Bà nội tôi

Bà nội tôi sống với cô Uyên tôi ở dưới chân đồi gần nhà bác Cả Trọ. Tôi chưa bao giờ được xuống chân đồi, để đến nhà cô tôi, vì cô tôi và chú Nam tôi đều đi theo kháng chiến, đứa con đầu lòng không thể tự nuôi được nên đã phải gửi lại nhà bà Bạng để làm con nuôi - sau này hòa bình lập lại, cô chú tôi phải nói mãi mới xin được em về, vì vậy em tôi có 2 mẹ và 2 bố.

Cô chú tôi sinh thêm mấy em nữa nên bà tôi ở với cô tôi để trông nom các em. Bà tôi người nhỏ bé, tần tảo, hiền lành, nếu tôi nói đến những người phụ nữ tôi gặp trong đời, tôi yêu và kính trọng ai nhất thì đó chính là bà nội tôi.

Trên quả đồi này, thỉnh thoảng bà lên thăm chúng tôi, bà đội cái nón, tay cắp cái rổ, đeo cái bị đựng bộ quần áo, có bị đựng quần áo là thế nào bà cũng ở với chúng tôi được ít ngày. Nếu bà chỉ cắp rổ thì có nghĩa bà chỉ tạt qua chơi với chúng tôi được nửa buổi là phải về, trong cái rổ của bà thế nào chúng tôi cũng có quà, mấy quả ổi, quả sim bà hái, mấy bắp ngô, củ khoai, củ lạc luộc - tuyệt hơn nữa là có mấy cái kẹo lạc, kẹo vồ có khi có con muồm muỗm, con dế cho em tôi chơi. Chẳng hiểu sao khó khăn thế mà lúc nào trong suốt cuộc đời tôi, cho đến khi tôi đã lớn, lấy chồng, sinh con, bà tôi vẫn có quà như thế, chỉ có điều nhiều màu sắc hơn xưa, những cái bánh bích quy, cái kẹo giấy nhiều màu. Mỗi lần lên đồi thăm chúng tôi, phát quà xong, bà tôi xắn tay áo quét nhà, quét sân, băm rau lợn, tưới cây, và kể truyện cổ tích cho chúng tôi nghe, truyện “Tấm Cám”, “Thạch Sanh”, “Tống Trân Cúc Hoa”, đọc “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, ôm chúng tôi trong lòng, bà lại cắp cái rổ không ra về.

Lần nào bà về, tôi cũng chạy theo nước mắt giàn giụa nói: “Bà ơi, bà ở lại với chúng con”. Bà cũng nước mắt giàn giụa ngồi xuống ôm tôi vào lòng, bà nói: “Bà phải về trông con cho cô Uyên đi kháng chiến, các con đã có mẹ ở nhà trông nom rồi, con về nhà đi, rồi ít hôm nữa bà lại lên chơi với con”.

Bà đứng lên nhìn tôi hồi lâu rồi quay lưng đi xuống chân đồi, tôi nhìn theo dáng bà nhỏ bé, tay cắp cái rổ trống không đi xuống chân đồi, cho đến khi bà chỉ còn là một cái chấm nhỏ tí và mất hút sau lùm cây tôi mới thất thểu quay vào nhà. Ngay từ lúc còn bé tí, mỗi lúc chia tay bà tôi, trái tim tôi lại đau nhói, tôi nhớ và thương bà lắm! Tôi chưa thấy bà to tiếng với ai, hay giận hờn ai bao giờ, cả đời bà tần tảo, hy sinh, buồn giận lắm bà chỉ im lặng, ra vườn tưới cây hay quét sân, vào bếp nấu cơm, không nói câu nào.

