Bá Nha-Tử Kì, Nguyễn Khuyến-Dương Khuê, Dũng Thiên Lôi-Linh Phụng (Song Lang): Những tài tử miệt mài kiếm tìm 'chàng thơ'

Những ai mang trong mình dòng máu tài tử thường sẽ có cho mình một nàng thơ. Tuy nhiên, câu chuyện của họ không phải lúc cũng trọn vẹn và bền mãi. Và rồi sự li biệt nào cũng sẽ để lại những niềm đau? Niềm đau làm con người ta đắm say hơn trong nghệ thuật? Tất cả sẽ được hé mở trong bài viết này!

Những khuôn hình đầy đặn cùng những giai điệu thiết tha trong Song Lang đã khiến không ít khán giả thổn thức. Song Lang từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc đã hát lên cho khán giả nghe nhiều khúc nhạc khác nhau, khúc hát hân hoan của hai ngươi vô tình phải lòng nhau, khúc ca oai hùng, kiêu hãnh của môn nghệ thuật cải lương vàng son và sau cùng là khúc biệt li ca của một mối tình chưa ngỏ lời khiến cả đời đợi mong.

Dũng Thiên Lôi (Liên Bỉnh Phát) - Linh Phụng (Isaac), họ là những con người của nghệ thuật, dành cả cuộc đời gắn liền với nghệ thuật nhưng điểm đến sau cùng không phải lúc nào cũng son sắt như ánh hào quang nghệ thuật. Chính câu chuyện phảng phất chút hương vị bi ai mà hấp dẫn này đã khiến biết bao con tim biết yêu mình, yêu người, yêu đời và yêu nghệ thuật phải rung động.

Quả thật trong nghệ thuật, con người ta muốn làm nghề thăng hoa thường phải có cho mình một tri kỉ. Nói rộng hơn một tí, phàm là những ai mang trong mình dòng máu tài tử thường sẽ có riêng cho mình một nàng thơ. Người may mắn thì nàng thơ (hoặc chàng thơ) ấy cũng chính là người bạn đời kết tóc trăm năm. Còn lại, nàng thơ của các nghệ sĩ thường chỉ ghé lại bên đời họ một quãng thời gian rồi rời đi, để lại trong họ nỗi tiếc thương vô ngần. Song nỗi luyến tiếc ấy chính là chất liệu khiến sản phẩm nghệ thuật của họ trở nên thoát tục, thanh thoát và xuất thần.

Câu chuyện của Song Lang cũng dạt dào xúc cảm như vậy, có vẻ, sự ra đi của Dũng Thiên Lôi (Liên Bỉnh Phát) và mối tình ngọt ngào của cả hai đã giúp cho giọng hát Linh Phụng (Issac) mùi mẫn hơn, trong ánh mắt cũng có tình hơn. Trước Linh Phụng, từ cổ chí kim, cũng có không ít những tài tử thành danh nhưng lại chịu cảnh chia xa tri kỉ của mình cả đời, đáng lưu ý nhất là Bá Nha - Tử KìNguyễn Khuyến - Dương Khuê.

Giai thoại về Bá Nha - Tử Kì đã tạo nên một dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng đến độ tên của cả hai thường được gọi chung với nhau thành một thành ngữ để diễn tả sự đồng điệu của hai tâm hồn. Bá Nha là một chàng trai nho nhã, lịch thiệp quê ở Sính Đô nước Sở nhưng lại được bổ làm quan nước Tấn. Trong một lần đi sứ sang nước Sở thân thương, Bá Nha đã đi ngang sông Hán Dương. Cảnh đẹp sắc nước hương trời thường khiến người ta ngóng chờ hình bóng một mĩ nhân.

Thế nhưng, tạo hóa trớ trêu không tặng cho Bá Nha một mĩ nhân mà chỉ dẫn lối đưa đường, mang anh đến với chàng tiều phu Chung Tử Kì (về sau người ta còn dùng thành ngữ này với hình thái Bá Nha Chung Kì). Hai người đàn hát với nhau giữa mây trời Hán Dương thắm thiết đến độ ngỡ là tri âm một đời. Sau đó, Bá Nha đã cáo biệt bạn đường trở về nước Tấn.

Tuy nhiên, có vẻ trong lòng Bá Nha vẫn không quên được những ngày tháng vui thú bên Tử Kì nên anh quay trở lại chốn cũ tìm lại tri kỉ. Trái ngang và cay lòng thay, khi Bá Nha trở lại, cảnh còn người mất, Tử Kì đã qua đời. Bá Nha lòng đau như cắt, tim như siết nghẹn đứng bên nấm mồ xanh cỏ tiếc thương. Trong phút biệt ly chậm trễ, Bá Nha đã gảy một khúc đàn vô cùng thiết tha gửi người đã thác nỗi niềm trong lòng. Sau đó, Bá Nha đã đập vỡ cây đàn và thề với lòng không bao giờ gảy một khúc nhạc nào nữa.

Có lẽ trên cuộc đời này chỉ có Tử Kì mới cảm nhận được cái tình tự, cái cảm xúc dạt dào bên trong khúc nhạc của Bá Nha nên dĩ nhiên, Tử Kì không còn thì cây đàn cũng không còn. Vì câu chuyện cảm động này mà người đời thường dùng thành ngữ Bá Nha Tử Kì hoặc Bá Nha Chung Kì để nói đến hai người vô cùng ăn ý với nhau, không thể tách rời.

