Bà Rịa - Vũng Tàu: Cần tăng cường giám sát việc nạo vét các hồ chứa nước

Thời gian qua, do tình hình thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm nên dung tích các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không đạt thiết kế. Nhằm đảm bảo đảm cung ứng đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chấp thuận cho một số doanh nghiệp thực hiện các dự án nạo vét lòng hồ các hồ chứa nước. Tuy nhiên, việc nạo vét đã bộc lộ nhiều bất cập gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên khoáng sản và làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước tại các hồ chứa nước.

Kiểm tra các tuyến kênh dẫn nước từ hồ để phục phụ cho sản xuất nông nghiệp

Kiểm tra các tuyến kênh dẫn nước từ hồ để phục phụ cho sản xuất nông nghiệp

Theo thống kê, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 32 hồ chứa nước phục vụ cho hơn 10 ngàn ha diện tích canh tác nông nghiệp và cung cấp nước cho các nhà máy nước. Đa số các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đều được đưa vào sử dụng từ 20-30 năm. Qua nhiều năm khai thác sử dụng, nhiều lòng hồ bị bồi lắng, làm thu hẹp dung tích, khả năng lấy nước giảm. Bên cạnh đó, do tình hình thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp nên dung tích các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thường xuyên không đạt dung tích thiết kế và xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu vào mùa khô.

Xác định, việc nạo vét lòng hồ chứa nước là hết sức cần thiết và cấp bách, vì ngoài mục đích đảm bảo nguồn nước, việc nạo vét lòng hồ chứa nước sẽ tận thu được phần nào về vật liệu san lấp, phục vụ cho san lấp mặt bằng, xây dựng cho các công trình tại địa phương, giảm giá thành xây dựng công trình hạ tầng và một số nhu cầu khác của xã hội, tạo cảnh quan cho môi trường khu vực hồ và tạo điều kiện để phát triển nuôi trồng thủy sản tại hồ…, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách. Do đó, thời qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chấp thuận cho một số doanh nghiệp thực hiện dự án nạo vét.

Để việc nạo vét đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu chủ đầu tư phải lập phương án thi công, phương án bảo vệ môi trường, phương án vận chuyển khoáng sản, đồng thời công khai phương án thi công, công khai phương án bảo vệ môi trường, công khai phương án vận chuyển khoáng sản gửi địa phương và nhân dân biết, theo dõi, giám sát việc thực hiện.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các phòng chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT, các đơn vị quản lý hồ, tổ chức bàn giao mốc giới, mặt bằng phục vụ thi công theo dự án được phê duyệt; kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nạo vét hồ chứa nước theo quy định về đảm bảo an toàn hồ chứa… Tuy nhiên, trong quá trình nạo vét, một số doanh nghiệp đã không thực hiện đúng các hạng mục báo cáo tác động môi trường đã được phê duyệt, làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; chưa thực hiện đúng hồ sơ thiết kế và ranh giới mốc của dự án được phê duyệt gây thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Cụ thể, đối với dự án nạo vét, cải tạo lòng hồ Sông Kinh (đập dâng Cầu Mới), tại thị Trấn Phước Bửu, Xuyên Mộc, được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường, khai thác khoáng sản lòng hồ, tại Quyết định 3471 ngày 01/12/2016 và Giấy phép số 75 ngày 02/11/2018, dự án có diện tích khai thác là 20ha, tổng lượng khoáng sản được khai thác là 486.915m3, thời gian thực hiện đến tháng 6/2021 (4,5 năm).

Còn đối với dự án nạo vét, cải tạo lòng hồ Sông Hỏa, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, được UBND phê duyệt tại Quyết định số 3523 và Giấy phép khai thác khoáng sản số 77, dự án có diện tích khai thác là 55ha, tổng lượng khoáng sản được khai thác là 780.216m3, thời gian thực hiện đến tháng 6/2021 (4,5 năm), cả 2 dự án trên đều do Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất Cát Hà làm chủ đầu tư.

Khai thác khoáng sản trong quá trình nạo vét hồ thủy lợi phải đảm bảo đúng quy định

Trong quá trình triển khai thi công nạo vét, cải tạo hồ Sông Kinh và Sông Hỏa, chủ đầu tư đã thực hiện không đúng theo hồ sơ được phê duyệt, để xảy ra một số sai phạm. Theo Thông báo số 69, ngày 23/5/2019 của HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về kết quả khảo sát tình hình triển khai thực hiện 2 dự án nạo vét lòng hồ Sông Kinh và Sông Hỏa có nêu rõ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất Cát Hà chưa thực hiện đúng các hạng mục báo cáo đánh giá tác động môi trường. Mặc dù Công ty có bố trí 02 hồ nhưng 2 hố lắng này lại không phải phục vụ cho việc nạo vét hồ mà chủ yếu là phục vụ cho việc rửa cát từ hoạt động khai thác ngoài ranh giới của dự án.

Cũng qua khảo sát cho thấy khu vực thi công không phải là địa điểm cần nạo vét mà chủ yếu là nằm ngoài khu vực nạo vét; tại khu vực dự án không có bãi tập kết vật liệu khai thác. Ngoài ra, việc thi công chưa thực hiện đúng quy trình, biện pháp thi công và tiến độ thi công dự án đã được phê duyệt, dẫn đến dự án khó có thể hoàn thành theo tiến độ trong kế hoạch thực hiện…

Tại cuộc họp đánh giá kết quả công tác khảo sát các dự án nạo vét lòng hồ mới đây, ông Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian qua vẫn còn buông lỏng trong quản lý, giám sát việc nạo vét, vận chuyển khoáng sản, dẫn đến doanh nghiệp thi công sai phạm tại công trình gây bức xúc trong dư luận.

Theo đó, để nâng cao hiệu quả quản lý việc nạo vét các hồ, ông Trần Đình Khoa đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp các Sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch giám sát thường xuyên, trong suốt quá trình triển khai dự án nạo vét, bảo đảm việc nạo vét phải đúng với hồ sơ được phê duyệt. Quá trình giám sát nếu phát hiện vi phạm, lập tức yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công.

Riêng đối với dự án nạo vét hồ Sông Kinh, Sông Hỏa; ông Khoa yêu cầu Sở NN&PTNT cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp khắc phục; tổ chức kiểm tra kết quả thực hiện khắc phục sai phạm của Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất Cát Hà, báo cáo về Thường trực HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tiến hành khảo sát trước khi cho phép Công ty tiếp tục triển khai dự án.

Đồng thời, yêu cầu UBND huyện Xuyên Mộc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện tăng cường công tác kiểm tra, kiềm soát việc khai thác, vận chuyển khoáng sản, công tác bảo vệ môi trường… tại dự án nạo vét lòng hồ Sông Kinh, Sông Hỏa; kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý khi phát hiện ra sai phạm theo quy định.

Ngoài ra, ông Trần Đình Khoa còn nhấn mạnh cần phải tăng cường giám sát, quản lý và mạnh tay hơn trong việc xử lý các doanh nghiệp tự ý vận chuyển khoáng sản ra khỏi phạm vi công trình khi chưa có sự đồng ý của ngành chức năng, có như thế tài nguyên và nguồn thu mới không bị thất thoát, lãng phí.

Linh Nga

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/tai-nguyen/ba-ria-vung-tau-can-tang-cuong-giam-sat-viec-nao-vet-cac-ho-chua-nuoc-1269871.html