Bà 'Phật sống' tại Hà Nội dốc cạn túi tiền cưu mang những mẹ bầu bị gia đình bỏ rơi

Mặc dù nghèo và bệnh tật nhưng bà Nguyễn Thị Nhiệm (xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn cấy cày để có thóc gạo nuôi những mẹ bầu bị gia đình bỏ rơi, không nơi nương tựa.

Tâm nguyện từ những lần đạp xe đi xin thai nhi bỏ rơi

Bà Nguyễn Thị Nhiệm (sinh năm 1959, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội) chính là người lập nên nghĩa trang hài nhi Đồi Cốc, nơi quy tụ hàng chục nghìn thai nhi bị cha mẹ bỏ rơi.

Trước kia có nhiều lời dị nghị rằng công việc bà Nhiệm làm thật kỳ quặc, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Tuy nhiên, trước những lời dị nghị đó, bà Nhiệm chỉ nghĩ: “Các con đã thiệt thòi vì bị bố mẹ bỏ rơi, cần phải cho chúng một nơi yên nghỉ”.

Bà Nguyễn Thị Nhiệm, người cưu mang những mẹ bầu bị gia đình bỏ rơi. Ảnh: Thu Hà

Bà Nguyễn Thị Nhiệm, người cưu mang những mẹ bầu bị gia đình bỏ rơi. Ảnh: Thu Hà

Không biết đi xe máy, bà Nhiệm cứ mải miết đạp chiếc xe cà tàng đến bệnh viện, phòng nạo hút thai tư nhân trong địa bàn để xin xác thai nhi về chôn cất. Hơn ai hết, bà luôn cảm thấy đau đớn, thương cảm trước những sinh linh không được lên làm người.

Xuất phát từ sự thương cảm đó, dù đã ở tuổi 59, bà Nhiệm đã nhận cưu mang những cô gái không may lầm lỡ có bầu, không được gia đình, người yêu thừa nhận.

Chính tay bà khâm liệm, chôn cất cho các thai nhi xấu số. Ảnh: NVCC

Bà Nhiệm cũng xác định nuôi thêm mấy miệng ăn việc làm tốn kém, khiến bà thêm vất vả. Trong khi bản thân bà lại đang mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, kiếm sống chỉ bằng việc cày một mẫu ruộng nhưng bà vẫn nguyện làm công việc “không lương”.

“Tôi động viên các cháu rằng nếu mình không có duyên với con thì mình đi làm phúc, giúp những người hiếm muộn, chứ đừng phá thai, bỏ con mà tội nghiệp”, bà Nhiệm nói.

Bà cũng là người đưa các mẹ bầu đến bệnh viện sinh con. Ngày mẹ bầu trở dạ cũng chỉ có hai bác cháu dắt nhau đến bệnh viện. “Thương các cháu vượt cạn mồ côi, không có chồng, gia đình ở bên lắm. Nhưng tôi chỉ biết động viên các cháu cố gắng để được mẹ tròn con vuông”, bà Nhiệm giãi bày.

Thỉnh thoảng vẫn có một số ít mẹ bầu bỏ con ở lại nhờ bà nuôi nấng nên bà Nhiệm gần như “bận con mọn”.

Hiện tại, bà nuôi hai cháu bé 2 tuổi bị mẹ bỏ lại. Các cháu hay ốm, bà phải đưa đi viện liên tục nhưng bù lại là niềm vui trong nhà có tiếng trẻ bi bô. “Bần cùng bất đắc dĩ các cháu mới phải lựa chọn như vậy. Dù mọi người có nói ra vào nhưng tôi vẫn nuôi nấng các cháu. Thóc gạo ở quê sẵn, mấy bà cháu tôi rau cháo nuôi nhau”, bà Nhiệm chia sẻ.

Cả đời nuôi mẹ bầu cơ nhỡ, chỉ cầu xin được “giàu” sức khỏe

Những bà bầu tìm đến bà Nhiệm chủ yếu là bà bầu sinh viên bị người yêu chối bỏ trách nhiệm. Họ đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, người ở Tuyên Quang, Thanh hóa, cũng có người ở tận TP.HCM ra “trốn bầu”.

Những tưởng chỉ có giới sinh viên, ấy vậy mà có cả những người phụ nữ đã có gia đình cũng phải “cầu cứu” bà. Năm ngoái, có một người phụ nữ mang thai ở Vĩnh Phúc đến tìm bà trong nỗi đau đớn bị chồng đánh đập.

“Đó là lần thứ năm chị ấy mang thai và thai là con gái. Trước đó, chị đã có tới bốn đứa con trai. Không hiểu sao người chồng đánh đến mức chị mua thuốc diệt cỏ về định tự tử nhưng lại nghĩ nếu chết thì các con biết nương tựa vào đâu. Không chịu nổi áp lực từ người chồng, chị đã chạy trốn về đây”, bà Nhiệm kể.

Bà Nhiệm chỉ mong mẹ bầu đừng bỏ con, cho dù khó khăn thế nào đi chăng nữa. Ảnh: NVCC

Rất may mắn là khi đứa trẻ sinh ra, người chồng suy nghĩ lại đã đón hai mẹ con về. Chính tay bà Nhiệm đã đưa cháu bé về tận nhà. Hiện nay, cháu bé đã được hơn một tuổi. Sau tất cả vất vả, nhọc nhằn, cháu bé được lên làm người, được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình là thành quả khiến bà Nhiệm cảm thấy mãn nguyện.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Nhiệm bảo điều duy nhất bà ao ước cho bản thân là được “giàu” sức khỏe, chứ bà không ham giàu sang.

“Tôi chỉ cầu xin thượng đế ban cho sức khỏe để tôi làm chỗ dựa cho các con. Nếu mẹ bầu bị gia đình chối bỏ, không nơi nương tựa thì hãy gọi cho tôi theo số 0167.254.7630, tôi sẽ sẵn sàng giúp đỡ, cưu mang. Chỉ mong các cháu giữ lại con để con lên làm người”, bà Nhiệm bày tỏ.

Với tâm nguyện như thế, nhiều mẹ bầu, cháu nhỏ đã gọi bà là “mẹ Nhiệm”, coi bà là “Phật sống” cứu vớt họ đi qua giai đoạn tăm tối nhất trong cuộc đời.

Thu Hà

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/nhip-song/ba-phat-song-tai-ha-noi-doc-can-tui-tien-cuu-mang-nhung-me-bau-bi-gia-dinh-bo-roi-20171212174412314.htm