Đó là giai thoại Bá Nha-Tử Kì. Giai thoại Nguyễn Khuyến - Dương Khuê cũng cảm động không kém, khiến nhiều người nhớ mãi không quên. Nguyễn Khuyến, bên cạnh việc sở hữu ba bài thơ Thu đỉnh cao, ông còn viết riêng cho mình và cho người một bài thơ Khóc Dương Khuê đầy tình tự để cảm thương đoạn tình cảm dang dở với Dương Khuê.

Dương Khuê chính là đồng song (người cùng học) và sau này là đồng liêu (người cùng làm quan) với Nguyễn Khuyến. Câu chuyện của họ gợi cho người đời cái cảm giác man mác buồn và hoài niệm về tiếng đàn của Bá Nha-Tử Kì. Vậy câu chuyện của Nguyễn Khuyến-Dương Khuê có giống Bá Nha-Tử Kì không?

Nguyễn Khuyến và Dương Khuê là hai người bạn chí thân, họ cùng nhau học hành, cùng nhau lớn lên và cùng nhau đỗ đạt làm quan. Có thể nói câu chuyện của họ quả thật là một câu chuyện đẹp về tình nghĩa. Tuy nhiên khi bước chân vào chốn quan trường quyền mưu chìm nổi, Dương Khuê dần đổi khác, điều này khiến Nguyễn Khuyến vô cùng buồn rầu. Sau nhiều lần khuyên giải không thành, Nguyễn Khuyến lui về ở ẩn và cắt đường thư từ với Dương Khuê.

Tuy nhiên, nỗi đau của sự chia li chưa kịp thấu hết, Nguyễn Khuyến nhận được tin dữ, Dương Khuê qua đời. Phải, tích xưa đã dần dần xuất hiện. Nhiều năm chia cắt tưởng là cả một kiếp người, Nguyễn Khuyến trong lòng có lẽ đã không còn giận Dương Khuê nữa mà chỉ còn sự nhớ mong dạt dào những ngày tháng cũ. Đứng trước cú sốc này, Nguyễn Khuyến đã sáng tác nên bài thơ Khóc Dương Khuê. Trong bài, có lẽ đây là đoạn đong đầy ý niệm nhất:

“Rượu ngon không có bạn hiền,

Không mua không phải không tiền không mua,

Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,

Viết đưa ai, ai biết mà đưa,

Giường kia treo những hững hờ,

Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn”

Vậy là rõ ràng, Nguyễn Khuyến đã liên tưởng câu chuyện của mình và Dương Khuê với câu chuyện cảm động của Bá Nha, Tử Kì qua câu thơ “Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn”. Nét tinh tế của Nguyễn Khuyến được thể hiện ở chỗ, ông chỉ mượn một chi tiết nhỏ là tiếng đàn để nhắc về tích xưa, qua đó khái quát hết về mối quan hệ của hai người. Chưa dừng lại ở đó, Nguyễn Khuyến tiếp tục xây dựng nỗi đau của mình từ ý tứ của chi tiết cây đàn Bá Nha. Có thể nói những hành động được Nguyễn Khuyến liệt kê, từ thưởng rượu, viết thư và nghe đàn đều cần có hai người mới trọn vẹn, thế mà nay chỉ còn một mình ông khiến cho những câu thơ này như gieo vào lòng người cái đau của việc chia cắt tình cảm.

Quả thật, từ hai câu chuyện mang vẻ đẹp thi ca lãng mạn này, chúng ta bỗng thấy thật ra tình cảm dành cho nhau vốn không thể nào nói trước được và cũng không thể gò vào một khuôn phép được. Hợp thì ở, không hợp thì li. Không ai nói đoạn tình cảm này đúng hoàn toàn, không ai nói đoạn tình cảm này sai hoàn toàn, quan trọng là người trong cuộc nghĩ gì và cần gì. Họ bên nhau không phải chỉ cần vui vẻ thôi sao, tri âm tri kỉ vốn giản đơn vậy thôi nhỉ?

Nếu đã tìm được cho mình một Tử Kì của cuộc đời, xin đừng vội buông tay để biến bản thân thành một Bá Nha mãi mãi tiếc thương một khúc tình buồn, một khúc tình về sau chỉ có thể nghe lại trong tâm trí chứ không thể nghe lại giữa cuộc đời. Vì sao ư? Vì đã có người nghe rồi, cớ sao chẳng thấy người gảy đâu nữa. À, hóa ra người gảy đã sớm không còn.

Câu chuyện mà Song Lang muốn kể có lẽ cũng thấm đượm tình ý như những tuồng xưa tích cũ. Để có thể cảm nhận hết cái đẹp của cải lương và cái ngọt ngào đến đắng cay của một đoạn tình giấu kín, hãy đến các rạp trên toàn quốc để thưởng thức Song Lang.

Anh Quân

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/ba-nha-tu-ki-nguyen-khuyen-duong-khue-dung-thien-loi-linh-phung-song-lang-nhung-tai-tu-miet-mai-kiem-tim-chang-tho-3489832.html