa lấy làm sân bay. Dự án lấy bao nhiêu đất thì chưa biết, nhưng nhà nước làm sân bay, dân phải ủng hộ, nếu nhà nước hỗ trợ thỏa tháng thì dân cũng không phiền hà gì”.

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2009, BR-VT có 2 cảng hàng không, trong đó sân bay tại TP Vũng Tàu chủ yếu phục vụ cho máy bay trực thăng (quân sự và dân sự dầu khí) và sân bay tại Côn Đảo phục vụ cho nhu cầu giao thông của nhân dân và du khách từ TP HCM đến Côn Đảo. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt xây dựng dự án sân bay Gò Găng với diện tích 300 ha nằm ở phía Tây Bắc của đảo Gò Găng, mục đích là để di dời sân bay hiện hữu ở Vũng Tàu ra khỏi đô thị.

Thiết nghĩ, quỹ đất tại BR-VT không nhiều, nếu xây dựng thêm sân bay sẽ mất khoảng 300 ha đất, khi lấy đất làm sân bay thì người dân sẽ phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ảnh hưởng đến xã hội. Quan trọng hơn, quỹ đất tại Gò Găng không phải là khu dân cư, nguồn vốn cho việc đền bù, hỗ trợ ổn định cho dân không nhiều, quan trọng hơn sẽ tiết kiệm được một khoản đầu tư mới. Do vậy, lãnh đạo tỉnh BR-VT nên cân nhắc trước khi trình Chính phủ phê duyệt dự án này/.

Lưu Sơn/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/ba-ria-vung-tau-co-nen-xay-dung-san-bay-loc-an-780959.vov