Nhớ khi ở trên đồi, có con chó dại cắn mấy người. Hồi đó không có thuốc, ông Gần chữa chó dại cắn bằng cách lấy lá trầu không và một vài loại lá khác với rượu xát vào sống lưng và chỗ bị cắn, xát một hồi trên lưng nổi màu đỏ bầm, chích máu bầm ra, cứ thế vài lần là khỏi, nhưng cũng có người không khỏi, bị dại và chết. Gia đình tôi lo quá vì em tôi - Thành Chương - bị chó cắn, ông Gần xát trầu không, và các loại lá và rượu liên tục cho em tôi để lấy máu bầm ra, đến khi có người bị dại và chết, bà tôi chạy sang, cõng em tôi chạy trên cánh đồng, tôi chạy theo bà tôi, vừa chạy vừa khóc vì thương bà và em. Bà nói phải chạy thật xa, thật nhanh không để cho em tôi nghe thấy tiếng trống đám ma. Bà nói, mọi người tin rằng, nếu bị chó dại cắn, đang chữa mà nghe thấy tiếng trống đám ma của người bị chó dại cắn, họ sẽ phát bệnh dại mà chết theo, bà cõng em tôi chạy thục mạng trên cánh đồng, tôi chạy theo sau.

Bà cõng Chương đến nhà bác Cả Trọ thì chạy vào nhà bác, tôi vừa gọi bà, gọi em, vừa chạy theo vào. Bác Cả Trọ có quán nước ở ven đường này, bác lấy bánh chưng, trứng luộc, chuối cho chúng tôi ăn.

Thế mà rồi em tôi không bị làm sao, khỏi hẳn. Hơn nửa thế kỷ đã qua đi, tôi vẫn nhớ buổi chiều chạng vạng hôm đó, bà cõng em tôi chạy trên cánh đồng đất mới bừa, khấp khểnh, tiếng trống thì thùng của đám ma xa dần, tôi bé tí chạy theo bà và em thét lên: “Bà ơi! Chương ơi!”. Chạy xa dần để em tôi không nghe thấy tiếng trống ma quái định bắt em tôi đi ấy. Đây là lần đầu tiên tôi đi xa xuống tận chân đồi, băng ruộng, ra tận đường đất đỏ.

Hòa bình lập lại, gia đình tôi về Hà Nội ở số 6 Quang Trung cùng các bác, các chú nhà văn, nhà thơ. Bà từ Bắc Giang về thăm chúng tôi, vẫn áo nâu sồng, chít khăn mỏ quạ, vẫn cái bị đựng mấy bộ quần áo nâu sồng và cái rổ đựng quà quen thuộc của bà tôi, bà chia quà cho chúng tôi, tay bà răn reo, bàn tay của một người suốt đời cần cù lao động, nhẫn nhịn, hy sinh, thương yêu con cháu. Ở chơi mấy ngày lại thấy bà chuẩn bị lên Bắc Giang với cô, tối hôm đó, tôi nằm thức trắng, sáng sớm nghe bà lục cục dậy, tôi lẻn ra cổng nấp vào một góc, trời chớm đông, hai tay ôm lấy người cho đỡ lạnh, tôi im lặng đứng núp vào góc tường, mắt mở to nhìn và đợi, lát sau bố mẹ tôi tiễn bà ra cổng, đợi bố mẹ quay vào nhà xong, bà tôi đã đi được một quãng, tôi chạy theo, thét lên: “Bà ơi!”.

Tiếng thét to y chang như hôm bà tôi cõng Chương chạy trên cánh đồng chạng vạng chiều hôm nào vậy. Tôi chạy theo bà, sương mù buổi sớm lạnh quá, bà đi một mình trên đường, dáng người nhỏ bé, nghe tiếng thét “Bà ơi” của tôi, bà đứng sững lại như chết lặng, quay lại nhìn tôi, chạy lại ôm lấy tôi.

Bà nói: “Con ơi con về đi kẻo lạnh. Bà đi lên Bắc Giang rồi ít lâu sau bà lại về chơi với con, con về đi không thầy u con không thấy con đâu lại lo, mà lạnh lắm về đi không có ốm, Bà phải đi cho kịp chuyến tàu kẻo lỡ con ạ!”.

Tôi lại đứng đó nước mắt ràn rụa nhìn theo bóng dáng nhỏ bé của bà đi, chìm dần trong sương sớm. Cuộc đời tôi không biết bao nhiêu lần đứng trong nước mắt giàn giụa chia tay bà đi như vậy với lòng kính trọng thương yêu vô hạn.

