Ba nước Đông - Bắc Á nỗ lực thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư nội khối

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản hôm nay (2-5) đã cảnh báo về sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và nhất trí thúc đẩy các nỗ lực cho các hoạt động đầu tư và thương mại khu vực.

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tại cuộc họp (Ảnh: Yonhap)

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tại cuộc họp (Ảnh: Yonhap)

Trong thông cáo đưa ra sau cuộc họp ba bên tại Fiji, các bộ trưởng và thống đốc ngân hàng ba nước Đông - Bắc Á nêu rõ: “Chúng tôi sẽ duy trì sự thận trọng trước các nguy cơ tiêu cực và tái khẳng định cam kết của chúng tôi chống lại tất cả mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ, duy trì hệ thống đầu tư và thương mại đa phương mở và dựa trên các nguyên tắc, đồng thời thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư nội khối”.

“Chúng tôi đã nhất trí tăng cường hơn nữa sự phối hợp và liên lạc giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm đóng góp cho sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và bao trùm”, thông cáo nói thêm.

Cuộc họp ba bên của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương ba nước Đông - Bắc Á được tổ chức bên lề cuộc gặp hằng năm giữa 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (ASEAN+3).

Trong thông cáo, các quan chức tài chính ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nêu rõ, ba nước “thừa nhận rằng khu vực ASEAN+3 là động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu và kỳ vọng, khu vực ASEAN+3 sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, mặc dù môi trường toàn cầu ngày càng nhiều thách thức với những xung đột thương mại, nhu cầu bên ngoài giảm nhẹ và các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn”.

Các quan chức tài chính cấp cao của ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng nhất trí tăng cường hỗ trợ tài chính, bao gồm sự linh động mở rộng thời hạn hỗ trợ từng phần kết nối với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) của cơ chế Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM), và thêm một cơ sở pháp lý bao quát cho điều kiện để CMIM hỗ trợ các thành viên giải quyết các nguy cơ và những điểm yếu thông qua các đề xuất chính sách cũng như hỗ trợ tài chính.

CMIM có hiệu lực từ năm 2010, hiện có tổng trị giá 240 tỷ USD nhằm giải quyết các khó khăn về cán cân thanh toán và tính thanh khoản ngắn hạn tại khu vực trong thời điểm xảy ra khủng hoảng. Cơ chế này cung cấp các hỗ trợ tài chính thông qua các giao dịch hoán đổi tiền tệ giữa các thành viên trong những trường hợp cần thanh khoản.

N.T

Theo Yonhap

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/40048802-ba-nuoc-dong-bac-a-no-luc-thuc-day-hoat-dong-thuong-mai-va-dau-tu-noi-khoi.html