Bà nội trợ, quyền lực ngầm kinh tế Việt Nam

Một đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là kinh tế 'bà nội trợ' trong mỗi gia đình, kinh tế tự cung tự cấp ở cả nông thôn và thành thị.

Năm 2019, Thủ tướng đã yêu cầu đánh giá lại quy mô nền kinh tế, trong đó có chỉ tiêu GDP. Cho đến nay, sau khi Tổng cục Thống kê công bố GDP tính lại tăng thêm 25%, nhiều ý kiến vẫn chưa xuôi.

Việc tính lại GDP được các nước thế giới thực hiện thường xuyên và Việt Nam không phải là trường hợp cá biệt.

Thực tế, chỉ riêng năm 2017, bình quân trong 158 quốc gia, số GDP được tính lại đã tăng thêm trên 31%, trong đó cao nhất là Zimbabwe với trên 60%, thấp nhất là Thụy Sĩ với trên 7%, đáng kể là Italy trên 19%, Tây Ban Nha trên 17%.

Sau khi Tổng cục Thống kê công bố GDP tính lại tăng thêm 25%, nhiều ý kiến vẫn chưa xuôi

Sau khi Tổng cục Thống kê công bố GDP tính lại tăng thêm 25%, nhiều ý kiến vẫn chưa xuôi

Với GDP Việt Nam, Đại học Fulbright đã tính thêm được 25-30% so với số liệu đã được công bố chính thức. Hy vọng rằng, từ 2021 - năm mở đầu cho kế hoạch 5 năm và các chặng tiếp của nhịp thời gian 2025-2030-2045, việc tính lại này sẽ được Thống kê Việt Nam thực hiện thành thông lệ.

Bốn nguyên nhân chủ yếu

Việc tính lại không nhằm để Việt Nam thăng hạng trên Bảng tổng sắp quy mô các nền kinh tế trên thế giới, mà chủ yếu là để tôn trọng một sự thực là quy mô nền kinh tế đã và đang cao hơn những gì đã được công bố chính thức.

Về việc này, Thống kê Việt Nam đã xác định có 4 nguyên nhân chủ yếu: i/ Do năng lực điều tra, thu thập tư liệu thống kê; ii/ Do không chủ trương thống kê kinh tế phi chính thức; iii/ Do không thừa nhận kinh tế bất hợp pháp; iv/ Do sẽ làm tăng nghĩa vụ đóng góp của Việt Nam theo thông lệ vào các tổ chức quốc tế.

Kinh tế bất hợp pháp (nguyên nhân iii) được coi là phù hợp với quan niệm về đức trị của Việt Nam, coi bất hợp pháp đồng nghĩa với phi đạo đức. Tuy nhiên, cần có giới hạn cho khu vực kinh tế bất hợp pháp, hoặc phân biệt rõ giữa kinh tế bất hợp pháp với các loại kinh tế có tên thiếu chuẩn mực như kinh tế ngầm, kinh tế đen...

Về vấn đề này, nhiều nước trên thế giới đã không ngừng có sự “tính lại GDP”. Điển hình là kinh tế “mại dâm”, có nước tính vào GDP, có nước trước không tính, nay đã tính lại.

Phổ biến hơn, đó là kinh tế “hàng giả, hàng nhái”. Loại kinh tế này rõ ràng là bất hợp pháp, một phần đã bắt được quả tang, thậm chí đã có phần đưa ra xét xử trước tòa án, nhưng đa phần khác vẫn còn sản xuất - lưu thông - tiền tệ hóa trên thị trường như một loại hàng hóa thực thụ.

Loại bỏ kinh tế “hàng giả, hàng nhái” ra khỏi GDP liệu có sai so với định nghĩa của chỉ số này không? Một tỷ lệ không hề nhỏ, thậm chí ngày càng tăng cao là hàng giả, hàng nhái đã tràn vào Việt Nam từ biên giới phía Bắc chứng tỏ nền kinh tế thuộc tốp đầu thế giới cũng đã không từ bỏ loại kinh tế này, và biết đâu họ vẫn cho đó là một hợp phần trong quy mô cực lớn nền kinh tế của họ. Nếu không tính lại loại kinh tế này, liệu có thiếu công bằng đối với Việt Nam trong bảng xếp hạng kinh tế toàn cầu?