Sau này lớn lên, đi làm, có tháng lương và số nhuận bút đầu tiên tôi đã dành trọn để may cho bà một cái áo bông trần nhung the, một áo lụa mỡ gà, một quần láng và một khăn len đúng kiểu các cụ xưa, lòng tôi rộn ràng sung sướng cùng bố tôi sang nhà cô tôi đưa cho bà. Lần đầu tiên nhìn bà xúng xính trong bộ quần áo mới, bà tôi như sáng ra hẳn, cười rạng rỡ, mắt nheo nheo, lộ ra hàm răng đen nháy, hai bàn tay răn reo vuốt vuốt vào áo bông nhung the nói: “Mịn quá!”. Rồi ngân ngấn nước mắt nói với tôi: “Bà cám ơn con, quần áo vừa quá!”. Tôi đã ôm bà bao nhiêu lần trong vòng tay bé nhỏ của tôi, tôi biết kích thước của bà mà. Bố tôi nhìn tôi nói: “Thầy ngần này tuổi, sinh ngần ấy con, cháu cho bà, thầy chưa một lần báo hiếu cho bà, hôm nay con thay thầy báo hiếu bà, thầy mừng lắm, thầy cám ơn con”.

Sau này tôi còn mua cho bà nhiều thứ nữa, nhưng chưa lần nào tôi sung sướng hãnh diện bằng tháng lương đầu tiên tôi đã dành để mua cho bà này.

Tôi đã vẽ bà một bức chân dung, bà mặc chiếc áo dài nâu sồng tôi mua tặng bà, chít khăn mỏ quạ, hai bàn tay răn reo đan vào nhau, mắt bà hiền từ nhìn tôi, phía sau là một bức chạm hoa sen, những mô típ của đình, chùa cổ. Chẳng hiểu sao cứ nghĩ đến bà là tôi lại thấy những bức chạm ở những đình, chùa cổ hiện ra như sâu thẳm của cội nguồn vậy. Tôi gọi bức tranh đó là “Bà Nội tôi”.

Rồi tôi lấy chồng, sinh con, bà nội tôi đã có cháu gọi bà là cụ, là kỵ. Thỉnh thoảng đi làm về thấy ngoài cửa giắt mấy cái kẹo, cái bánh, hay mấy quả chuối, quả ổi xanh… là biết bà lại vừa ghé qua. Quà của bà vẫn thế, chẳng biết bà dành nó từ lúc nào để chắt chiu cho con, cháu, con tôi mới mấy tháng tuổi, cháu làm sao đã ăn được ổi xanh của cụ cho, nhưng cầm quả ổi trong tay, tôi thấy cả một trời thương của bà dành cho con cháu.

Mỗi lần lên Bắc Giang thăm bà và cô tôi, tôi vẫn thấy bà lóc cóc đi sang các nhà hàng xóm, lúc cái bánh, cái kẹo, nắm lạc luộc, bắp ngô luộc, quả chuối, quả ổi, quả cam, bây giờ có khi còn có cả kẹo sôcôla và các loại bánh kẹo khác nữa. Bà tôi xách trong túi nilông lõm cõm đi phát quà cho trẻ con hàng xóm khắp lượt. Bà đã già lắm rồi. Có biết bao nhiêu tình thương yêu của bà dành cho chúng tôi, cho cả những người bà gặp thoáng qua trong đời mình.

Một hôm bà gọi tôi sang gặp bà, giọng nghiêm trang bà nói: “Bà muốn dặn con một việc, bà đưa cho con 200 ngàn, con giữ lấy để khi bà mất, con nói với thầy con và cô Uyên nhớ cho bà về quê nằm cạnh ông nội con, để các con còn biết đường về thăm ông bà, quê cha đất tổ, con hứa làm việc này cho bà, nếu không thế nào cô Uyên cũng cho bà nằm trên Bắc Giang đấy!”.

