Ba nhiệm vụ trọng tâm để chiến lược phát triển năng lượng đi vào cuộc sống

Để Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đi vào cuộc sống, những điểm đột phá như phát triển đa dạng các nguồn năng lượng một cách phù hợp; tiếp tục tập trung ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, điện khí... cần được cụ thể hóa bằng các Chương trình hành động, Nghị quyết cụ thể của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại diễn đàn

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn cao cấp về năng lượng Việt Nam năm 2020 hôm nay, 22/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu rõ, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/ 2020 (Nghị quyết 55) định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra nhiều điểm mới trong quan điểm chỉ đạo phát triển năng lượng quốc gia để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia.

Cụ thể, Nghị quyết 55 đề ra các định hướng xóa bỏ những rào cản, tạo thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia phát triển lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam.

Đồng thời, Nghị quyết cũng xác định rất rõ chiến lược phát triển bền vững năng lượng quốc gia thời gian tới là tập trung phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, phù hợp, đồng thời tiếp tục ưu tiên năng lượng tái tạo.

Dưới góc độ là cơ quan đầu mối tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ để sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ, làm cơ sở để xây dựng những kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết.

“Để Nghị Quyết 55 đi vào cuộc sống, những điểm đột phá của Nghị quyết như phát triển đa dạng các nguồn năng lượng một cách phù hợp; tiếp tục tập trung ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, điện khí... cần được cụ thể hóa bằng các Chương trình hành động, Nghị quyết cụ thể của Chính phủ”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Những nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 55 sẽ bao gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện, xây dựng cơ chế chính sách; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành năng lượng, đảm bảo môi trường, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và vai trò của địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết 55.

Thứ nhất, về đẩy mạnh hoàn thiện, xây dựng cơ chế chính sách, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, Chính phủ sẽ sớm sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích và thúc đẩy phát triển không chỉ các nguồn cung năng lượng mà ngay cả khu vực tiêu thụ năng lượng theo hướng bền vững, hiệu quả, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia trong lĩnh vực này trong bối cảnh ngành năng lượng đang phát triển hết sức năng động.

Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, có tính chất quan trọng và cấp bách đã được đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ để tạo điều kiện cho ngành năng lượng phát triển ổn định, bền vững.

Cùng với đó, Chương trình hành động của Chính phủ cũng giao các bộ, ngành có nhiệm vụ phải cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng của mình song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả; cần tiến hành rà soát, sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

Thứ hai, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành năng lượng, đảm bảo môi trường, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng.

Người đứng đầu Bộ Công Thương phân tích, cơ sở hạ tầng năng lượng chính là mạch máu đảm bảo sự lưu thông, vận hành trơn tru của toàn ngành năng lượng. Vì vậy, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực.

Bên cạnh đó, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng.

“Chính phủ sẽ nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù trong việc triển khai thực hiện các dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt là các dự án điện cấp bách trong quy hoạch phát triển điện lực; tạo điều kiện để thị trường điện phát triển đúng đắn, phù hợp với chủ trương minh bạch hóa ngành năng lượng”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Thứ ba, vai trò của địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết 55.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xây dựng các cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án năng lượng trên địa bàn; tham gia xây dựng, góp ý, hoàn thiện cơ chế, chính sách đột phá để phát triển bền vững ngành năng lượng.

Ngoài ra, các địa phương cần cập nhật, điều chỉnh các quy hoạch để tránh chồng lấn với các quy hoạch phát triển phân ngành năng lượng, tạo điều kiện huy động tối đa tài nguyên phát triển ngành năng lượng và các ngành công nghiệp trong nước...

Uyển Như

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/ba-nhiem-vu-trong-tam-de-chien-luoc-phat-trien-nang-luong-di-vao-cuoc-song-130414.html