Ba nữ tỉ phú giàu nhất Trung Quốc

Theo báo cáo mới từ Viện Nghiên cứu Hurun, Trung quốc có số lượng nữ doanh nhân tự thân làm giàu nhiều nhất thế giới - 85 người - chiếm 2/3 trong tổng số 130 nữ tỉ phú toàn cầu. Dưới đây là 3 nữ tỉ phú nổi trội nhất Trung Quốc mà Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hong Kong vừa giới thiệu.

Zhong Huijuan - Giám đốc điều hành Tập đoàn dược phẩm Hansoh, tài sản 22 tỉ USD

Doanh nhân 60 tuổi quê ở tỉnh Giang Tô này từng nắm giữ danh hiệu người phụ nữ giàu nhất thế giới. Điều bất ngờ là bà Zhong xuất thân từ một giáo viên dạy hóa ở trường trung học. Chồng bà - ông Sun Piaoyang, quản lý tại một nhà máy dược phẩm quốc doanh - là người đã đưa bà vào ngành công nghiệp dược phẩm.

Khi thành lập Haosen Pharmaceutical - tiền thân của Hansoh - vào năm 1995, Sun giao cho vợ phụ trách công ty, vì lúc đó ông còn làm cho nhà nước. Bà Zhong quyết định chuyển hướng phát triển của công ty từ sản xuất thuốc chứa hoạt chất giống biệt dược gốc sang thuốc đặc chế - chiến lược đã đưa công ty lên những tầm cao mới.

Hai năm sau, Zhong có thành tựu đầu tiên nhờ sản xuất thành công thuốc kháng sinh Cefalexin - loại thuốc bán chạy nhất của công ty ngay khi ra mắt. Tiếp nối thành công đó, bà trích 10% doanh thu hàng năm cho nghiên cứu và phát triển dược phẩm mới. Những năm 2000, Hansoh đã bào chế 40 loại thuốc mới, bao gồm kháng sinh, thuốc an thần kinh và điều hòa nội tiết. Những loại thuốc này giúp Hansoh trở thành một trong những hãng dược phẩm thành công nhất tại Trung Quốc.

Từ trái sang: Zhong Huijuan, Fan Hongwei và Wu Yajun.

Từ trái sang: Zhong Huijuan, Fan Hongwei và Wu Yajun.

Fan Hongwei - Giám đốc điều hành Hãng cung cấp sợi hóa học Hengli, tài sản 23 tỉ USD

Giống như Zhong Huijuan, bà Fan Hongwei (54 tuổi) cũng sinh ra tại tỉnh Giang Tô và là một nữ doanh nhân “tay ngang” bởi công việc ban đầu là kế toán. Cơ duyên đưa bà đến ngành công nghiệp sợi hóa học là nhờ chồng, tỉ phú Chen Jianhua - hiện là Chủ tịch Hengli.

Số là vào những năm 1990, Chen đi bắt đầu đi bán sợi và vải bằng xe đạp. Buôn bán dạo là sinh kế hấp dẫn vào lúc đó tại Trung Quốc, bởi nước này đang khan hiếm nguyên liệu thô. Năm 1994, hai người quyết định mua lại một nhà máy dệt thua lỗ. Họ thuyết phục công nhân cũ ở lại làm việc và tiến hành nhiều cải cách, nhờ đó đã xoay chuyển tình thế của nhà máy chỉ trong 1 năm. Cặp đôi tiếp tục tái đầu tư lợi nhuận thu được, nâng cấp thiết bị và mở rộng dây chuyền sản xuất của nhà máy. Đến đầu những năm 2000, Hengli vươn lên thành một trong những công ty dệt lớn nhất thế giới.

Wu Yajun - Đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Hãng phát triển bất động sản Longfor, tài sản 17 tỉ USD

Bà Wu Yajun (57 tuổi) sinh trưởng trong một gia đình có cha là nhân viên cửa hàng bách hóa quốc doanh và mẹ là thợ may. Sau khi lấy được tấm bằng kỹ sư, Wu làm kỹ thuật viên ở một nhà máy quốc doanh. Cuối những năm 1980, khi Bắc Kinh bắt đầu cải cách thị trường, bà chuyển sang làm ký giả cho một tờ báo ở thành phố Trùng Khánh. Công việc viết lách đã giúp Wu có nhiều mối quan hệ trong giới bất động sản, tạo điều kiện thuận lợi để bà chuyển hẳn sang lĩnh vực này.

Năm 1993, Wu sáng lập Longfor cùng với chồng là ông Cai Kui (đã rút khỏi công ty sau khi li dị vào năm 2012). Năm 2004, Longfor thâm nhập thị trường quốc tế khi liên doanh với tập đoàn đầu tư, quản lý và phát triển bất động sản Hong Kong Land, trở thành một trong những nhà phát triển bất động sản giá trị nhất thế giới.

NGUYỆT CÁT

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/ba-nu-ti-phu-giau-nhat-trung-quoc-a131873.html