Ba quốc gia, một giá cước

Viettel là nhà đầu tư thành công, góp phần tạo ra sự phát triển vượt bậc hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin (CNTT) tại thị trường ba nước Đông Dương.

Viettel Campuchia với thương hiệu Metfone (Ảnh:UL).

Phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 vào cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một số nội dung hợp tác lớn cần chú trọng, trong đó đặc biệt là chú trọng kết nối thông tin – viễn thông và năng lượng để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, quản lý sản xuất kinh doanh. Thủ tướng dẫn thông tin từ Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á – Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP), khi đạt 10% tăng trưởng về thông tin viễn thông sẽ tăng thêm khoảng 1,34% giá trị GDP bình quân đầu người.

Sau khi Hội nghị kết thúc, trả lời báo chí, Thủ tướng khẳng định dấu ấn của Hội nghị là việc lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Thượng định kinh doanh GMS theo sáng kiến của Việt Nam. Đáng chú ý, Hội nghị cũng khởi động tiến trình xây dựng tầm nhìn dài hạn sau năm 2022. Đó cũng sẽ là một tầm nhìn bảo đảm sự phát triển bền vững, hài hòa, cân bằng ở khu vực, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bao trùm, bảo đảm mọi người dân đều hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thủ tướng chia sẻ thêm, GMS tăng cường kết nối, hội nhập cả phần cứng và phần mềm, đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông thông suốt và đặc biệt là ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Viettel thúc đẩy cách mạng 4.0 tại ba nước Đông Dương

Với mạng 4G được phủ khắp, cáp quang hóa đến tận xã kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Viettel (Viettel) đang muốn thúc đẩy cách mạng 4.0 để phát triển kinh tế - xã hội tại ba nước Đông Dương. Viettel tuyên bố xây dựng mạng 4G rộng khắp ngay từ khi chính thức cung cấp dịch vụ.

Cách đây hơn 1 năm, ngày 5/12/2016, tại Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào – Việt Nam lần thứ 9 (LCV9), Thủ tướng Campuchia Hunsen đã đề xuất xây dựng hệ thống truyền hình hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng ba nước Campuchia – Lào – Việt Nam. Kể từ ngày Thủ tướng Campuchia Hunsen đã đưa ra đề xuất, cuối tháng 1/2018, Viettel đã hoàn thành kết nối cầu truyền hình Văn phòng Thủ tướng ba nước Đông Dương: Việt Nam - Lào - Campuchia.

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng ba nước được kết nối thông qua hệ thống Hội nghị truyền hình của Viettel. Hệ thống được xây dựng góp phần rút ngắn khoảng cách giữa ba nước, tăng cường mức độ giao tiếp, hỗ trợ ngoại giao... Với sự kiện này, ba quốc gia Đông Dương chính thức trở thành những nước đầu tiên trên thế giới không còn khoảng cách về viễn thông, một hình mẫu rất mới về thế giới phẳng, một biểu tượng mới của tình đoàn kết hữu nghị truyền thống lâu đời. Cùng với kết nối Chính phủ ba nước, Viettel đã trực tiếp tạo ra và thúc đẩy vào tiến trình thực hiện cuộc Cách mạng 4.0 tại Việt Nam, Lào và Campuchia.

Tại Việt Nam, với hàng loạt các dự án như: Mỗi người dân có một ID công dân duy nhất; Mỗi công dân có một hồ sơ sức khỏe cá nhân; Mỗi học sinh có một học bạ điện tử và mỗi gia đình trở thành một Home BTS (có 1 Home Gateway kết nối với xã hội). Cụ thể, Viettel đang thực hiện nhiều các dự án phần mềm cho Chính phủ điện tử; đồng hành cùng ngành y tế xây dựng hồ sơ sức khỏe người dân, cổng tiêm chủng dành cho trẻ em. Xây dựng phần mềm cho chương trình của kỳ thi quốc gia, chương trình Internet trường học với 40.000 điểm trường và cơ sở giáo dục được tập đoàn cung cấp hạ tầng internet miễn phí. Xây dựng thành phố thông minh, dự án quản lý xã hội bằng CNTT tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội...

Viettel tại Campuchia khai trương tháng 2/2009, với thương hiệu Metfone. Hiện Metfone đang đứng số 1 về thị phần di động với 7 triệu thuê bao, chiếm 46% thị phần; đứng đầu về hạ tầng mạng lưới với 9.000 trạm phát sóng (BTS), hơn 24.000 km cáp quang, đạt 97% vùng phủ sóng toàn Campuchia. Với dịch vụ ví điện tử eMoney - giải pháp ví điện tử đầu tiên tại Campuchia do một nhà mạng phát triển và cung cấp. Metfone phát triển giải pháp dựa trên đặc thù của thị trường viễn thông của Campuchia: tỷ lệ sử dụng ngân hàng thấp nhưng mức thâm nhập di động lại cao, trên 160%.

eMoney chính thức hoạt động từ tháng 5/2015 và đã tăng trưởng nhanh chóng; hiện đã có tổng cộng 4.500 đại lý sau 2 năm khởi động dự án, phủ 100% xã cả nước và tiến tới phủ 100% các thôn của Campuchia. Không chỉ dừng lại ở các dịch vụ truyền thống, eMoney cho phép khách hàng có thể thực hiện các giao dịch tài chính đồng bộ hơn, như: Thu hộ, chi hộ, chuyển tiền kiều hối… bên cạnh các dịch vụ rút nạp tiền, thanh toán hóa đơn, mua hàng hóa, nạp thẻ, chi trả lương…Dịch vụ này hiện đang đứng thứ 2 về thị phần tại Campuchia với dòng tiền chuyển qua eMoney trung bình đạt 70 triệu USD/tháng trong thời gian gần đây và đang trên đà tăng trưởng. Doanh thu phí mỗi tháng đạt gần 500.000 USD, trung bình tăng 12% mỗi tháng.