Thống kê kinh tế phi chính thức

Thứ nhất, phải nói rằng loại kinh tế này đã hình thành và phát triển ngay từ những năm thoái trào của kinh tế kế hoạch hóa. Đối với khu vực nông thôn, kinh tế phi chính thức trở thành cứu cánh cho hàng triệu hộ gia đình với việc kinh doanh trên mảnh đất 5%, bên cạnh đất ruộng 95% nộp vào hợp tác xã.

Đã từng có đánh giá rằng, đất 5% đã tạo ra 95% thu nhập cho các hộ gia đình, còn đất 95% chỉ tạo ra số còn lại là 5%. Vậy là từ năm 1992, số thu nhập từ đất 5% trên đây đã không được tính vào GDP.

Đối với khu vực nông thôn, kinh tế phi chính thức trở thành cứu cánh cho hàng triệu hộ gia đình... Ảnh: Lê Anh Dũng

Còn ở thành thị, trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước, từ kế hoạch tập trung và thống nhất đã xuất hiện “Kế hoạch 3 phần”, trong đó: một là “phần làm cho nhà nước 100%”, hai là “làm cho nhà nước một phần, làm cho thị trường một phần”, ba là “làm cho doanh nghiệp 100%”.

Đối với 3 phần kế hoạch đó, phần 1 nhằm thực hiện nghĩa vụ với nhà nước; Phần 2 nhằm duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp; Phần 3 nhằm bảo đảm đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức trong doanh nghiệp.

Phần 2 và 3 thuộc khu vực kinh tế phi chính thức; và như là một dĩ nhiên, hai phần này không được tính vào GDP từ trước năm 1992.

Thứ hai, kinh tế phi chính thức còn là hệ thống khổng lồ nữa trong toàn dân, đó là kinh tế tự cung tự cấp ở cả nông thôn và thành thị. Đây là một đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, kéo dài từ trong nền kinh tế kế hoạch hóa cho tới nay.

Đó là kinh tế “bà nội trợ” trong mỗi gia đình. Việc này có từ xưa đến nay, coi đó là một truyền thống, thậm chí giới “mày râu” hiện nay cũng tích cực tham gia. Cả nước có 25 triệu hộ gia đình thì cũng có bấy nhiêu “bà nội trợ”, nếu phải trả theo giá thị trường, thì ở thành thị không dưới 7 triệu đồng/tháng, ở nông thôn không dưới 3 triệu đồng/tháng cho mỗi gia đình.

Đó là tự sản tự tiêu trong bữa ăn hàng ngày của các hộ gia đình nông thôn. Các hộ này có thể không phải mua gạo nhưng vẫn phải thổi cơm; có thể không phải mua rau, đậu, cá, trứng, thịt nhưng vẫn phải có món xào, luộc, rán… trên bàn ăn. Nếu không tự sản xuất được những sản phẩm tươi sống đó, họ phải mua trên thị trường, với giá không dưới 2 triệu đồng/tháng cho mỗi người trong gia đình.

Vậy mà cho đến nay, phần kinh tế tự sản tự tiêu trên đây vẫn chưa được tính vào GDP. Việc này có thể đúng với các quốc gia có nền kinh tế phát triển cao, nhưng không đúng với Việt Nam khi còn đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, trong đó còn có những bộ phận kinh tế đã là hàng hóa nhưng còn chưa tiền tệ hóa được.

Do bị bỏ qua như vậy, bước vào thời kỳ Đổi mới năm 1986, thì năm 2000, GDP Việt Nam được xác định chỉ là 31 tỷ USD, bình quân 403 USD/người. Với mức này, 100% người dân thuộc diện nghèo, trong khi đó, tỷ lệ này trên thực tế chỉ là 29%, thậm chí Việt Nam đã hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa nghèo vào năm 2006, về đích trước 10 năm.

Ở mức thấp xa so với thực tế như vậy, nên GDP Việt Nam mới đạt mức 101 tỷ USD vào năm 2010, 6 năm sau mới đạt mức 202 tỷ USD, và năm 2020 mới đạt được 340 tỷ USD.

* Bài 2: GDP của Việt Nam phải vượt mốc 500 tỷ USD

TS Đinh Đức Sinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/viet-nam-hung-cuong/ba-noi-tro-quyen-luc-ngam-kinh-te-viet-nam-746129.html