Ba phương án nghìn tỷ di dời trụ sở Bộ, ngành chưa được đánh giá tác động

Ba phương án di dời trụ sở các bộ ngành với mỗi phương án đều đòi hỏi mức tài chính trên 10.000 tỷ đồng đang được xem xét đánh giá tác động trước khi có lựa chọn phù hợp.

Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) vừa gửi Bộ trưởng Xây dựng báo cáo bổ sung phương án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các bộ, ngành trung ương tại Hà Nội.

Ba phương án di dời trụ sở các Bộ, ngành đều đòi hỏi mức tài chính trên 10.000 tỷ đồng.

Ba phương án di dời trụ sở các Bộ, ngành đều đòi hỏi mức tài chính trên 10.000 tỷ đồng.

3 phương án nghìn tỷ

Theo kế hoạch tới năm 2030, 13 cơ quan đầu não của bộ, ngành, trực thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương và đoàn thể sẽ di chuyển về trụ sở mới ở phía Tây thủ đô. Các đơn vị gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Theo đó, cơ quan này đưa ra 3 phương án di dời. Phương án thứ nhất, VIUP đề xuất di chuyển trụ sở 12 bộ, ngành về khu vực Tây Hồ Tây trên khu đất có diện tích 35 ha. Các Bộ sẽ di chuyển về đây gồm Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Công Thương, Tư pháp, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Lao động - Thương binh Xã hội, Y tế, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Thông tin & Truyền thông, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Riêng trụ sở Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang xây dựng tại Mễ Trì Hạ.

Với phương án này, bình quân mỗi cơ quan sẽ được xây dựng trên diện tích từ 1,5 đến 2 ha. Tổng số người làm việc dự kiến khoảng 14.000 người. VIUP cũng tính toán, với các công trình có chiều cao dự kiến 15-20 tầng và 3-4 tầng ngầm thì số vốn cần cho việc di dời vào khoảng 11.897 tỷ đồng.

Đơn vị nghiên cứu cũng cho biết, nguồn vốn này sẽ được huy động từ chuyển đổi 50 ha tại Mễ Trì Hạ thu về 10.000 tỷ đồng, vốn chuyển đổi đất trụ sở cũ gần 1.900 tỷ đồng.

Phương án hai, đề xuất chuyển 12 trụ sở bộ, ngành và Bảo hiểm Việt Nam về Mễ Trì Hạ. Theo đó, bình quân mỗi cơ quan sẽ có diện tích 1,8-3 ha. Phần diện tích còn lại được dùng để bố trí hồ điều hòa, nhà khách, nhà công vụ, công viên cảnh quan... Do tính cả nhân sự của Bảo hiểm Việt Nam nên tổng số người làm việc dự kiến khoảng 15.000 người.

Với phương án này, cần khoảng 14.326 tỷ đồng để di dời. Trong đó nguồn vốn từ việc chuyển đổi 20 ha đất khu vực Tây Hồ Tây khoảng 8.000 tỷ đồng, chuyển đổi cơ sở cũ gần 6.330 tỷ đồng.

Phương án ba, VIUP đề xuất sẽ bố trí 13 cơ quan tại 2 khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì Hạ. Trong đó 20 ha tại Tây Hồ Tây bố trí 6 bộ, ngành, bình quân 2-3 ha mỗi cơ quan. Ở Mễ Trì Hạ, trên 55 ha sẽ bố trí 7 cơ quan với diện tích 3-4 ha mỗi đơn vị.

Với phương án này, việc chuyển đổi 13 cơ quan cần 17.000 tỷ đồng, trong đó vốn chuyển đổi cơ sở cũ 12.000 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước 5.000 tỷ đồng.

Vì sao “dậm chân tại chỗ”

Được biết, kế hoạch di dời trụ sở các Bộ, ngành khỏi trung tâm đã được khởi động từ năm 2012, qua nhiều năm một số Bộ, ngành đã chuyển về trụ sở mới ở phía Tây thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh vướng mắc về nguồn vốn để triển khai thì một trong những vấn đề khiến việc di dời chậm trễ là dù được cấp đất xây trụ sở mới, nhưng các bộ ngành không bàn giao lại cơ sở cũ nằm trong quận trung tâm thủ đô.

Đến nay, khi đưa ra được 3 phương án, tuy nhiên theo VIUP, hiện tại chưa có phân tích đánh giá chi tiết tác động giao thông đối với các khu vực lập quy hoạch.

Đánh giá sơ bộ 3 phương án cho thấy, phương án phân tán các cơ quan về cả 2 khu vực sẽ giảm nguy cơ chất tải lớn tới hạ tầng 2 khu vực trên. Tuy nhiên phương án này có nhiều nhược điểm do tạo khó khăn cho nguồn lực nhà nước, đòi hỏi nguồn tài chính lớn.

Việc chuyển đổi các cơ sở cũ cũng tăng nguy cơ chất tải tới hạ tầng và không gian các khu vực nội đô.

Phương án tập trung các cơ quan về Mễ Trì sẽ có nhiều thuận lợi về quỹ đất, mặt bằng. Tuy nhiên, Mễ Trì nằm trong vùng phát triển đô thị mở rộng phía tây của thủ đô, liền kề với các tuyến đường đang chịu áp lực lớn và thường xuyên tắc nghẽn giao thông (vành đai 3, Đại lộ Thăng Long, đường Tố Hữu). Việc tập trung lượng lớn người làm việc đồng thời với gia tăng phương tiện di chuyển tại đây nhiều khả năng khiến tình hình giao thông càng thêm tồi tệ.

Phương án tập trung các cơ quan về Tây Hồ Tây sẽ có nhiều ưu điểm bởi khu vực này nằm trong tổng thể khu đô thị mới Tây Hồ Tây được quy hoạch, phát triển đồng bộ, kết nối nhanh với khu vực trung tâm. Phát triển với 10.000 đến 14.000 người làm việc đã nằm trong kế hoạch tính toán quy hoạch nên cơ sở hạ tầng có thể đáp ứng.

Tuy nhiên khu vực này khó đáp ứng được nhu cầu về diện tích đất của các bộ, ngành do quỹ đất nhỏ hẹp.

Quy hoạch khu trụ sở bộ, ngành Trung ương tới năm 2030 sẽ tập trung tại khu trung tâm Tây Hồ Tây và khu Mễ Trì.

Theo đó, khu trụ sở bộ ngành tại Tây Hồ Tây rộng 20 ha, gồm 5 bộ ngành thuộc khối kinh tế là Bộ Kế hoạch và đầu tư; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng với bình quân 2 - 3,5 ha/cơ quan.

7 bộ ngành đã và đang thực hiện xây dựng ở vị trí mới gồm Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Khoa học và công nghệ, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban dân tộc, Trung ương Hội nông dân Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an.

16 cơ quan sẽ giữ nguyên vị trí hiện tại là Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, VTV, VOV, Tổng liên đoàn lao động...

Thy Hằng

Bạn đang đọc bài viết Ba phương án nghìn tỷ di dời trụ sở Bộ, ngành chưa được đánh giá tác động tại chuyên mục Thời sự của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/ba-phuong-an-nghin-ty-di-doi-tru-so-bo-nganh-chua-duoc-danh-gia-tac-dong-147388.html