Bà Pelosi 'vùi dập' báo cáo của Nhà Trắng về vụ tiêu diệt tư lệnh Iran

Đạo luật Quyền hạn Chiến tranh một lần nữa trở thành tâm điểm tranh cãi trong Quốc hội Mỹ liên quan đến quyết định không kích ám sát tư lệnh Qassim Suleimani của Tổng thống Trump.

Nhà Trắng hôm 4/1 đã gửi cho Quốc hội bản báo cáo chính thức về cuộc tấn công Thiếu tướng Qassim Suleimani của Iran bằng máy bay không người lái theo lệnh của Tổng thống Trump, theo Đạo luật Quyền hạn Chiến tranh.

Đạo luật Quyền hạn Chiến tranh yêu cầu trong vòng 48 giờ sau khi quân đội Mỹ tham gia vào cuộc xung đột vũ trang hoặc tình huống có thể dẫn đến chiến tranh thì nó phải được báo cáo với Quốc hội.

Các nghị sĩ trông đợi bản báo cáo sẽ như lời biện minh pháp lý của Nhà Trắng cho cuộc tấn công tiêu diệt tướng Suleimani, chỉ huy quân sự hàng đầu của Iran, người mà các quan chức cho rằng đứng sau cái chết của hàng trăm người Mỹ trong những năm qua.

Thế nhưng, bản báo cáo đầu tiên gửi đến Quốc hội vào chiều 4/1 chỉ chứa các thông tin mật, như các thông tin tình báo chi tiết có thể dẫn đến cuộc tấn công. Chưa rõ Nhà Trắng sẽ gửi báo cáo nào khác dưới dạng thông tin có thể công khai hay không, theo một trợ lý quốc hội cấp cao.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tối cùng ngày cho rằng bản báo cáo này “đặt ra nhiều câu hỏi hơn là lý giải về cuộc tấn công”, bao gồm thời gian, cách thức và lý lẽ của chính quyền trong việc tiến hành các hành động thù địch với Iran.

 Tổng thống Trump phát biểu tại Miami hôm 3/1. Ảnh: New York Times.

Tổng thống Trump phát biểu tại Miami hôm 3/1. Ảnh: New York Times.

“Quyết định cực kỳ bất thường về việc phân loại báo cáo này thuộc dạng tài liệu mật khiến chúng tôi lo ngại và hàm ý rằng Quốc hội và người dân Mỹ đang bị bỏ mặc trong bóng tối trong vấn đề an ninh quốc gia”, bà Pelosi nói.

Bản chất báo cáo này rất ngắn gọn, trợ lý cấp cao đảng Dân chủ cho biết, theo New York Times. Nhưng nội dung của nó khiến các nghị sĩ phải tranh cãi khốc liệt về quyền hạn tuyên bố chiến tranh của tổng thống Mỹ và vai trò của Quốc hội Mỹ trong các vấn đề xung đột quân sự.

Nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ gọi cuộc không kích Tướng Suleimani, động thái có nguy cơ leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran, là “bất hợp pháp” và “trái phép”. Họ đang tìm cách kiềm chế khả năng của Tổng thống Trump trong cuộc tấn công Iran có khả năng xảy ra trong tương lai.

Dù các cố vấn của ông Trump khăng khăng rằng họ tiến hành tấn công dựa trên nguồn tin tình báo đáng tin cậy cho rằng Tướng Suleimani đang âm mưu phá hoại lợi ích của Mỹ, các nghị sĩ đảng Dân chủ vẫn tỏ ra hoài nghi.

Trả lời họp báo hôm 3/1, ông Robert C. O’Brien, Cố vấn An ninh Quốc gia, nói rằng Tổng thống Trump hành động với tư cách tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Mỹ trong cuộc không kích Suleimani. Điều này tương tự như việc Quốc hội phê chuẩn năm 2002, trao cho Tổng thống George W. Bush thẩm quyền pháp lý để phát động chiến tranh với trùm khủng bố Saddam Hussein và chính phủ Iraq.

Mặc dù Đảng Cộng hòa ca ngợi hành động tiêu diệt Tướng Suleimani là “một đòn dứt khoát nhắm vào kẻ thù lâu năm”, đảng Dân chủ vẫn quan ngại rằng tổng thống đang mạo hiểm với một cuộc chiến mới ở Trung Đông, và cho rằng Nhà Trắng vượt quá thẩm quyền pháp lý trong việc tiến hành cuộc tấn công mà không có sự cho phép từ Quốc hội.

Nước mắt và hận thù thấm đẫm đám tang tư lệnh Iran bị Mỹ ám sát Iran hứa sẽ trả thù tàn khốc sau cuộc không kích của Mỹ vào Baghdad hôm 3/1 làm thiệt mạng tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran.

Hạnh Vũ

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ba-pelosi-vui-dap-bao-cao-cua-nha-trang-ve-vu-tieu-diet-tu-lenh-iran-post1032820.html