Cùng với đó, Viettel Campuchia (Metfone) đã chủ động làm việc cùng Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia về việc xây dựng và triển khai dự án Chính phủ điện tử, tập trung vào việc đào tạo nhân lực, nghiên cứu và phát triển nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của các dự án chính phủ điện tử, tăng cường an ninh mạng và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ thông tin và viễn thông Campuchia.

Sự đóng góp của Metfone được Phó Thủ tướng Campuchia Men-Xăm-On ghi nhận: Chính phủ Campuchia đánh giá cao sự đầu tư và hỗ trợ của Việt Nam... Metfone đã hỗ trợ Chính phủ xây dựng hệ thống Chính phủ điện tử, cầu truyền hình, hỗ trợ quân đội hoàng gia Campuchia xây dựng mạng điện thoại cố định dùng riêng. Đối với người dân các nước đến đầu tư nói chung và Campuchia nói riêng, Metfone không chỉ mang lại cơ hội phổ cập viễn thông cho mọi tầng lớp xã hội, mà còn tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm, trực tiếp góp phần vào ổn định an sinh xã hội.

Trụ sở Viettel tại Lào với thương hiệu Unitel (Ảnh:UL).

Viettel tại Lào (Unitel) khai trương 10/2009. Từ một mạng viễn thông đang có thị phần nhỏ nhất tại Lào trước khi liên doanh, chỉ trong vòng 2 năm sau ngày khai trương, Unitel đã trở thành nhà mạng có lượng khách hàng lớn nhất với thị phần chiếm 52%; doanh thu lũy kế đạt 1,22 tỷ đô la Mỹ; đóng góp vào ngân sách nhà nước 350 triệu USD, góp phần xây dựng đất nước Lào. Mạng internet băng rộng di động (3G &4G) phủ khắp 17/17 tỉnh thành của Lào. Unitel là nhà mạng duy nhất tại Lào cung cấp các dịch vụ nội dung số cho di động trên nền 3G/4G, đặc biệt là các dịch vụ về truyền hình, nghe nhạc, nhắn tin trực tuyến, dịch vụ giá trị gia tăng..., được khách hàng đón nhận tích cực.

Đáng giá về thành tích trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Unitel, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith khẳng định: Uniel vừa đóng góp vào sự phát triển của Lào, vừa là một trong những doanh nghiệp nộp ngân sách lớn cho Lào. Unitel đã giúp phát triển hạ tầng vùng sâu, xa và hỗ trợ Internet miễn phí cho Bộ Giáo dục Lào. Trong tương lai, Unitel lại là đơn vị đưa Chính phủ điện tử vào các cơ quan Đảng và Chính phủ Lào.

Ba thị trường, một giá cước

Nói đến đóng góp, vai trò của Viettel tại ba nước Đông Dương thì phải nói đến đóng góp nổi bật, thậm chí có thể xem đây là cuộc cách mạng về giá cước viễn thông quốc tế khi khách hàng Viettel tại ba nước này liên lạc với nhau có mức cước chuyển vùng quốc tế (roaming) tương đương mức cước trong nước kể từ ngày 1/1/2017.

Như vậy, Viettel đã thực hiện đúng cam kết trước yêu cầu của Thủ tướng ba nước, đồng thời trở thành doanh nghiệp viễn thông đầu tiên trên thế giới áp dụng cho khách hàng mức cước liên lạc gồm cuộc gọi, tin nhắn và lướt web giữa mạng Viettel (Việt Nam) – Metfone (Campuchia) – Unitel (Lào) như mức cước trong nước. Với cách tính mới này, khách hàng của Viettel khi đi roaming và thực hiện liên lạc trong khu vực Đông Dương sẽ được giảm tới hơn 13 lần giá cước cuộc gọi quốc tế trong khu vực, giảm 160 lần giá cước data, cước tin nhắn giảm gần 10 lần.

Đại diện Viettel cho biết, hiện giờ trên toàn mạng Viettel có hơn 2 triệu thuê bao roaming sang Lào và Campuchia, nhưng chỉ có 0,5% (gần 10 ngàn thuê bao) sử dụng dịch vụ roaming. Chính sách của Viettel sẽ là một hỗ trợ đáng kể để mọi khách hàng đều được sử dụng dịch vụ roaming, vốn được coi là đắt đỏ với mức cước không phải ai cũng sử dụng được. Đặc biệt, mức cước mới này cũng góp phần tăng doanh thu viễn thông trong nước, bởi khách hàng Việt Nam sẽ không phải sang nước bạn mua sim lẻ mà có thể sử dụng chính sim của mình.

Hướng tới mục tiêu tạo ra một “thế giới phẳng” trong viễn thông, việc Viettel thực hiện bỏ cước roaming cho khu vực Đông Dương được dự báo sẽ tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy việc giao lưu kinh tế - thương mại, văn hóa, du lịch; đồng thời thắt chặt mối quan hệ láng giềng gắn bó trong khu vực, tác động đến các khối kinh tế trên thế giới để lan tỏa chính sách này./.

Mạnh Hùng - Uông Linh

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/ba-thi-truong-mot-gia-cuoc-478748.html