Tôi không nhận tiền và nói: “Con hứa với bà nhất định con sẽ nhớ lời bà dặn, đưa bà về nằm cạnh ông nội ở quê nhà mình. Bà yên tâm, con hứa”.

Bà cầm tay tôi nhất định dúi 200 ngàn vào tay bắt tôi cầm, rồi bà lại quay lên Bắc Giang.

Một lần nghe tin bà ốm, tôi cùng con gái bay ra Hà Nội lên Bắc Giang thăm bà, bà đã nhỏ lại càng nhỏ hơn, Bà ngồi trên giường nhìn tôi và con tôi trách yêu: “Hiền Minh vào Sài Gòn sống lâu mới ra thăm cụ, quên cụ rồi à?”. Con tôi ôm lấy cụ nói: “Ôi cụ, cụ còn nhớ cả tên cháu cơ à?”. Cụ cười móm mém nói: “Quên thế nào được, cháu là Hiền Minh, con bố Hạo mẹ Hiền chứ gì!”.

Lần đầu tiên thấy bà ngồi trên giường không làm gì, lần đầu tiên thấy bà không lóc cóc đi cho quà trẻ con hàng xóm. Bà ốm rồi, ở chơi với bà xong vừa quay về Hà Nội thì cô Uyên lại gọi chúng tôi lên ngay. Bà mất rồi, bà ngồi kể chuyện cổ tích cho chắt của bà nghe, đang kể chuyện thì bà gục xuống, bà đã nhẹ nhàng thanh thản ra đi.

Bố tôi cùng cô tôi đã chôn cất bà tôi trên một ngọn đồi ở Bắc Giang.

Nhớ lời hứa với bà năm nào, 3 năm sau, gia đình chúng tôi đưa bà về làng, để bà nằm bên ông nội như tâm nguyện của bà.

Tôi đã mơ thấy bà tôi dắt tay tôi về làng, hôm đó hội làng đông quá, có hát tuồng, múa lân, bà dắt tôi đi trên con đường nhỏ, hai bên đường là đầm sen, rồi bà buông tay tôi, tiến lên phía trước ngồi xuống và biến mất, trong đầm sen bỗng vụt nở một bông sen to lớn, bóng mát che rợp cả đường đi. Bừng tỉnh dậy, hôm sau lập tức mua vé máy bay ra Hà Nội, về quê thăm mộ bà.

Ôi lạ quá, đúng y như giấc mơ của tôi, ở làng đang có hội múa sư tử, múa lân, hát tuồng đông quá. Đi theo chỉ dẫn trong giấc mơ mà bà đã dẫn dắt tôi đi, trên đường hai bên đầm sen hoa nở rộ, đi vòng xuống đúng chỗ bà ngồi rồi biến mất, ôi đây đúng là mộ bà rồi.

“Bà nội tôi “- tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền năm 1976.

Trong mơ bà đã chỉ cho tôi chỗ bà nằm, chắc bà muốn cho tôi biết, tôi đã giữ lời hứa với bà, và giờ bà đã về nằm bên cạnh ông nội tôi tại làng mình rồi, tiếng bà như văng vẳng đâu đây: “Các con hãy về thăm làng, thăm cội nguồn, thăm cha mẹ, ông bà, tổ tiên nhé!”.

Chỉ có điều nhìn sang đầm sen như trong mơ, tôi chỉ thấy những bông sen và lá sen dập dìu trước gió, không thấy bông sen to lớn như trong mơ đâu. Bỗng chợt hiểu, bông sen to lớn trong mơ đó chính là bà tôi trong lòng tôi, thơm ngát, dịu dàng, và tinh khiết trong bất kỳ muôn vàn biến đổi thăng trầm của cuộc đời này.

Bà tôi đã sống trên 100 tuổi, tròn 1 thế kỷ đầy biến động của đất nước này, Bà tôi đã bình lặng, dung dị, thản nhiên đi qua, không kêu ca, không oán trách, nhẫn nại, kiên cường trong sự chia sẻ với tràn đầy tình thương yêu của bà dành cho mọi người bà từng gặp.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ba-noi-toi-535868.bld