Bà Quyết Tâm: Không có tiến bộ xã hội khi tăng giờ làm, giảm lương

Tranh luận về quy định tuần làm việc 48 giờ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh: Sẽ không có tiến bộ xã hội khi ta tăng giờ làm và giảm tiền lương của người lao động!

Hôm nay (23/10), Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Lao động (sửa đổi). Đã có nhiều ý kiến được đưa ra, trong đó vấn đề quy định về thời giờ làm việc bình thường thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc, bày tỏ ủng hộ việc giữ nguyên 48 giờ như hiện nay, bởi quy định này"phù hợp với nền kinh tế và rất nhân văn, hợp lý".

Theo ông Lộc, hầu hết quốc gia có trình độ tương tự Việt Nam, là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp, đều quy định thời gian làm việc như vậy. Việc áp dụng thời gian lao động như các nước xung quanh là phù hợp với tình hình hiện nay.

Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, việc giảm thời gian làm việc trong bối cảnh năng suất lao động chưa cao sẽ dẫn đến giảm tiền lương, giảm thu nhập, người lao động vẫn phải tìm kiếm việc để làm dẫn đến hệ lụy khó lường.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Tuy nhiên, tranh luận với ông Vũ Tiến Lộc về quy định này, đại biểu đoàn ĐBQH TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm lại có ý kiến khác.

Nữ đại biểu đoàn TP.HCM đặt vấn đề: "Tôi không biết đại biểu Lộc nghe từ đâu để nói chính sách này nếu Quốc hội thông qua sẽ nhân văn và tự nguyện? Nhân văn và tự nguyện trên cơ sở nào? Tính tự nguyện nghe từ đâu?".

Theo bà Quyết Tâm, nếu nói là nghe từ người lao động thì thấy làm lạ, thật sự bất ngờ vì đại biểu nghe rất nhiều công nhân và người làm công tác công đoàn nói, người công nhân không muốn làm thêm giờ dù thực tế họ cần làm thêm giờ.

Cũng theo đại biểu, chúng ta phải trả lời câu hỏi vì sao công nhân cần làm thêm giờ. Câu hỏi này quá dễ trả lời, bởi theo bà Quyết Tâm, là vì tiền lương, thu nhập hiện nay của người công nhân quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm

Xúc động chia sẻ trước Quốc hội, bà Quyết Tâm nói: "Hãy nhìn vào cuộc sống thực tế của người công nhân, nhìn vào dáng vẻ của người công nhân, tâm thế của người công nhân khi đến làm việc. Hãy nhìn vào những đứa trẻ mà cha mẹ của họ phải gửi về quê.

Có người cha, người mẹ nào muốn xa con mình hay không, thậm chí 1 năm, 2 năm chưa về thăm được con. Có người ông, người bà rất già rồi vẫn phải giữ cháu để cha mẹ chúng đi làm việc".

Bà Quyết Tâm cho rằng có những lao động không cam chịu, không muốn trở thành gánh nặng xã hội nên phải đi tìm việc làm và chúng ta phải trân trọng những lao động này. "Họ cần làm thêm chứ không tự nguyện" - bà Tâm nói thêm.

Đại biểu đoàn TP.HCM nhấn mạnh: Vai trò của Quốc hội là phải làm chính sách như thế nào để người công nhân có thu nhập đủ trang trải cuộc sống, có thời giờ học tập, nâng cao tay nghề, giải trí, chăm sóc gia đình và thực hiện các quan hệ xã hội. Đó là quyền con người mà Hiến pháp quy định.

Theo bà, nhân văn chính là bảo vệ quyền con người được hiến định, là tình người trong sử dụng lao động. "Sẽ không có tiến bộ xã hội khi ta tăng giờ làm và giảm tiền lương của người lao động", đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm kết luận.

Xem thêm:

Ngọc Linh

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/ba-quyet-tam-khong-co-tien-bo-xa-hoi-khi-tang-gio-lam-giam-luong-90738.html